Ông có thể cho biết một số thông tin tổng quan về sự tham gia của nhà đầu tư Hoa Kỳ trên TTCK Việt Nam hiện nay?
Sau 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, Hoa Kỳ đã trở thành một trong những đối tác kinh tế - thương mại - đầu tư lớn nhất của Việt Nam. Ước tính, Hoa Kỳ đã đầu tư vào Việt Nam khoảng 11 tỷ USD, đứng trong Top 10 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.
Trên thị trường vốn, nhiều tập đoàn tài chính lớn của Hoa Kỳ đã có mặt tại Việt Nam như JPMorgan Chase, CitiGroup, Goldman Sachs, Morgan Stanley. Tổng số nhà đầu tư Hoa Kỳ ghi nhận đến thời điểm hiện tại là 995 nhà đầu tư, trong đó nhà đầu tư tổ chức chiếm 60%. Các nhà đầu tư Hoa Kỳ đang nắm giữ hơn 5 triệu trái phiếu, hơn 1 tỷ cổ phiếu với tổng giá trị hơn 12.000 tỷ đồng trên TTCK Việt Nam.
Những sự kiện và con số nói trên cho thấy, các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã rất quan tâm, đóng góp và có vai trò quan trọng đối với kinh tế và tài chính Việt Nam. Chính phủ Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao vai trò và sự hiện diện của các tập đoàn tài chính, các nhà đầu tư Hoa Kỳ. Mặc dù vậy, quy mô và sự tham gia của nhà đầu tư Hoa Kỳ tại Việt Nam hiện nay còn khiêm tốn so với tiềm năng của nhà đầu tư Hoa Kỳ, trong khi tiềm năng của nền kinh tế và thị trường vốn Việt Nam cũng như triển vọng hợp tác giữa 2 nước là rất lớn.
Ông có thể chia sẻ các giải pháp mà UBCK sẽ thực hiện hoặc kiến nghị Bộ Tài chính, Chính phủ thực hiện nhằm tăng sức hấp dẫn của TTCK với các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư quốc tế, trong thời gian tới?
Để thu hút dòng vốn nước ngoài và thúc đẩy sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam, chúng tôi đang đồng loạt triển khai các giải pháp sau:
Thứ nhất, thực hiện các biện pháp nhằm xử lý các điều kiện về nâng hạng TTCK Việt Nam từ nhóm các TTCK cận biên lên nhóm các TTCK đang phát triển trên bảng MSCI như yêu cầu thực hiện công bố thông tin bằng tiếng Anh, cung cấp các văn bản pháp lý bằng tiếng Anh trên website; triển khai nâng cấp hệ thống thanh toán theo cơ chế DVP (chuyển giao kèm thanh toán); xây dựng Viện Quản trị công ty; phối hợp xây dựng hệ thống các quỹ bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ hưu trí bổ sung, thiết lập tổ chức định mức tín nhiệm; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng hệ thống cấp mã số online cho nhà đầu tư nước ngoài; giảm thiểu các thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự, công chứng trong đăng ký giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài; triển khai rút ngắn chu kỳ thanh toán trong giao dịch chứng khoán từ T+3 xuống T+2 và các biện pháp kỹ thuật khác nhằm thúc đẩy thanh khoản trên thị trường thứ cấp.
Thứ hai, tích cực triển khai xây dựng TTCK phái sinh. Đề án về TTCK phái sinh đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua và Nghị định về TTCK phái sinh đã được Chính phủ ban hành ngày 5/5/2015. Hiện nay, chúng tôi đang hoàn tất dự thảo thông tư và các quy định, quy chế hướng dẫn nhằm sớm đưa thị trường này vào vận hành, với hai sản phẩm ban đầu là hợp đồng tương lai chỉ số và hợp đồng tương lai trái phiếu.
Các công tác chuẩn bị hệ thống, đào tạo cán bộ cũng đang tích cực được triển khai để năm 2016 có thể đưa TTCK phái sinh vào hoạt động. Đồng thời, phát triển sản phẩm chứng quyền (covered warrant), chứng chỉ lưu ký toàn cầu (GDR), các bộ chỉ số chứng khoán mới…
Thứ ba, nâng cao yêu cầu công bố thông tin, tính minh bạch và quản trị công ty như: sửa quy định về công bố thông tin theo thông lệ quốc tế, đặc biệt là các nguyên tắc của IOSCO; sửa quy định về quản trị công ty tại Thông tư 121/2012/TT-BTC theo nguyên tắc của OECD.
