Kế toán theo "giá trị hợp lý" của Mỹ
Chuyện về trích lập dự phòng đầu tư tài chính ở ta tương tự với chuyện kế toán theo "giá trị hợp lý" của Mỹ. Đó là việc các công ty bị cơ quan quản lý TTCK Mỹ (SEC) yêu cầu phải ghi nhận các khoản mục đầu tư tài chính theo "giá trị hợp lý" từ ngày 31/12/2008, nói đơn giản là ghi nhận theo giá trị thị trường. Chủ yếu là áp dụng khoản mục FAS 157 của FASB. Điều khoản FRS 26 của kế toán Anh và một số điều khoản trong chuẩn mực kế toán quốc tế IAS (chẳng hạn IAS 39) cũng có ý nghĩa tương tự.
Điều này có nghĩa là các khoản đầu tư tài chính sẽ được hạch toán theo giá trị thị trường nếu có giá giao dịch trên thị trường và theo một số chuẩn mực kế toán khác thì những chênh lệch giá sẽ được ghi nhận lời lỗ hoặc đưa vào dự phòng. Như vậy, cũng không khác gì lắm với chuyện hạch toán dự phòng đầu tư tài chính của ta. Một vấn đề đáng chú ý là lời hay lỗ cũng được phản ánh, nên phần nào ghi nhận này có tính công bằng hay tính hợp lý (đầu tư lỗ thì phải ghi lỗ hoặc trích dự phòng, lời thì cũng được phản ánh). Một điểm nữa là giữa đầu tư tài chính dài hạn, ngắn hạn, thậm chí các công cụ phái sinh, các khoản cho vay… cũng không khác nhau là mấy, nếu như chúng có giao dịch. Còn nếu không có giao dịch thì sẽ được phân loại vào nhóm loại 2 (dùng giá của tài sản tài chính "tương tự" để định giá) hoặc loại 3 (định giá dựa vào dòng tiền và kỳ vọng) theo FAS 157 của Mỹ.
Tại Việt Nam, cộng đồng chứng khoán đang đối mặt một vấn đề tương tự như một vấn đề nóng trong lĩnh vực kế toán tài chính thế giới hiện nay. Lý do gọi vấn đề kế toán theo giá trị hợp lý này là "nóng" là vì đã có một làn sóng ủng hộ và phản đối việc áp dụng kế toán theo "giá trị hợp lý" này ở phương Tây.
Lý do ủng hộ là: cần minh bạch hơn, cần phản ánh thực tế thị trường, NĐT cần biết nhiều sự thật hơn, các giám đốc không được che giấu quá nhiều sự thật, các báo cáo kiểu giúp thuận tiện hơn trong việc so sánh giữa các công ty và cơ quan giám sát có điều kiện yêu cầu ngân hàng và định chế bảo hiểm đáp ứng vốn tốt hơn để dự phòng rủi ro.
Lý do phản đối thì còn nhiều hơn. Thứ nhất là vì trong tình hình tài chính thế giới đang khủng hoảng, nhiều khoản mục đầu tư thật ra là tốt, nhưng do NĐT và ngân hàng phải bán tống bán tháo cổ phiếu, bất kể tốt xấu, để kiếm tiền nộp vào tài khoản ký quỹ (giống trường hợp giải chấp ở ta trước đây), nên giá cổ phiếu và sản phẩm tài chính khác trượt dốc không phanh. Ghi nhận các khoản đầu tư tài chính theo "giá trị hợp lý" vào những thời điểm như vậy thật ra lại không hợp lý. Và theo vòng xoáy đó, các công ty công bố số liệu kế toán được điều chỉnh theo giá trị hợp lý khiến nhiều khoản mục cho vay, đầu tư bị ghi giảm trừ làm cho NĐT càng mất lòng tin, lại bán cổ phiếu tiếp, giá chứng khoán giảm, công ty và ngân hàng lại phải ghi giảm trừ… Hệ quả là một vòng xoáy thua lỗ kéo dài và khi Chính phủ Mỹ rót vốn cho các ngân hàng nước này để cho vay ra nền kinh tế thì nhiều ngân hàng "ôm" tiền để dự phòng cho các khoản giảm trừ tiếp theo khiến giải pháp này không mấy hiệu quả.
