Gần một nửa DN tham gia vào cuộc khảo sát thuộc ngành dịch vụ, một phần tư thuộc ngành sản xuất, phần còn lại là thương mại và các ngành khác.
So với cuộc khảo sát quý trước, số lượng DN đánh giá tốt về tình hình kinh doanh hiện tại đã tăng từ 26% lên 40%, 36% DN có cái nhìn trung lập và số còn lại có đánh giá tiêu cực. Viễn cảnh kinh doanh cũng được cải thiện đôi chút với mức đánh giá tích cực là 30%, tiêu cực là 28% và mức trung lập vẫn giữ nguyên 42%.
Trong kỳ, số lượng công ty có các dự án mở rộng kinh doanh giảm từ 11% xuống 7%. Tuy nhiên, số lượng DN muốn cắt giảm đầu tư cũng giảm từ 27% xuống 24%. Phần lớn DN (73%) muốn giữ nguyên quy mô hoạt động kinh doanh như năm 2012 hoặc tăng ít đầu tư. Nhìn chung, với 78% phản hồi cho rằng, họ đang duy trì hoạt động như cũ hoặc tăng đầu tư, Việt Nam vẫn giữ một sự tin tưởng về mặt trung hạn.
Cũng theo báo cáo, có 45% công ty kỳ vọng doanh thu sẽ tăng, trong khi có 23% (giảm so với 32% quý trước) nghĩ rằng số lượng đơn hàng của họ giảm xuống. Đó là một bước cải thiện đáng kể.
Tình hình kinh doanh trong trung hạn của các DN EU tại Việt Nam
Ông Preben Hjortlund, Chủ tịch EuroCham chia sẻ: “Những thông tin này thể hiện sự ổn định trong tình hình kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, số liệu này vẫn ở dưới mức trung bình 50 điểm, trong khi 2 năm trước chỉ số này là 79 điểm. Chúng ta cần nhìn thấy sự cố gắng liên tục của Chính phủ để cải thiện các vấn đề về cấu trúc cơ bản của nến kinh tế”.
Những lo ngại về lạm phát đã giảm đi, tuy nhiên vẫn còn 45% DN cho rằng, lạm phát có tác động căn bản đến công việc kinh doanh trong trung hạn. Các DN được hỏi cho rằng, mức lạm phát sẽ ở mức 5,12%. Con số này giảm mạnh so với năm trước khi mức lạm phát được dự doán là 7,83%. Các phản hồi đều đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô đang được cải thiện. Năm ngoái, 72% dự đoán sẽ có sự suy thoái, nhưng chỉ số này cho năm nay chỉ còn 57%.
Tuy nhiên, khi được hỏi khía cạnh nào của biện pháp giám sát gây cản trở mạnh mẽ nhất tới họ, câu trả lời trong quý trước là vấn đề lao động với 39% phản hồi đề cập đến vấn đề này, nhưng hiện nay, những chính sách thuế và kiểm toán lại trở thành nỗi lo chính với 85% phản hồi. Dù đây là thời gian cao điểm để kiểm toán, nhưng số liệu trên vẫn rất đáng lo ngại.
EuroCham cho biết, sẽ tiếp tục hỗ trợ để xóa bỏ các thanh tra không có cơ sở và đảm bảo việc thanh tra được thực hiện công bằng cho tất cả công ty hoạt động tại Việt Nam. Điều đó rất quan trọng đối với Việt Nam trong việc đảm bảo một sân chơi bình đẳng cho tất cả các nhà đầu tư để tiếp tục khuyến khích đầu tư từ các công ty nước ngoài và địa phương.
Bên cạnh đó, sự suy thoái của nền kinh tế đã ảnh hưởng đến nguồn thu thuế của Chính phủ. Điều đó dẫn đến việc tăng các mức phạt, các cuộc kiểm toán, các nghĩa vụ hải quan... và 70% cho biết đã trải qua các cuộc tăng cường thanh tra. 36% DN cho rằng, điều này đe dọa công việc kinh doanh của họ tại Việt Nam.