Đừng để quy định “treo”
Đó là đề xuất của các chuyên gia, CTCK trước thực tế suốt từ năm 2009 đến nay, sau khi Thông tư 228/2009 quy định: “Các CTCK, công ty quản lý quỹ được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Chứng khoán, việc trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán thực hiện theo quy định riêng...”, nhưng đến nay, Bộ Tài chính vẫn chưa có hướng dẫn này.
Tìm hiểu của ĐTCK cho thấy, trong bối cảnh chứng khoán OTC gần như không phát sinh giao dịch suốt thời gian dài, việc xác định giá thị trường của loại chứng khoán này gần như không có cơ sở thuyết phục và đây là một trong những cái khó, khiến nhà làm luật chậm ban hành cơ chế trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán OTC...
Tuy nhiên, cái khó trên, theo bà Lê Thị Hòa, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán, kiểm toán, Bộ Tài chính, có thể được hóa giải bằng phương pháp xác định giá trị hợp lý theo chuẩn mực của Hội đồng Chuẩn mực kế toán quốc tế. Theo đó, giá trị hợp lý là mức giá có thể nhận được khi bán một tài sản, hoặc một khoản chi trả để chuyển giao một khoản nợ trong một giao dịch có trật tự giữa các thành viên thị trường tại ngày xác định giá trị... Với cách hiểu này, để xác định giá trị hợp lý cho các chứng khoán OTC, có thể sử dụng các phương pháp: thị trường, thu thập hoặc chi phí. Trong đó, các dữ liệu tham chiếu là dữ liệu của tài sản, hay nợ phải trả không thể thu thập được từ thị trường. Các dữ liệu này phải phản ánh giả định mà các đối tượng tham gia thị trường sẽ sử dụng để định giá tài sản, bao gồm cả giả định về rủi ro...
“Bộ Tài chính nên tham khảo kinh nghiệm trên, để sớm xây dựng cơ chế trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán áp dụng đối với các CTCK, công ty quản lý quỹ, tránh để khoảng trống cơ chế kéo dài như hiện nay. Trong trường hợp không cho các tổ chức kinh doanh chứng khoán trích lập, thì cơ quan quản lý cũng cần có thái độ rõ ràng, tránh để quy định ‘treo’ như tại Thông tư 228/2009...”, bà Hòa đề nghị.
Theo kế toán trưởng một CTCK lớn, đúng là với thực tế nhiều loại chứng khoán OTC hiện gần như không có giao dịch, việc xác định giá thị trường là không dễ. Đây là điểm khác biệt so với quốc tế, bởi trên thị trường thế giới do chứng khoán OTC có thanh khoản cao, nên việc xác định giá thị trường, để làm cơ sở trích lập dự phòng giảm giá khá đơn giản và minh bạch. Tuy nhiên, vì nguyên tắc thận trọng, một trong những phương pháp mà các CTCK đang sử dụng, để tính toán làm cơ sở cho trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán OTC xét về mặt kế toán, là căn cứ vào báo cáo tài chính, hiệu quả kinh doanh, diễn biến dòng tiền của DN phát hành chứng khoán OTC...
Các dữ liệu này cho phép CTCK tính được giá trị hợp lý của chứng khoán OTC, để làm cơ sở trích lập dự phòng giảm giá. Trong đó, giá trị hợp lý là giá mà CTCK có thể bán danh mục OTC để thu hồi vốn.
Phương pháp này phản ánh chính xác hơn giá trị thị trường của chứng khoán OTC so với phương pháp CTCK lấy giá trung bình trên cơ sở giá giao dịch được cung cấp tối thiểu bởi 3 CTCK để làm cơ sở trích lập. Lý do là nhiều khi giá giao dịch này chỉ phản ánh giao dịch của NĐT cá nhân, nhỏ lẻ với khối lượng giao dịch nhỏ, trong khi thực tế nhiều khoản mục đầu tư chứng khoán OTC, các CTCK đang nắm giữ trên 5% vốn điều lệ của DN.
Ở vị thế cổ đông lớn, giá giao dịch của CTCK sẽ không thể giống như giá bán của NĐT cá nhân, nhỏ lẻ với khối lượng nhỏ… Đây là điều Bộ Tài chính cần tính toán khi xây dựng cơ chế trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán OTC.
Bộ Tài chính đang nghiên cứu
Theo một lãnh đạo Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, Vụ đang tiến hành nghiên cứu xây dựng cơ chế quản lý tài chính đối với tổ chức kinh doanh chứng khoán; trong đó, có tính toán quy định về trích lập dự phòng giảm giá cổ phiếu OTC.
Tuy nhiên vị lãnh đạo trên không cho biết chi tiết phương án trích lập, cũng như để ngỏ câu trả lời cho câu hỏi nóng mà các CTCK đang chờ đợi nhất lúc này, là bao giờ cơ chế mới trên sẽ được ban hành và áp dụng. Với diễn biến này, không biết bao giờ các CTCK mới được phép trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán OTC?