Cách kế toán theo "giá trị hợp lý" bị chỉ trích là mang tính "tàn phá" thị trường nhiều hơn khi thị trường sụt giảm, vì các khoản lỗ cứ nối tiếp nhau xuất hiện trước mắt NĐT, làm mất niềm tin vào thị trường. Ngoài ra, do giá tài sản tài chính trên thị trường không ổn định: hôm nay giảm 5%, tuần sau lại tăng 10%, làm cho tình hình lời lỗ của công ty khó dự đoán hơn và có tính "hên xui" khi báo cáo.
Chuyện trích lập dự phòng ở ta
Nếu muốn gỡ rối những vấn đề kỹ thuật của chuyện trích lập dự phòng đầu tư tài chính ở Việt Nam thì không phải là dễ, nhưng cũng không phải không có cách. Nhưng cần lưu ý, không bao giờ có một giải pháp hợp lý 100% cho tất cả. Các vấn đề kỹ thuật của chuyện trích lập dự phòng đầu tư tài chính ở Việt Nam có lẽ mọi người đã biết quá nhiều: nào là chuyện đầu tư vào công ty mà cổ phiếu không có giao dịch thường xuyên, đầu tư vào cổ phiếu OTC, rồi vấn đề đầu tư dài hạn, ngắn hạn… Chưa kể là nếu tìm hiểu về các vấn đề kỹ thuật của việc trích lập ở Việt Nam sẽ thấy thêm là dù trích lập dự phòng các khoản đầu tư dài hạn thì quy định hiện nay cũng không cần trích lập đầy đủ các khoản giảm giá theo giá trị thị trường (nếu có). Vấn đề là cái gì cũng chỉ đạt ở mức tương đối. Dù làm căng thẳng chuyện kế toán, như Mỹ làm là cái gì cũng đem ra tính theo giá thị trường rồi bắt minh bạch thật nhiều, thì cũng có cái bất lợi của nó.
NĐT liệu có vui khi nếu trích lập đầy đủ thì ngày nào NĐT cũng thấy hàng loạt công ty thua lỗ, bị "kiểm soát"? Chất lượng kiểm toán, tình hình minh bạch giá cả thị trường OTC và khả năng định giá "hợp lý" của các định chế ở Việt Nam đến mức nào? Vậy thì, cái dự phòng tài chính mà chúng ta sẽ đọc đáng tin cậy đến đâu hay sẽ dẫn chúng ta sang một mê hồn trận khác?
Dự phòng là cần thiết để đảm bảo công ty có đủ vốn dự phòng cho tình huống xấu. Minh bạch thông tin là cần thiết và nên được khuyến khích trên TTCK. Nhưng thời điểm áp dụng, mức độ và liều lượng, nên được điều chỉnh và thỏa thuận cho phù hợp giữa nhu cầu thông tin, khả năng xử lý thông tin và khả năng cung cấp thông tin một cách hợp lý trên thị trường. Để thỏa thuận được, có lẽ đại diện NĐT, cơ quan quản lý, công ty cung cấp báo cáo và các chuyên gia kiểm toán, tài chính cần bình tĩnh ngồi lại với nhau, lắng nghe và hành động. Cuối cùng, cần nhận ra là vấn đề trích lập dự phòng đầu tư tài chính này chỉ là một bước mở đầu. Vấn đề sẽ nghiêm trọng hơn nếu ta nghĩ rộng ra là các khoản cho vay của các ngân hàng, các khoản hàng tồn kho của doanh nghiệp đang giảm giá từng ngày trong tình hình kinh tế khó khăn. Trích dự phòng một cách nghiêm túc không chỉ là riêng chuyện đầu tư tài chính. Nếu đã muốn minh bạch, cần phải làm rõ ràng và minh bạch tất cả các mảng và có tính thống nhất.
Một số quan điểm đối với chuyện kế toán theo giá trị hợp lý |
|
Ủng hộ |
Phản đối |
- Đảm bảo tính minh bạch, NĐT có nhiều thông tin hơn - Tạo điều kiện giám sát các tổ chức tài chính phù hợp hơn - Dễ mang tính so sánh các công ty với nhau khi phân tích các khoản mục tài sản tài chính
|
- Làm trầm trọng tình hình khủng hoảng, giá trị hợp lý của một số khoản đầu tư trong thị trường đang mất thanh khoản thật ra là không hợp lý - Cách xác định giá trị hợp lý không rõ ràng cho một số khoản mục - Có tính ủng hộ bong bóng tài sản trong thị trường đang tăng giá - Giá trị hợp lý không phản ánh một cách hợp lý các khoản tiền tương lai công ty sẽ có thể nhận được § Một số trường hợp giá cả trên thị trường là vô lý, không đáng tin cậy, mang tính bầy đàn |