Triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất: “Trọng trách nặng nề và ranh giới đúng - sai rất mong manh”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất như thế nào để đảm bảo được mục tiêu mà cán bộ ngân hàng vẫn an toàn là nỗi trăn trở của ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh các ngân hàng đã, đang và tiếp tục “gồng mình” hỗ trợ nền kinh tế.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Một trong những cấu phần tài khóa chính của Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế (ERDP) trong năm 2022 đã được Quốc hội phê duyệt đó là tổng mức hỗ trợ lãi suất lên đến 40.000 tỷ đồng dự kiến sẽ thúc đẩy tổng cầu. Là người có kinh nghiệm do đã triển khai các đợt hỗ trợ lãi suất trước đây, ông có nhận định gì?

Mục tiêu, chủ trương của chương trình hỗ trợ lãi suất lên đến 40.000 tỷ đồng là rất đúng. Vấn đề ở đây chỉ là triển khai như thế nào để đảm bảo được mục tiêu mà cán bộ ngân hàng vẫn an toàn.

Tôi cho rằng, mức độ tín nhiệm và khả năng hồi phục là những điều kiện quan trọng để doanh nghiệp có thể tiếp cận các khoản vay. Trong khi đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó có thể đáp ứng được các tiêu chí này do tình hình tài chính và năng lực của họ đã bị suy yếu vì đại dịch Covid-19. Một mối quan ngại khác là chương trình hỗ trợ lãi suất có thể gặp rủi ro do các khoản vay được trợ cấp bị sử dụng sai mục đích.

Hệ thống ngân hàng vừa thực hiện vai trò hỗ trợ doanh nghiệp, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, do vậy trọng trách nặng nề và dù không mong muốn cũng khó tránh khỏi có những sai sót. Ranh giới giữa đồng loã hay không tiêu cực rất mong manh, nên khi có vấn đề xảy ra thì có thể các cán bộ ngân hàng lại là đội ngũ đầu tiên chịu trách nhiệm.

Những quan ngại trên thực tế đã xảy ra với một chương trình tương tự vào năm 2009. Để tránh xảy ra tình huống này một lần nữa và hệ thống ngân hàng hoàn thành nhiệm vụ được giao, đồng thời bảo vệ được cán bộ, điều cấp thiết là đối tượng, tiêu chí phải rất rõ ràng. Đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hữu quan nhằm tăng cường giám sát việc thực hiện Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế để tránh những tranh luận không cần thiết.

Trong cuộc trao đổi với thành viên của Hiệp hội Ngân hàng, ông có thấy các ngân hàng hào hứng với chương trình này?

Nếu gọi là hào hứng, tôi cũng muốn chia sẻ thật là các thành viên trong hệ thống các tổ chức tín dụng thực sự không hào hứng. Một ví dụ đơn giản là trong lần triển khai trước đây, khi các ngân hàng chỉ xin cấp bù tiền chênh lệch lãi suất thôi đã rất khó khăn và thường rất chậm, hay chỉ một sơ suất nhỏ cũng là vi phạm, thì khó để các ngân hàng hào hứng được. Song ở đây là trách nhiệm, nghĩa vụ với xã hội nên các ngân hàng sẽ nghiêm túc thực hiện. Như tôi cũng đã đề cập ở trên, quá trình triển khai rất cần có sự chia sẻ, hợp tác, hướng dẫn cụ thể, chứ không thể các ngân hàng cứ làm rồi một thời gian sau có vấn đề gì xảy ra lại quy trách nhiệm cho hệ thống.

Còn nhớ, khi thực hiện gói hỗ trợ lãi suất trước đây, có tình trạng doanh nghiệp phàn nàn trên các phương tiện truyền thông về việc không được vay trong gói hỗ trợ và sau đó ngân hàng cho vay, nhưng rồi không thu hồi được nợ. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Tôi cho rằng, từ phía các cơ quan quản lý và cả ngân hàng cần thẳng thắn nhìn nhận rõ vấn đề, khách hàng có quyền chia sẻ những khó khăn của họ ở bất kỳ nơi nào, nhưng các ngân hàng cũng phải xem xét, đánh giá doanh nghiệp thuộc nhóm khách hàng nào để ứng xử cho phù hợp. Nếu khách hàng có dư nợ thuộc nhóm 3, 4, 5 thì dù có phàn nàn, kêu ca đến đâu đi chăng nữa vẫn khó có thể được vay vốn, vì không đáp ứng đủ điều kiện. Các ngân hàng luôn quan tâm, đồng hành, chia sẻ với doanh nghiệp, song các doanh nghiệp phải đáp ứng đủ điều kiện để được vay vốn. Nếu là khách hàng truyền thống, doanh nghiệp có thể khó khăn nhưng vẫn được các tổ chức tín dụng hỗ trợ, tuy nhiên, phải có phương án kinh doanh thật khả thi.

