Trẻ hóa lãnh đạo bảo hiểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Thế hệ 6X, 7X đang chiếm đa số các vị trí lãnh đạo chủ chốt tại hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm, hiện bắt đầu được trẻ hóa bằng thế hệ 8X, 9X trẻ trung, năng động hơn…
Dàn lãnh đạo doanh nghiệp bảo hiểm đang được trẻ hóa Dàn lãnh đạo doanh nghiệp bảo hiểm đang được trẻ hóa

Bổ sung các sếp bảo hiểm thế hệ 8X, 9X

Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt (công ty con của Tập đoàn Bảo Việt- mã BVH) vừa thay đổi dàn nhân sự cấp cao khi cùng lúc bổ nhiệm cả chủ tịch hội đồng thành viên và tổng giám đốc.

Cụ thể, ông Nguyễn Đình An (sinh năm 1981) giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Bảo hiểm Bảo Việt, thay thế ông Nguyễn Hồng Tuấn (sinh năm 1969) - người được bổ nhiệm giữ chức Tổng giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của Tổng công ty thay cho ông Nguyễn Xuân Việt (sinh năm 1970) kể từ ngày 1/8/2024.

Tuy thuộc thế hệ 8X, nhưng ông An có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính - đầu tư và đang đảm nhận nhiều vị trí quan trọng tại Tập đoàn Bảo Việt cũng như tại các đơn vị thành viên như Công ty Quản lý quỹ Bảo Việt, Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoViet Bank)…

Còn ông Tuấn ngoài được bổ nhiệm làm tân Tổng giám đốc Bảo hiểm Bảo Việt thì còn là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán Bảo Việt và là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị BaoViet Bank.

Đây là lần đầu tiên có người thuộc thế hệ 8X ngồi vào vị trí quản trị cao nhất của Bảo hiểm Bảo Việt cũng như Tập đoàn Bảo Việt, trong khi dàn nhân sự cấp cao tại hệ sinh thái này hầu hết đều nằm trong độ tuổi 7X. Thế hệ lãnh đạo mới đang được kỳ vọng sẽ mang lại những bước phát triển mới cho thương hiệu bảo hiểm trong nước lâu đời nhất tại Việt Nam này.

Hai năm trước (năm 2022), Tập đoàn Bảo Việt cũng đã thay chủ tịch và tổng giám đốc. Theo chiến lược đã đề ra, 2 công ty bảo hiểm của tập đoàn này là Bảo hiểm Bảo Việt và Bảo Việt Nhân thọ sẽ chuyển đổi thành công ty cổ phần nhằm huy động nguồn lực, đáp ứng nhu cầu tăng vốn phục vụ cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Ở giai đoạn 2021-2025, Tập đoàn Bảo Việt sẽ giữ nguyên tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước và tăng vốn điều lệ thông qua việc bán cổ phần cho các cổ đông hiện hữu. