Đó là chia sẻ của TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng về kinh nghiệm quốc tế trong việc triển khai Basel II.
Các tiêu chuẩn Basel ra đời khi nào và Basel II có điểm gì khác biệt với “phiên bản” đầu tiên, thưa ông?
Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng được thành lập năm 1974 và đưa ra các quy tắc về quản lý rủi ro gọi là Basel I. Basel I ra đời với mục đích xây dựng một hệ thống tiêu chí về quản lý rủi ro đưa ra các phương pháp tính và bảo toàn vốn chủ sở hữu của ngân hàng và áp dụng những tiêu chí này cho các ngân hàng lớn trên thế giới. Nhưng rồi các quốc gia khác đều thấy rằng đây là những nguyên tắc quản lý rủi ro rất tốt nên đã chủ động triển khai áp dụng đối với các ngân hàng trong nước mình. Basel I tập trung chủ yếu vào rủi ro tín dụng và đưa ra yêu cầu về vốn chủ sở hữu tối thiểu ở tỷ lệ là 8%.
Sau khi Basel I được áp dụng một vài năm, mọi người bắt đầu nhận thấy những điểm thiếu sót của quy định này, đó là ngoài những rủi ro về tín dụng còn có những rủi ro khác, trong đó có hai rủi ro phổ biến là rủi ro về thị trường và rủi ro về vận hành. Mỗi loại rủi ro như thế đòi hỏi chi phí vốn riêng, chính vì thế mà tỷ lệ về vốn tối thiểu của Basel II được thay đổi rất nhiều. Trong Basel II, mỗi tài sản của ngân hàng đều mang một hệ số rủi ro. Không những tài sản có rủi ro, mà những rủi ro về thị trường, rủi ro về vận hành cũng được đem vào cách tính mẫu số của tỷ lệ an toàn vốn.
Ngoài ra, Basel II còn chia theo 3 cột trụ chính. Thứ nhất là yêu cầu về vốn. Hai là liên quan đến những quy trình rà soát, kiểm soát và giám sát hệ thống ngân hàng. Thứ ba là đòi hỏi các thông tin tài chính của ngân hàng phải minh bạch, công khai. Với 3 cột trụ đó, hệ thống quản lý rủi ro phức tạp hơn nhiều và đòi hỏi nhiều công cụ để kiểm soát và quản lý các loại rủi ro. Sau một thời gian áp dụng Basel II, người ta bổ sung thêm những yếu tố khác để tăng cường các cột trụ 1, 2, 3 và bây giờ đến giai đoạn Basel III.
Basel III trên thế giới chỉ một số ngân hàng lớn áp dụng, ngay cả Mỹ, nhiều ngân hàng mới chỉ áp dụng Basel II. Còn ở châu Á, nhiều nước đã áp dụng Basel II như Hồng Kông năm 2007, Hàn Quốc năm 2008, Trung Quốc từ năm 2010… Tại Việt Nam, các ngân hàng mới chỉ dừng ở Basel I và gần đây, NHNN đã chỉ định 10 ngân hàng thực hiện thí điểm Basel II.
Không những tín dụng chứa đựng rủi ro, mà ngay cả huy động vốn cũng chứa đựng rủi ro
Tại sao Việt Nam lại chậm trễ áp dụng Basel II, theo ông?
Thứ nhất, sự phát triển của toàn ngành ngân hàng Việt Nam còn mới mẻ. Sự phát triển của hệ thống ngân hàng theo nền kinh tế thị trường mới bắt đầu từ năm 1990 đến nay; dịch vụ còn nghèo nàn và trình độ công nghệ thông tin mới đang ở bước khởi đầu. Vì thế, các công cụ mang tính chất phức tạp như Basel II chưa áp dụng được.
Thứ hai, việc công khai tài chính của ngân hàng chưa được minh bạch. Việt Nam còn giữ một khoảng cách với các thông lệ quốc tế liên quan đến chế độ kế toán và quản lý rủi ro. Có sự khác biệt, chênh lệch giữa hệ thống kế toán quốc tế và hệ thống kế toán của Việt Nam, hay trong vấn đề phân loại nợ theo các tiêu chí định lượng và định tính. Mới đây, chúng ta mới áp dụng phân loại nợ theo định tính còn từ trước đến nay vẫn áp dụng theo định lượng, thành ra độ chính xác thấp.
Thứ ba, nợ xấu là rào cản rất lớn để áp dụng các tiêu chí của Basel II. Trọng điểm của tất cả các hiệp định Basel I, II và III đều là về vốn chủ sở hữu (VCSH) của ngân hàng. Vốn của ngân hàng tùy theo chất lượng tài sản của ngân hàng đó, nếu ngân hàng cho vay mà chất lượng tài sản tốt thì VCSH được bảo toàn, ngược lại, nếu ngân hàng cho vay bừa bãi, nợ xấu cao, VCSH sẽ bị xói mòn, thậm chí triệt tiêu vì những thiệt hại gây nên do nợ xấu làm mất vốn.
Tại Việt Nam rất ít trường hợp các ngân hàng chứng tỏ VCSH bị xói mòn vì nợ xấu. Hiển nhiên nhiều ngân hàng đã che giấu nợ xấu và vì thế, VCSH trên bảng cân đối kế toán của họ không bị ảnh hưởng bởi nợ xấu. Nếu để công khai nợ xấu theo đúng tiêu chuẩn của quốc tế thì không biết sẽ còn bao nhiêu ngân hàng của Việt Nam đạt được vốn tối thiểu theo quy định của NHNN là 9% và không loại trừ khả năng một vài ngân hàng đang trong tình trạng phá sản kỹ thuật vì VCSH đã âm. Chính vì thông tin không minh bạch đó, VCSH không được thể hiện một cách chính xác, nên không thể áp dụng các công cụ mà nó đòi hỏi tính chính xác cao được. Chính vì thế, vấn đề nợ xấu, mà mọi người đang tìm cách giải quyết, là một cản trở lớn trong việc áp dụng Basel II tại Việt Nam.
Ảnh: Lê Toàn
Việc triển khai công ước về Basel II đòi hỏi những điểm gì?
Thứ nhất, các ngân hàng phải minh bạch về sổ sách, về kế toán, về phân loại nợ, định nghĩa rủi ro trong hệ thống, không chỉ rủi ro cho vay tín dụng, mà cả rủi ro thị trường, rủi ro vận hành/rủi ro nghiệp vụ. Tất cả loại các loại rủi ro đó đều phải được định nghĩa chính xác, rồi từ định nghĩa đó, các ngân hàng sẽ xây dựng “khẩu vị rủi ro” (risk appetite), tức là những loại rủi ro nào chấp nhận được và hạn mức chấp nhận (risk tolerance/risk limit), tiếp theo là những biện pháp để quản lý.
Đặc biệt, các báo cáo tài chính của ngân hàng phải được thực hiện đúng với chế độ kế toán của Việt Nam và các nguyên tắc kế toán quốc tế, kèm theo các giải thích, thuyết minh về việc phân loại nợ và những rủi ro ngân hàng đang đối diện đúng theo tiêu chí quốc tế, cũng như những món nợ xấu gây hậu quả nghiêm trọng, tài sản đầu tư thua lỗ, ngay cả các vụ kiện tụng cũng phải được công bố trên báo cáo tài chính. Còn nếu những rủi ro và thiệt hại chỉ được nói một cách chung chung, mập mờ thì bản báo cáo tài chính đó không có giá trị về mặt quản lý rủi ro đối với bản thân các ngân hàng và đối với tất cả các đối tác của ngân hàng, đặc biệt là nhà đầu tư và công chúng.
Thứ hai, các ngân hàng phải xây dựng các quy chế, quy trình quản lý rủi ro nội bộ, kèm theo một bộ máy kiểm soát và quản lý rủi ro bao gồm ủy ban quản lý rủi ro của hội đồng quản trị, khối quản trị rủi ro của ban điều hành. Nhiều ngân hàng trên thế giới thiết lập một cơ chế phòng thủ rủi ro bao gồm ba phòng tuyến: phòng tuyến 1 là các đơn vị và cán bộ kinh doanh, phòng tuyến 2 là các đơn vị thuộc ủy ban và khối quản lý rủi ro, và phòng tuyến 3 gồm ban kiểm soát và kiểm toán nội bộ. Các loại rủi ro khi thâm nhập vào ngân hàng sẽ phải đụng phải các phòng tuyến này và được kiểm soát và xử lý trước khi trở thành thiệt hại.
Thứ ba là tính tuân thủ. Những quy định của Ngân hàng Nhà nước và những quy định nội bộ mà không được tuân thủ thì cũng không thể sử dụng được các công cụ quản lý rủi ro của Basel. Các nguyên tắc và công cụ của Basel đòi hỏi tính tuân thủ nghiêm nhặt như quy định về vốn chủ sở hữu, cổ phần của các bên liên quan không được vượt quá tỷ lệ đã được quy định; các quyết định về cho vay, đầu tư phải được phân cấp ủy quyền chặt chẽ và các đơn vị được ủy quyền tuân thủ tuyệt đối sự phân cấp ủy quyền này. Việc che giấu các bên liên quan sở hữu cổ phần mà không công bố công khai sẽ làm hỏng việc thực hiện Basel II bởi hiệp ước này đòi hỏi những thông tin công bố phải thực sự chính xác, nếu thông tin không chính xác thì công cụ cũng vô hiệu.
Điểm quan trọng nữa là công tác giám sát của ngân hàng trung ương phải được tăng cường để đạt hiệu quả tối đa. Các nước trên thế giới bây giờ không còn mang tính giám sát tuân thủ nữa, mà là giám sát toàn hệ thống về mức độ rủi ro. Chẳng hạn, nhiều quốc gia áp dụng các chỉ tiêu CAMELS (vốn, chất lượng tài sản, năng lực quản lý, khả năng sinh lời, thanh khoản và độ nhạy cảm về lãi suất) để giám sát các ngân hàng. Việt Nam chưa áp dụng một phương thức giám sát tổng quan tương tự như vậy. Kết quả của phương pháp áp dụng CAMELS là việc xếp hạng các ngân hàng theo mức độ rủi ro từ cao xuống thấp, dựa vào những tiêu chí đó, ngân hàng trung ương sẽ giám sát hoạt động của các ngân hàng thường xuyên theo điểm xếp hạng để đưa ra các biện pháp thích ứng, kể cả việc đóng cửa ngân hàng.
Do đó, phải cải thiện được tất cả những điều trên, sau đó mới có thể áp dụng Basel II một cách hiệu quả được.
Kinh nghiệm triển khai Basel II tại các quốc gia trên thế giới có tập trung riêng vào bộ phận quản lý rủi ro?
Bộ phận quản lý rủi ro trong ngân hàng chỉ đơn thuần là một bộ phận theo dõi và kiểm soát rủi ro. Thực ra, việc kiểm soát rủi ro phải được triển khai ở tất cả các bộ phận khác như bộ phận tín dụng, nguồn vốn, thanh toán quốc tế, marketing và các bộ phận hỗ trợ của ngân hàng như kế toán, pháp chế và đào tạo, và phải được thực hiện ở các khâu thấp nhất trong cơ cấu tổ chức là các giao dịch viên. Bộ phận quản lý rủi ro chỉ có chức năng theo dõi, báo cáo và có các đề xuất để điều chỉnh.
Ví dụ, chúng ta có thể xây dựng cơ chế phòng ngừa rủi ro của ngân hàng gồm 3 phòng tuyến: phòng tuyến thứ nhất là tất cả các cán bộ kinh doanh đối diện trực tiếp với rủi ro hàng ngày như đối diện với khách hàng…; phòng tuyến thứ hai là bộ phận quản lý rủi ro, theo dõi tất cả các báo cáo, vấn đề rủi ro; phòng tuyến thứ ba là ban kiểm toán nội bộ và ban kiểm soát của ngân hàng. Với 3 phòng tuyến như thế, ngân hàng xây dựng những chốt chặn, trạm kiểm soát để sàng lọc và ngăn chặn rủi ro, phát hiện rủi ro và kiểm soát rủi ro.
Bên cạnh xây dựng những cơ chế phòng ngừa và quản lý rủi ro, ngân hàng cũng cần phải xây dựng một “văn hóa rủi ro”, có nghĩa là tất cả cán bộ, nhân viên cần phải nâng cao nhận thức về rủi ro trong mọi giao dịch. Không những tín dụng chứa đựng rủi ro, mà ngay cả huy động vốn cũng chứa đựng rủi ro. Những dòng tiền “bẩn” luôn tìm cách len lỏi vào ngân hàng để “rửa tiền”, để hợp pháp hóa đồng tiền thu về từ những hoạt động bất hợp pháp. Các cán bộ nhân viên ngân hàng nếu không có ý thức rủi ro cao sẽ dễ dàng thu nhận những loại tiền này, vô hình chung tiếp tay cho các nhóm tội phạm, các hoạt động phi pháp.
Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng một số quy định nhưng chưa đầy đủ, cần có sự hoàn thiện bổ sung, quy định rõ ràng về các loại rủi ro, cơ chế, quy trình quản lý rủi ro, và nhân sự liên quan đến quản lý rủi ro... Chỉ có như vậy, việc triển khai áp dụng Basel II mới có thể thành công và có ý nghĩa trên thực tế.