Tôi được biết, hiện nay, nhiều ngân hàng chăm sóc khách hàng tiềm năng, khách hàng truyền thống rất tốt, những doanh nghiệp này là khách hàng tín nhiệm, luôn trả nợ đúng hạn, sản xuất - kinh doanh có lãi và quan hệ lâu dài nên thường được vay với lãi suất thấp hơn.

Trong cơ chế thị trường, khách hàng cần ngân hàng, nhưng ngân hàng cũng rất cần khách hàng tốt. Rõ ràng, câu chuyện phải nhìn từ hai phía và cần phải sàng lọc thông tin. Nếu doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ mà bị gây khó khăn thì phải xử lý nghiêm cán bộ ngân hàng; ngược lại, doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện thì trước khi khi phàn nàn cũng cần xem lại mình.

Cần có phương án “bảo hiểm” cho các hoạt động hỗ trợ nền kinh tế của ngân hàng

Cần có phương án “bảo hiểm” cho các hoạt động hỗ trợ nền kinh tế của ngân hàng

Triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất mới, ông có gợi ý gì để các ngân hàng chủ động bảo vệ nội bộ?

Hành lang pháp lý hiện tại cũng đã được trang bị tương đối đầy đủ nên các ngân hàng muốn đảm bảo an toàn cho chính mình, cho hệ thống thì trước hết cần phải nghiên cứu thật kỹ các văn bản pháp luật. Giải quyết trên nguyên tắc đảm bảo đúng quy định, từ quy định nội bộ đến văn bản pháp lý, thông tư của các cơ quan quản lý. Tất nhiên, khi thực hiện đúng quy định với thực tế sẽ khó khăn, nhưng để giải quyết các khó khăn mà vượt quá quy định thì phải kiên quyết, dứt khoát từ chối, không vì áp lực, chỉ tiêu mà đi vào vết xe đổ, dẫn đến sai phạm đáng tiếc xảy ra. Tóm lại, tất cả đều cần thực hiện đúng quy định pháp luật.

Tôi cũng cho rằng, từ phía cơ quan quản lý nhà nước, trong bối cảnh hiện nay cũng cần rà soát, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn. Các quy định pháp luật, kể cả những luật chuyên ngành hay quy định chung, cần bám sát thực tiễn hoạt động, đời sống hằng ngày của doanh nghiệp thì mới có thể hiểu và chia sẻ với doanh nghiệp. Thực tế, có những doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh rất hiệu quả song lại không đủ điều kiện, mà những điều kiện này lại căn cứ vào những quy định mà các cán bộ tín dụng không thể cho vay, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay ưu đãi.

Nếu chúng ta cứ nhìn nhận việc cho vay bắt buộc phải có tài sản đảm bảo thì rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, không thể đáp ứng tiêu chí này. Như vậy, doanh nghiệp không có cơ hội tiếp cận tín dụng, cán bộ tín dụng cũng không dám cho vay nếu không có tài sản đảm bảo dù biết rõ doanh nghiệp tốt có khả năng vay và trả nợ, vì sợ nếu xảy ra rủi ro dễ dính đến tội thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc cố ý làm trái. Vì thế, hành lang pháp lý cần minh bạch, rõ ràng, bảo vệ quyền của người cho vay, quyền chủ nợ, chứ không thể trường hợp nào xảy ra thì chủ nợ cũng bị quy thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm quy định cho vay. Con nợ có khi chưa bị tội lừa đảo mà chủ nợ đã bị khởi tố.

Nhuệ Mẫn thực hiện
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2022

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục