Trên 1% DN niêm yết có nguy cơ vỡ nợ

(ĐTCK-online) Báo cáo thường niên chỉ số tín nhiệm Việt Nam năm 2011, có có 7 DN niêm yết hoạt động yếu kém, thua lỗ kéo dài, không tự chủ về tài chính, không có khả năng trả nợ, rủi ro rất cao, chiếm trên 1% số DN niêm yết.
Ảnh minh họa: Internet Ảnh minh họa: Internet

Văn phòng Chủ tịch nước, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng CTCP Xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp (CRV) vừa công bố Báo cáo thường niên chỉ số tín nhiệm Việt Nam năm 2011. Một trong nhiều nội dung thực hiện công bố là xếp hạng 596 DN niêm yết trên 2 sàn GDCK.

Theo kết quả xếp hạng năm 2010, có 130 DN (chiếm 21,8%) xếp loại AAA, 161 DN xếp loại AA, 165 DN xếp loại A, 84 DN xếp loại BBB, 36 DN xếp loại BB, 6 DN xép loại B còn lại là loại CCC, CC và C. Theo tiêu chí xếp hạng, AAA là loại tối ưu (rủi ro thấp nhất), AA là loại ưu (hoạt động hiệu quả, ổn định), A (rủi ro khá thấp), BBB (hoạt động hiệu quả, rủi ro trung bình), BB (trung bình khá), B (trung bình), loại C bao gồm những DN từ trung bình yếu đến yếu kém.

Đáng chú ý, mặc dù trải qua một năm hết sức khó khăn, nhiều DN thua lỗ, nhưng chỉ có 7 DN xếp loại C (DN hoạt động yếu kém, thua lỗ kéo dài, không tự chủ về tài chính, không có khả năng trả nợ, rủi ro rất cao), chiếm trên 1% số DN niêm yết. Một số mã xếp hạng C đáng chú ý như DDM, MHC, VSG, VMG, VKP.

So với năm 2009, trong tổng số DN nâng mức tín nhiệm có 255 DN tăng lên mức độ an toàn, chiếm 95%; có 11 DN tăng từ mức có nguy cơ lâm vào tình trạng phá sản lên mức độ cảnh báo, chiếm 4%; có 2 DN từ mức độ có nguy cơ lâm vào tình trạng phá sản cao lên mức có nguy cơ phá sản, chiếm 2,8%.

Ông Nguyễn Trọng Hòa, Phó trưởng bộ môn Kinh tế lượng Học viện Tài chính, Trưởng nhóm phân tích Xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp CTCP Xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp (CRV) cho biết, năm nay bổ sung nội dung nguy cơ vỡ nợ vào nội dung  xếp hạng các doanh nghiệp niêm yết. Kết quả xếp hạng cho thấy một phần sự thật trong hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết hiện nay.

 

Mục đích của việc xếp hạng nhằm cung cấp những thông tin cần thiết cho NĐT về tình trạng của nhà phát hành, giúp các ngân hàng trong việc ra quyết định cấp tín dụng, xác định hạn mức tín dụng... Mặt khác, doanh nghiệp được xếp hạng sẽ biết rõ tình trạng thực tế của mình, triển vọng phát triển trong tương lai cũng như những rủi ro có thể gặp phải.

 

Với việc công bố bảng xếp hạng tín nhiệm, cơ quan công bố mong muốn sẽ là một trong các dấu hiệu nhận diện được những cổ phiếu có biến động giá bất thường thông qua việc so sánh kết quả xếp hạng tín nhiệm với mức giá hiện tại.

Đông Hải
Đông Hải

Tin cùng chuyên mục