Thực thi Basel II: Lợi ích cân đo, đong đếm được
Là một trong hai ngân hàng Việt Nam đầu tiên được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trao Quyết định chấp thuận cho thực hiện sớm chuẩn mực quản trị Basel II vào cuối năm 2018 và 1 năm sau, cuối năm 2019, VIB đã chính thức công bố hoàn tất áp dụng cả 3 trụ cột của Basel II với việc trình bày phương pháp Quy trình đánh giá tính đầy đủ vốn nội bộ (ICAAP- Internal Capital Adequacy AssessmentProcess) trên hệ thống máy chủ.
Sau VIB, thị trường đón nhận thêm VPBank cũng hoàn thành triển khai xong việc tuân thủ trụ cột cuối cùng của Basel II - ICAAP trong số ba trụ cột cần hoàn thành của Basel II. Được biết, trụ cột 2 này cũng được VPBank hoàn thành sớm 1 năm so với yêu cầu của NHNN, và được hoàn thành chỉ sau hơn nửa năm kể từ khi VPBank chính thức được NHNN phê chuẩn việc áp dụng sớm Thông tư số 41 (Basel II).
Gần đây nhất, MSB cũng công bố hoàn thành triển khai việc tuân thủ trụ cột cuối cùng của Basel II - ICAAP. Cùng với việc hoàn thành triển khai trụ cột 1 và 3 từ tháng 7/2019, trụ cột 2 được ngân hàng hoàn thành sớm gần 1 năm so với yêu cầu của cơ quan quản lý.
Mặc dù việc triển khai đầy đủ 3 trụ cột của Basel II được các quốc gia trên thế giới thực hiện từ lâu nhưng tại Việt Nam tiến độ triển khai Basel II vẫn còn khá chậm chạp nên với thông tin trên thực sự kết quả rất đáng được ghi nhận.
Trong 3 nội dung thì quy trình ICAAP là khó hoàn thành nhất vì đây là sự đánh giá toàn diện về vốn, bao gồm các cấu phần từ việc xác định hồ sơ rủi ro của ngân hàng, xây dựng chiến lược, khẩu vị rủi ro, tính toán mức vốn yêu cầu cho các rủi ro trọng yếu (với mức độ bao quát rộng hơn trụ cột 1, bao gồm thêm rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng và rủi ro tập trung).
“Sự đánh giá này áp dụng trong mọi điều kiện kinh doanh, bao gồm cả khi có những biến động bất lợi của thị trường. Từ đó, ngân hàng xác định được mục tiêu về vốn để đảm bảo các mục tiêu hoạt động kinh doanh nằm trong phạm vi khả năng chấp nhận rủi ro của ngân hàng”, một lãnh đạo cao cấp Cơ quan Thanh tra giám sát, NHNN chia sẻ.
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB cho biết: “Việc hoàn thành sớm cả 3 trụ cột của Basel II là tiền đề và động lực để MSB tiếp tục hướng tới các chuẩn mực quản trị rủi ro quốc tế cao hơn như Basel III. Điều này cũng giúp MSB quản trị và điều hành hoạt động kinh doanh một cách chủ động, minh bạch, an toàn và bền vững”.
Thực tế, các ngân hàng đều nhận thức rất rõ những lợi ích từ việc tích cực tuân thủ sớm các yêu cầu và hướng dẫn của NHNN đối với việc củng cố hoạt động quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II, vì vậy rất chủ động đề ra và nghiêm túc lộ trình áp dụng. Cụ thể, việc triển khai thành công ICAAP đồng nghĩa với việc ngân hàng đã cùng với NHNN tham gia tăng cường cơ chế giám sát theo rủi ro và trao đổi thông tin chủ động giữa cơ quan giám sát và các ngân hàng thương mại.
Các ngân hàng không chỉ bám sát các tiêu chuẩn của NHNN mà còn chủ động tiếp cận với thông lệ và chuẩn mực quốc tế trong việc từng bước triển khai các cấu phần ICAAP. Việc triển khai thực hiện ICAAP góp phần quan trọng trong việc nâng cao công tác quản trị rủi ro trong ngân hàng, cụ thể trong việc: tăng cường nhận thức về quản trị rủi ro trong toàn bộ cán bộ nhân viên và các cấp lãnh đạo trong ngân hàng; đảm bảo mức độ phù hợp giữa chiến lược rủi ro và kế hoạch kinh doanh.
Đồng thời, đo lường hiệu quả hơn mức độ nhạy cảm về rủi ro của ngân hàng đối với điều kiện kinh tế vĩ mô như lãi suất, tỷ giá, lạm phát, GDP, biến động giá bất động sản; tận dụng nguồn vốn một cách hiệu quả thông qua việc phân bổ vốn cho từng rủi ro trọng yếu và đơn vị kinh doanh, đồng thời lồng ghép trong quá trình đánh giá hiệu quả kinh doanh và thiết lập KPI cho từng vị trí trong ngân hàng.
Ông Dmytro Kolechko, Giám đốc Khối quản trị rủi ro của VPBank cho biết, VPBank là một trong những ngân hàng tiên phong trong việc áp dụng những chuẩn mực quản trị tiên tiến của các ngân hàng trong khu vực vào Việt Nam. Việc hoàn thành triển khai cả 3 trụ cột Basel II trước thời hạn 1 năm so với yêu cầu của NHNN chính là điểm tựa cho phép VPBank tiếp tục đi trước trên thị trường trong việc đáp ứng với những tiêu chuẩn quốc tế cao nhất. Đây là kết quả thu được nhờ những nỗ lực hết sức nghiêm túc mà đội ngũ ban lãnh đạo ngân hàng cũng như đội ngũ cán bộ chuyên trách đã đạt được, nhằm giúp VPBank có được tiếng nói có trọng lượng hơn với cộng đồng đầu tư nước ngoài cũng như với các tổ chức đánh giá tín nhiệm.
“Việc hoàn thành triển khai sớm của VPBank được kỳ vọng là động lực truyền cảm hứng cho thị trường ngân hàng Việt Nam nói chung, góp phần đưa môi trường đầu tư ở Việt Nam gần hơn với môi trường đầu tư trong khu vực. Đây được coi như những nền tảng ban đầu để VPBank tiếp tục tiến tới các tiêu chuẩn cơ bản của Basel III, đưa chuẩn mực quản trị của chúng tôi tiến gần hơn các chuẩn mực của ngân hàng tiên tiến trên thế giới”, ông Dmytro Kolechko nhấn mạnh.
4 bài học triển khai chuẩn mực Basel II đầy đủ
Không giấu kinh nghiệm, trao đổi với Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng, ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB đã chia sẻ 4 bài học quan trọng trong việc triển khai chuẩn mực Basel II, bao gồm cả ICAAP được thành công tại Việt Nam.
Thứ nhất, ban lãnh đạo ngân hàng cần hiểu rõ khối lượng công việc và nguồn lực tiêu tốn để triển khai dự án cũng như ảnh hưởng của nó tới sự tập trung vào các ưu tiên ngắn hạn trong hoạt động kinh doanh, để từ đó có sự thống nhất và quyết tâm cao, không bị bất ngờ khi thực hiện.
Việc triển khai đòi hỏi nhân lực có chuyên môn sâu và am hiểu ngân hàng, nhưng lại không thể giao khoán cho một tổ dự án chuyên biệt, mà phải huy động sự tham gia của phần lớn các bộ phận nghiệp vụ và cả các đơn vị kinh doanh là nơi mà các giao dịch hình thành tài sản có rủi ro được đề xuất, được nhập liệu. Các giao dịch trong quá khứ cũng phải được rà soát và làm giầu thêm dữ liệu thì mới có kết quả tính toán chính xác.
Thứ hai, sự hiểu đúng và nhất quán từ trên xuống về khẩu vị rủi ro của ngân hàng mình trong quá trình triển khai ICAAP là quan trọng, vì đây là một quy trình đánh giá bao gồm cả các yếu tố định lượng và định tính, có dư địa để những người ra quyết định tại ngân hàng thương mại có thể giảm nhẹ các giả định về ảnh hưởng của khủng hoảng lên hoạt động của ngân hàng mình, nhằm giảm bớt các đòi hỏi phải tạo ra thêm các khoảng đệm an toàn cần thiết về vốn.
Ví dụ, Thông tư 13 chỉ quy định 3 giả định tối thiểu đối với kịch bản kiểm tra sức chịu đựng về vốn là: lãi suất, tỷ giá, chất lượng tín dụng, nên các ngân hàng thương mại sẽ có thể xây dựng kịch bản tuỳ thuộc vào nhận thức và sự áp dụng nhất quán khẩu vị rủi ro của mình. Ban lãnh đạo có thể lựa chọn kịch bản tối thiểu, bỏ qua các giả định rủi ro đã lường trước khác để dễ thực hiện cho mình, với tâm lý: khủng hoảng chỉ là dự kiến, mức độ tác động chỉ là dự đoán, mà mọi dự kiến, dự đoán đều có thể không chính xác.
Thứ ba, để đảm bảo an toàn vốn khi áp dụng chuẩn mực Basel II, VIB luôn có kế hoạch 3 năm cân đối mức tăng trưởng tài sản có rủi ro với quy mô vốn hiện hữu và năng lực huy động vốn bổ sung; với khẩu vị rủi ro và hiệu quả sinh lời trên vốn. Được sự đồng thuận của cổ đông, VIB đã có thể liên tục tăng vốn cấp 1 trong những năm vừa qua bằng cách giữ lại phần lớn lợi nhuận hàng năm của mình. Mặt khác, VIB chủ động duy trì tương tác mật thiết với các nhà đầu tư giàu tiềm năng, đang mong muốn đầu tư vào VIB để sẵn sàng cho các đợt huy động vốn mới, cả cấp 1 và cấp 2.
Thứ tư, VIB hiểu rằng chất lượng dữ liệu chính là chìa khoá và nền tảng để tối đa hoá hiệu quả sử dụng hệ thống đã triển khai. Do vậy, trong lộ trình tiếp theo, chúng tôi đang thực hiện 2 dự án công nghệ chiến lược với quy mô lớn: New Credit Solution, đưa vào một nền tảng mới kết nối tất cả các hệ thống hỗ trợ hoạt động tín dụng hiện hữu từ khởi tạo, chấm điểm/xếp hạng tín dụng, quản lý hạn mức, quản lý tài sản đảm bảo, quản lý sau giải ngân, thu hồi nợ; Risk Data Mart và Business Intelligence cho việc tập trung hoá dữ liệu và mô hình hoá rủi ro để phân tích, ra quyết định kinh doanh nhanh chóng.
“Áp dụng Basel II là một phần của chiến lược giúp các ngân hàng phát triển bền vững, nâng cao năng lực quản trị rủi ro, tối ưu hoá hiệu quả sử dụng vốn, từ đó tăng mức độ tín nhiệm của ngân hàng và góp phần tăng xếp hạng tín nhiệm của quốc gia”, ông Hàn Ngọc Vũ nhận định.