Triển vọng chứng khoán năm 2021 tiếp tục tươi sáng

(ĐTCK) Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, trên nền tảng vĩ mô ổn định và tăng trưởng, thị trường chứng khoán năm 2021 sẽ tiếp tiếp tục có diễn biến khả quan, thanh khoản và điểm số đều tăng.
VCBS dự báo mức điểm cao nhất của các chỉ số chứng khoán năm 2021 tăng 8 - 15% so với cuối năm 2020

Nhìn từ góc độ thế giới, năm 2020 chứng kiến làn sóng dịch bệnh Covid-19 nối tiếp nhau tại các quốc gia, khiến kinh tế suy thoái. Tuy vậy, Việt Nam trở thành điểm sáng không chỉ trong khu vực mà trên toàn thế giới về công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh lẫn khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, VCBS kỳ vọng, Việt Nam sẽ là một điểm đến hấp dẫn dòng vốn đầu tư nước ngoài trong những năm tới.

Thực tế, Việt Nam đang nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi để thu hút dòng vốn đầu tư từ cả các nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài. Chính phủ vẫn đang kiểm soát tốt dịch bệnh, phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; hơn nữa, lấy đầu tư công thúc đẩy đầu tư tư nhân.

Việc chuẩn bị các tư liệu sản xuất cơ bản như đất đai, điện nước, cơ sở hạ tầng… được ưu tiên đẩy mạnh đầu tư. Ngoài ra, Việt Nam có nhiều chính sách nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nước, đặc biệt là chất lượng giáo dục đào tạo ở các bậc đại học, cao đẳng và dạy nghề.

Về bối cảnh kinh tế vĩ mô năm 2021, VCBS cho rằng, Chính phủ vẫn sẽ đặt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô là ưu tiên hàng đầu. Theo đó, GDP năm 2021 được kỳ vọng tăng 6,5 - 7% dựa trên các yếu tố:

1) Cầu tiêu dùng được kỳ vọng sẽ tăng trưởng đáng kể so với mặt bằng thấp của năm 2020 và doanh thu bán lẻ hàng hóa sẽ tiếp tục phục hồi sau khi các nỗ lực kiểm soát dịch bệnh đã cho thấy hiệu quả;

2) Ngành công nghiệp chế biến chế tạo - vốn là chỉ báo quan trọng đối với sức khỏe của ngành sản xuất và có mức đóng góp đáng kể vào GDP trong những năm qua - đã cho thấy tín hiệu hồi phục tích cực sau khi dịch bệnh được kiểm soát;

3) Việc duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô cùng chính sách nhất quán của Chính phủ trong thu hút các chuỗi sản xuất dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc đang góp phần thúc đẩy đầu tư từ cả hai khu vực công và tư.

Kinh tế vĩ mô nhiều khả năng sẽ duy trì xu hướng ổn định, với điểm sáng là tăng trưởng kinh tế khả quan cùng với các yếu tố lạm phát, tỷ giá được điều hành linh hoạt trong tầm kiểm soát

Bên cạnh đó, VCBS cho rằng, tỷ lệ lạm phát năm 2021 tiếp tục nằm trong khả năng kiểm soát của Chính phủ ở mức 3 - 3,5%. Thị trường ngoại hối và tỷ giá nhiều khả năng sẽ ghi nhận diễn biến thuận lợi, thậm chí ở một số thời điểm VND có thể mạnh lên so với USD.

Trong khi đó, mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm nhẹ và duy trì ở mức thấp. Tuy nhiên, độ trễ giữa mức độ giảm của lãi suất huy động và lãi suất cho vay vào khoảng 6 tháng hoặc có thể lâu hơn, nếu hệ thống ngân hàng thương mại vẫn ưu tiên đảm bảo chất lượng tín dụng để hạn chế nợ xấu phát sinh.

Về thị trường chứng khoán trong năm 2021, VCBS nhìn nhận, xu hướng chung vẫn sẽ đi lên, nhưng tốc độ phần nào bị hạn chế do hầu hết các yếu tố hỗ trợ trong nửa cuối năm 2020 sẽ không gia tăng về cường độ, thậm chí suy yếu trong năm mới.

Mức điểm cao nhất trong năm 2021 của các chỉ số chứng khoán dự báo tăng khoảng 8 - 15% so với cuối năm 2020. Về mặt thanh khoản, khối lượng giao dịch trung bình trong năm 2021 dự báo sẽ tiếp tục cải thiện so với năm 2020, với mức tăng khoảng 5 - 8%.

Năm 2020, kinh tế toàn cầu có nhiều biến động do tác động trực tiếp và gián tiếp bởi đại dịch Covid-19, nhưng kinh tế vĩ mô của Việt Nam được duy trì ổn định, trong đó điểm sáng là tăng trưởng kinh tế khả quan với các yếu tố lạm phát, tỷ giá đều được điều hành linh hoạt và kiểm soát chặt chẽ.

Nền tảng này cùng với mặt bằng lãi suất thấp trên toàn cầu và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ sẽ mở ra nhiều cơ hội đầu tư vào các doanh nghiệp tăng trưởng hàng đầu và là động lực chính nâng đỡ thị trường chứng khoán.

Xu hướng đầu tư năm 2021 nhiều khả năng sẽ tập trung vào các ngành cơ bản thiết yếu là đầu vào quan trọng cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn tới như điện (cả truyền tải điện và sản xuất điện), sản xuất vật liệu xây dựng cơ bản (xi măng, thép, gỗ, đá), sản xuất sản phẩm nông nghiệp. Đây đồng thời là các nhóm ngành được hưởng lợi từ chủ trương đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ thông qua các dự án xây dựng mới và nâng cấp cơ sở hạ tầng.

Ánh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục