Trích lập kéo giảm lợi nhuận ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhận định: “Lợi nhuận các ngân hàng thương mại tăng trưởng kém, đồng pha với sự vận động của nền kinh tế cũng như diễn biến tương đồng với ngành ngân hàng trong khu vực”.
Tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng năm nay có nguy cơ thấp xa mục tiêu. Tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng năm nay có nguy cơ thấp xa mục tiêu.

Kết quả lợi nhuận các ngân hàng 9 tháng đầu năm nay có sự phân hóa khá rõ. Theo bà, nguyên nhân nào dẫn đến một bên là lợi nhuận giảm và một bên vẫn tăng?

Tính đến ngày 20/10/2023, nhiều ngân hàng thương mại đã công bố kết quả kinh doanh quý III, trong đó đa phần ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận âm so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù có một vài ngân hàng ghi nhận tăng trưởng dương, song đà tăng nhìn chung là không đáng kể. Tương tự diễn biến trong 6 tháng đầu năm, thu nhập từ lãi cũng như thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng thương mại đều kém tích cực do tăng trưởng tín dụng thấp cũng như hoạt động bán chéo bảo hiểm (bancassurance) suy giảm. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 29/9/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,749 triệu tỷ đồng, tăng 6,92%. Mặc dù tín dụng đã tăng nhanh hơn từ tháng 8, song đà tăng của 9 tháng đầu năm nay vẫn thấp hơn nhiều so với mức 11,05% của cùng kỳ năm ngoái.

Biên lợi nhuận ròng của các ngân hàng thương mại tiếp tục xu hướng giảm trong các quý gần đây, điều này phần nào đã được dự báo trước khi lãi suất cho vay liên tục giảm trong bối cảnh cầu tín dụng thấp, cũng như thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thu nhập từ hoạt động bancassurance thu hẹp khi Bộ Tài chính tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng từ cuối tháng 2 năm nay.

Ngoài ra, yếu tố lớn nhất kéo giảm lợi nhuận của các ngân hàng thương mại trong quý III đến từ việc chi phí trích lập dự phòng tăng mạnh. Việc chi phí trích lập dự phòng gia tăng trong những quý gần đây không nằm ngoài dự báo, do áp lực nợ xấu tăng là hệ quả của tình trạng kinh doanh khó khăn của các doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực bất động sản, xuất khẩu.

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB (MBS)

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB (MBS)

Lợi nhuận các ngân hàng giảm liệu có phải là tín hiệu xấu, thưa bà?

Tôi cho rằng, lợi nhuận các ngân hàng thương mại tăng trưởng kém trong năm 2023 phần nào đã được dự báo trước, điều này đồng pha với sự vận động của nền kinh tế cũng như diễn biến tương đồng với ngành ngân hàng trong khu vực. Hiện vẫn có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến các ngân hàng Việt Nam. Chẳng hạn, Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), ngân hàng lớn thứ 2 Nhật Bản trở thành cổ đông chiến lược của VPBank sau khi mua 15% cổ phần. SeABank vừa thông báo chính thức ký kết hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện (PTF) tương đương 100% vốn điều lệ PTF cho AEON Financial Service Co., Ltd. - thành viên thuộc mảng tài chính của AEON Group - tập đoàn bán lẻ lớn nhất Nhật Bản, với giá chuyển nhượng 4.3000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, một số ngân hàng như Vietcombank, LPBank đang lên kế hoạch phát hành riêng lẻ cho đối tác nước ngoài. Điều này chứng tỏ triển vọng của ngân hàng Việt Nam trong dài hạn vẫn rất lớn và lợi nhuận suy giảm chỉ là khó khăn tạm thời.

Dự báo của bà về tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm như thế nào? Dư nợ tín dụng tăng có là yếu tố chủ chốt hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận?

Yếu tố lớn nhất kéo giảm lợi nhuận của các ngân hàng thương mại trong quý III đến từ việc chi phí trích lập dự phòng tăng mạnh.

Một trong những yếu tố lớn nhất tác động đến triển vọng lợi nhuận của các ngân hàng trong thời gian tới là tăng trưởng tín dụng. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 9/2023, tín dụng tăng gần 7% so với đầu năm, còn cách khá xa so với mục tiêu 14 - 15% mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra cho cả năm. Để tín dụng đạt được mục tiêu đề ra, ngày 10/7, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh nới room tín dụng cho 11 ngân hàng thương mại lên 11 - 24%. Đồng thời, cơ quan quản lý nỗ lực thúc đẩy các ngân hàng thương mại hạ lãi suất cho vay nhằm tiếp cận được doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng có thể đẩy mạnh tín dụng từ nay đến cuối năm. Một trong những lý do chính mà một số ngân hàng không đẩy mạnh cho vay trong nửa đầu năm là tỷ lệ nợ xấu đã vượt lên trên 3%, do đó các ngân hàng buộc phải cân nhắc trong các quyết định cho vay, cũng như duy trì chất lượng tín dụng. Bên cạnh đó, triển vọng phục hồi của các ngành sản xuất tiêu dùng mới xuất hiện từ tháng 8, tháng 9 và chưa thật sự rõ nét, chưa thật sự kích thích được nhu cầu vốn của doanh nghiệp. Theo đó, tôi cho rằng, tăng trưởng tín dụng khó vượt qua mức 10% trong năm nay.

