Triển vọng ngành dược năm 2011

(ĐTCK-online) Ngành dược có tốc độ phát triển trung bình hàng năm từ 16 - 18%. Năm 2010, giá trị sản xuất ước đạt 1,2 tỷ USD, đáp ứng 50% nhu cầu về thuốc. Phân ngành sản xuất thuốc được chia thành 2 phân khúc sản xuất chính là đông dược và tây dược.
Ngành dược không phù hợp với các NĐT lướt sóng ngắn hạn.

Tổng quan ngành

Thị trường đông dược chiếm tỷ trọng nhỏ, từ 0,5 - 1,5% giá trị sản xuất toàn ngành. Hiện có khoảng 80 DN sản xuất đông dược (trong đó 5 DN đạt chuẩn GMP-WHO) và hơn 400 cơ sở sản xuất nhỏ không có đăng ký. Hơn 80% nguyên phụ liệu đông dược được nhập khẩu từ Trung Quốc.

Phân khúc sản xuất tây dược có 87 DN. Vitamin, thực phẩm chức năng và thuốc kháng sinh là 2 dòng sản phẩm được sản xuất nhiều nhất, chiếm 22% và 21% tỷ trọng thuốc sản xuất trong nước. Thị phần thuốc kháng sinh sản xuất trong nước tuy cao, nhưng kháng sinh nhập khẩu vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch nhập khẩu thuốc. Còn thị phần sản xuất vitamin và thực phẩm chức năng cao hơn thị phần nhập khẩu mặt hàng này.

Đối với phân ngành kinh doanh, nhập khẩu và phân phối thuốc, có 3 DN nước ngoài chiếm gần 50% thị phần thuốc toàn quốc là Zuellig Pharma (Singapore), Diethelm (Thụy Sỹ) và Mega Product (Thái Lan), với doanh thu mỗi công ty hơn 1.000 tỷ đồng. Trong năm 2010, số thuốc tăng giá chiếm khoảng 10% tổng số thuốc tiêu thụ. Mức tăng trung bình của thuốc nội là 5,4%, thuốc ngoại là 6,1%. Dự kiến, mức tăng giá thuốc trong năm 2011 từ 3 - 5%.

 

Phân ngành các DN niêm yết

Phân khúc sản xuất đông dược hiện có OPC và TRA là hai DN có tỷ lệ lợi nhuận từ sản phẩm đông dược cao nhất trong số các công ty niêm yết (TRA trên 70%). Đối với phân khúc sản xuất tây dược, các DN như DHG, DHT, IMP, DHT, PMC tập trung sản xuất kháng sinh, vitamin và thực phẩm chức năng, giảm đau - hạ sốt. DMC là DN hàng đầu Việt Nam về thuốc tim mạch và nội tiết. MKP là nhà sản xuất nguyên phụ liệu kháng sinh duy nhất tại Việt Nam. DCL với sản phẩm viên nang và SPM có sản phẩm vitamin là chủ lực. Các DN này tuy gặp ít cạnh tranh hơn với các DN trong nước, nhưng phải đối mặt với cạnh tranh rất lớn từ dược phẩm nước ngoài.

Trong phân ngành kinh doanh, phân phối có VMD, DBT, DVD, LDP, trong đó VMD là DN dẫn đầu về doanh thu. Các DN trong phân ngành này có đặc điểm chung là lợi nhuận chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong doanh thu (lợi nhuận sau thuế của VMD chiếm 3 - 4% doanh thu), do chủ yếu là nhập khẩu ủy thác cho DN nước ngoài và kinh doanh.

Dù giá bán bị hạn chế và giá nguyên phụ liêu tăng mạnh vào cuối năm, nhưng các DN dược vẫn đạt mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trung bình 20% và 11% trong năm 2010.

 

Triển vọng 2011

Trong phân khúc sản xuất đông dược, năm 2010, Danapha gia nhập 5 DN đông dược có nhà máy đạt chuẩn GMP. Hầu hết các cơ sở còn lại không đủ điều kiện để chuyển đổi với hạn cuối năm 2010 và có nguy cơ bị giải thể. Nhìn về góc độ cạnh tranh, đây là tín hiệu tốt cho các DN đông dược lớn, đã đạt chuẩn. Nếu Bộ Y tế không thay đổi các tiêu chuẩn GMP cho phù hợp với đặc thù ngành sản xuất đông dược và lùi thời hạn áp dụng GMP, phân khúc này sẽ có nhiều thay đổi.

Đối với phân khúc sản xuất tây dược, ngành dược đang được Nhà nước đầu tư xây dựng đề án "Quy hoạch chi tiết phát triển công nghiệp dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020", nhằm quy hoạch, phân bố các nhà máy sản xuất thuốc trong nước theo hướng khuyến khích sản xuất thuốc phổ thông để giảm giá thành sản phẩm và ưu tiên cung ứng cho hệ thống cơ sở khám chữa bệnh công lập. Nhà nước chủ trương tăng nguồn cung ứng thuốc để cân bằng cung cầu thị trường dược phẩm bằng việc tăng số lượng DN nước ngoài kinh doanh thuốc 8,38% lên 540 DN, củng cố nguồn nguyên liệu dược tại Việt Nam và tăng chất lượng, số lượng thuốc sản xuất trong nước.

Trong khi đó, 5 năm kể từ khi gia nhập WTO, năm 2011 - 2012, thuế nhập khẩu bình quân đối với dược phẩm giảm từ 5% xuống 2,5% sẽ làm gia tăng thêm 10 - 20% đầu thuốc nước ngoài đăng ký tại Việt Nam.

Do đó, sự cạnh tranh và phát triển của phân khúc sản xuất, kinh doanh thuốc phổ thông sẽ ngày càng tăng. Vì vậy, nhiều DN đang chuyển hướng kinh doanh, tập trung hơn vào thuốc đặc trị (có tỷ lệ lãi cao hơn).

Biến động về nguyên phụ liệu, tỷ giá và lãi suất có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của các DN dược trong năm 2011. Tuy nhiên, dù chịu sự kiểm soát giá của Nhà nước, nhưng giá dược phẩm cũng sẽ được điều chỉnh tăng theo đà tăng của CPI. Giá bán tăng cộng sản lượng tăng sẽ bảo đảm lợi nhuận của các DN ngành dược tăng trưởng ổn định.

 

Khuyến nghị đầu tư

Ngành dược không phù hợp với NĐT lướt sóng ngắn hạn, do thanh khoản không ổn định, thấp hơn trung bình nhiều ngành chủ chốt khác và quan trọng hơn là thiếu thông tin đột biến. Trong những giai đoạn thị trường điều chỉnh mạnh, giá cổ phiếu ngành dược suy giảm ít hơn nên cũng không có nhiều cơ hội bật mạnh.

Ngành dược phù hợp hơn đối với NĐT giá trị, nắm giữ trung và dài hạn, do dòng tiền tương đối ổn định và cổ tức cao. Trong nhóm ngành dược, NĐT nên tập trung vào các công ty thiên về sản xuất (hơn là phân phối), với các dòng sản phẩm có chất lượng R&D (nghiên cứu và phát triển) cao, thiên về thuốc đặc trị có khả năng thay thế thuộc ngoại nhập và có hệ thống phân phối mạnh cả về bán buôn và bán lẻ.

Nguyễn Thị Vân Anh, CTCK SME
Nguyễn Thị Vân Anh, CTCK SME

Tin cùng chuyên mục