Thứ tư, xây dựng chuẩn mực kế toán cho thị trường vốn theo giá trị hợp lý, trước mắt sẽ áp dụng cho lĩnh vực chứng khoán nhằm phản ánh đúng tình hình hoạt động của các tổ chức trung gian.
Thứ năm, hiện đại hóa tổ chức thị trường giao dịch, hệ thống bù trừ, thanh toán nhằm nâng cao hiệu quả, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư; nâng cao hệ thống hạ tầng công nghệ, tăng cường khả năng kết nối khu vực; hoàn thiện chức năng chuyển giao chứng khoán đồng thời với thanh toán tiền của Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) theo chuẩn mực quốc tế; phát triển chức năng đối tác thanh toán trung tâm cho VSD phục vụ giao dịch chứng khoán phái sinh, tiến tới cho các giao dịch khác.
TTCK Mỹ có lịch sử lâu đời nhất thế giới và phát triển nhất các loại hình thị trường. Ngoài việc tiếp xúc, chia sẻ thông tin và đối thoại với nhà đầu tư Mỹ, Đoàn công tác của UBCK có dành thời gian để trao đổi thông tin, kinh nghiệm vận hành TTCK phái sinh với các Sở giao dịch chứng khoán (GDCK) tại Mỹ, để chuẩn bị cho việc mở cửa TTCK phái sinh tại Việt Nam không, thưa ông?
Trong quá trình xây dựng và phát triển TTCK Việt Nam, chúng tôi luôn nghiên cứu, học tập các kinh nghiệm từ TTCK các nước, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ. Sự hợp tác và phối hợp giữa UBCK Việt Nam và UBCK Hoa Kỳ trong khuôn khổ Tổ chức Quốc tế các Ủy ban Chứng khoán (IOSCO) rất tốt.
UBCK Hoa Kỳ là cơ quan tư vấn, hỗ trợ trực tiếp cho UBCK Việt Nam trong việc xây dựng Luật Chứng khoán đầu tiên (năm 2006). Trong quá trình sửa đổi Luật Chứng khoán và ban hành văn bản hướng dẫn, chúng tôi luôn nhận được sự tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm quý báu từ UBCK Hoa Kỳ.
Ngoài ra, hàng năm, UBCK Hoa Kỳ giúp Việt Nam đào tạo, huấn luyện các chương trình về thanh tra, giám sát thị trường. Sở GDCK TP. HCM và Sở GDCK Hà Nội cũng đã có ký kết các văn bản hợp tác (MOU) với các Sở GDCK Hoa Kỳ.
Trong khuôn khổ Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Hoa Kỳ sắp tới, Bộ trưởng Bộ Tài chính và UBCK có chương trình làm việc với Tổ chức tự quản chuyên quản lý các công ty chứng khoán và người hành nghề chứng khoán (FINRA) và Sàn giao dịch chứng khoán NASDAQ của Hoa Kỳ để trao đổi, hợp tác và học hỏi thêm kinh nghiệm.
Cùng với việc giới thiệu cơ hội đầu tư tại Việt Nam đến nhà đầu tư Mỹ, UBCK có khích lệ và tạo dựng điều kiện pháp lý phù hợp để một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam lên niêm yết trên TTCK Mỹ không, thưa ông?
Thực tế trong những năm qua, chúng tôi đã khuyến khích các doanh nghiệp lớn của Việt Nam nếu đủ điều kiện để niêm yết, huy động vốn trên các Sở GDCK uy tín nước ngoài thì nên thực hiện niêm yết để nâng cao uy tín, hình ảnh của doanh nghiệp Việt Nam, mặt khác quảng bá về nền kinh tế và sức hấp dẫn của thị trường tài chính Việt Nam.
Về cơ bản, khung pháp lý cho hoạt động này đã đầy đủ để doanh nghiệp Việt Nam có thể thực hiện.