Nhìn tổng thể thì giá xuất khẩu có xu hướng cải thiện so với năm 2009 và kế hoạch xuất khẩu 4,5 tỷ USD trong năm 2010 có thể sẽ được vượt qua, khi mà kim ngạch xuất khẩu trung bình các tháng quý III đều đạt xấp xỉ 500 triệu USD.
Về thị trường xuất khẩu, EU tiếp tục là nhà nhập khẩu thuỷ sản lớn nhất của Việt Nam, với tổng kim ngạch đạt 826,7 triệu USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ. Việc đồng EUR giảm giá đã gây nhiều khó khăn cho các nhà xuất khẩu Việt Nam trong quý II, nhưng việc tăng giá trở lại của EUR trong quý III đã giúp ổn định lại hoạt động xuất khẩu vào thị trường này. Tuy nhiên, khoảng cách của EU đối với các nước đứng sau là Mỹ và Nhật Bản đã bị thu hẹp nhiều, khi các thị trường này có tốc độ tăng trưởng tương ứng là 37,4% và 20,7% với kim ngạch xuất khẩu lần lượt là 666,7 triệu USD và 642 triệu USD. Một số thị trường lớn có tốc độ tăng trưởng cao là Trung Quốc (24,4%), Hàn Quốc (17,6%) và Australia (16%), trong khi thị trường Nga vẫn giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2009.
Về cơ cấu mặt hàng, tôm đông lạnh tiếp tục là mặt hàng chủ lực, với khối lượng và kim ngạch xuất khẩu đạt 167.170 tấn và 1,43 tỷ USD, tăng tương ứng 14,2% và 22,1% so với cùng kỳ. Trong cơ cấu xuất khẩu tôm thì tôm sú là mặt hàng xuất khẩu chính, đạt 97.177 tấn với kim ngạch 969,5 triệu USD, trong khi tôm thẻ chân trắng xuất khẩu được 43.746 tấn, kim ngạch đạt 283,5 triệu USD. Giá xuất khẩu tôm tiếp tục tăng so với cùng kỳ, nhờ vào việc nguồn cung hạn chế do thời tiết, cũng như ảnh hưởng từ vụ tràn dầu tại vịnh Mexico. Tiếp theo là cá tra, trong 9 tháng đầu năm xuất khẩu đạt 474.758 tấn, đạt kim ngạch 1,02 tỷ USD, tăng lần lượt 6,4% và 2,1% so với cùng kỳ. Trái với mặt hàng tôm, giá cá tra xuất khẩu trung bình giảm so với cùng kỳ, do sự cạnh tranh gay gắt trong nội bộ ngành, dẫn đến việc các DN xuất khẩu ở thế yếu trong việc đàm phán giá với các nhà nhập khẩu.
Thứ tự các DN xuất khẩu thuỷ sản, không có nhiều thay đổi khi mà Minh Phú, Hùng Vương, Vĩnh Hoàn tiếp tục chiếm 3 vị trí đầu tiên trong danh mục các DN xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam. Minh Phú tiếp tục là nhà xuất khẩu tôm hàng đầu của Việt Nam, trong khi Hùng Vương chiếm vị trí tương tự trong ngành cá tra.
Đối với triển vọng ngành trong thời gian tới, nhìn ngắn hạn thì quý IV tiếp tục là mùa kinh doanh quan trọng của ngành, để phục vụ kỳ nghỉ Lễ Giáng sinh. Việc VND mất giá so với USD, trong khi EUR vẫn đứng ở mức cao, làm nâng cao khả năng cạnh tranh của mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu của Việt Nam. Nguyên liệu tiếp tục là vấn đề nan giải, nhưng có các nguyên nhân khác nhau đối với từng mặt hàng. Trong khi đối với tôm, hoạt động xuất khẩu có tăng trưởng mạnh nên nhìn chung cung nguyên liệu không đáp ứng nổi cầu; thì đối với cá tra, việc xuất khẩu gặp khó khăn và giá thức ăn cho cá tăng khiến người nông dân liên tục bỏ ao nuôi, dẫn đến tình trạng thiếu nguyên liệu tương đối trầm trọng. Tình hình này cho thấy xu hướng chuyển dần hoạt động nuôi trồng từ các hộ nông dân sang DN là tất yếu trong thời gian tới. Riêng với ngành cá tra, để giải quyết vấn đề cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các DN, gần đây VASEP đã kiến nghị một loạt giải pháp, bao gồm thiết lập và định hướng giá sàn xuất khẩu, đưa cá tra vào diện xuất khẩu có điều kiện, quy hoạch cụ thể vùng nguyên liệu và giảm dần tỷ lệ sử dụng hoá chất và mạ băng.
Thông tin về 2 DN đầu ngành
CTCP Tập đoàn Minh Phú (MPC) đã công bố kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm 2010, trong đó lợi nhuận ròng đạt 218,46 tỷ đồng, đạt 83% kế hoạch năm 2010. Trong tháng 7 và 8, lãi ròng của Công ty là 116 tỷ đồng, cao hơn mức 102 tỷ đồng của nửa đầu năm do đây là mùa kinh doanh chính của thủy sản. Tỷ suất lợi nhuận gộp được cải thiện, nhờ vào giá xuất khẩu tăng (khoảng 6% so với nửa đầu năm), trong khi giá vốn hàng bán giảm do tăng được tỷ lệ sử dụng được nguồn nguyên liệu tôm tự nuôi. MPC cũng nhận được một phần khoản tiền ký quỹ tại Hải quan Hoa Kỳ (7,2 triệu USD). Với kết quả xuất khẩu tháng 9 khá tích cực, đạt 26 triệu USD, giúp kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2010 tăng 43,9% so với cùng kỳ và đạt 87,5% kế hoạch năm 2010.
CTCP Hùng Vương (HVG) vừa công bố kết quả kinh doanh quý III. Theo đó, doanh thu thuần đạt 1.237,6 tỷ đồng, tăng 18,2% so với quý II, đưa tổng doanh thu 3 quý đầu năm 2010 đạt 3.069 tỷ đồng, tương đương với mức thực hiện của năm 2009. Những diễn biến có lợi của tỷ giá trong quý III, cùng với việc kiểm soát tốt hơn chi phí nguyên liệu đầu vào, giúp HVG có tỷ suất lợi nhuận gộp trong quý III tăng từ 13,27% trong nửa đầu năm lên 16,5%. Mặc dù chi phí bán hàng tăng khá mạnh trong quý III, nhưng lợi nhuận từ hoạt động sản xuất - kinh doanh vẫn ở mức 90 tỷ đồng trong quý III, cao hơn mức thực hiện trong 6 tháng đầu năm là 88 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế quý III đạt 84,5 tỷ VND và lợi nhuận sau thuế luỹ kế 3 quý đạt 229 tỷ đồng.
Trong dài hạn, HVG sẽ vẫn ổn định với việc tạo dựng được cơ sở vững chắc tại các thị trường lớn, hưởng lợi về tỷ giá, chủ động hơn về nuôi trồng. Việc tạm ứng cổ tức 1.000 đồng cũng như kế hoạch mua 3 triệu cổ phiếu quỹ là những hỗ trợ tích cực cho giá cổ phiếu trong thời gian từ nay đến cuối năm.
Về quan điểm đầu tư đối với các cổ phiếu trong ngành thuỷ sản, trong bối cảnh thị trường hiện tại, chúng tôi duy trì quan điểm cho rằng ít có khả năng thu được lợi ích từ việc đầu tư ngắn hạn, nhưng các khoản đầu tư vào các công ty có cơ bản tốt vẫn sẽ mang lại lợi nhuận tích cực trong dài hạn.