Ngoài yếu tố tăng trưởng tín dụng, chi phí trích lập dự phòng vẫn là yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng thương mại trong quý IV. Chi phí trích lập dự phòng nhiều khả năng sẽ duy trì đà tăng do các ngân hàng thường mạnh tay xóa nợ xấu vào quý cuối năm nhằm đưa tỷ lệ nợ xấu xuống dưới ngưỡng 3%. Ngoài ra, một số ngân hàng có chính sách cẩn trọng hơn khi xếp loại nợ xấu theo Thông tư 02/2013/TT-NHNN, song vẫn trích lập đầy đủ.

Liệu nợ xấu đã đạt đỉnh trong quý III và sẽ được kiểm soát trong thời gian tới?

Theo số liệu mới nhất được Ngân hàng Nhà nước công bố, tỷ lệ nợ xấu đã tăng từ 2% hồi đầu năm lên 3,56% đến cuối tháng 7/2023. Với tỷ lệ này, số dư nợ xấu của toàn hệ thống đến cuối tháng 7 là hơn 440.000 tỷ đồng. Nếu tính nợ xấu nội bảng cộng thêm các khoản nợ xấu bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn của hệ thống tổ chức tín dụng (gồm các khoản được giữ nguyên nhóm, trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn thành nợ xấu, các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái...), tỷ lệ nợ xấu toàn ngành là 6,16% (tương đương 768.000 tỷ đồng).

Chất lượng tài sản của các ngân hàng thương mại là điểm đáng lưu ý từ kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm. Các ngân hàng có mô hình kinh doanh tập trung vào bán lẻ và cho vay tiêu dùng đều ghi nhận tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh như ABBank là 4,6%, trong khi cuối năm 2022 là 2,9%; ngân hàng mẹ VPBank là 3,9%, tăng từ mức 2,8% cuối năm 2022; hay tỷ lệ nợ xấu của VIB tăng lên 3,6% từ mức 2,5% cuối năm ngoái.

Bên cạnh đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của toàn ngành suy giảm từ mức 105% cuối năm 2022, xuống còn 84% cuối quý III/2023, tỷ lệ này tương đương với giai đoạn 2019 - 2020.

Ngày 24/4/2023, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 02/2013/TT-NHNN cho phép các tổ chức tín dụng chủ động cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với một số điều kiện cụ thể với thời hạn 1 năm kể từ ngày được cơ cấu lại nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn về tài chính, đồng thời được tiếp cận nguồn vốn vay mới nhằm tiếp tục hoạt động sản xuất - kinh doanh. Việc này được thực hiện đến hết tháng 6/2024. Đây được xem là một trong những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn về thanh khoản cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản, trong bối cảnh khó tiếp cận được các nguồn vốn (vốn vay/vốn huy động từ trái phiếu/cổ phiếu). Do đó, về nguyên tắc, một số khoản nợ đã trở thành nợ xấu song do được cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ nên xu hướng tăng nợ nhóm 2 có thể sẽ tiếp tục diễn ra. Tôi cho rằng, nợ xấu vẫn là vấn đề cần lưu tâm trong các quý tới, đặc biệt trong bối cảnh triển vọng hoạt động sản xuất - kinh doanh phục hồi chậm hơn so với dự kiến.

Theo bà, nếu lãi suất tiếp tục hạ trong những tháng cuối năm sẽ có tác động như thế nào đến hệ thống ngân hàng?

Ở thời điểm hiện nay, lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại lớn đã trở về mặt bằng năm 2022 và thấp hơn giai đoạn trước dịch Covid-19, chủ yếu do các ngân hàng đang thừa vốn và nhu cầu huy động thấp. Về lý thuyết, lãi suất cho vay thường giảm tốc chậm hơn so với lãi suất đầu vào, do đó, trong bối cảnh lãi suất hạ, các ngân hàng thương mại sẽ có lợi hơn do hưởng biên lợi nhuận ròng cao hơn. Tuy nhiên, bối cảnh nhu cầu vay vốn vẫn chưa thật sự phục hồi, các doanh nghiệp còn chần chừ trong việc mở rộng sản xuất - kinh doanh do lo ngại về tăng trưởng kinh tế, cạnh tranh về thị phần tín dụng sẽ trở nên gay gắt hơn. Vì vậy, việc cạnh tranh để cho vay các doanh nghiệp tốt sẽ là cuộc đua giữa các ngân hàng. Những ngân hàng cung cấp lãi suất hấp dẫn do có chi phí vốn thấp hơn là những ngân hàng sẽ có lợi thế hơn, nhưng biên lợi nhuận ròng nhiều khả năng tiếp tục suy giảm trong quý cuối năm.

Hồng Dung thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục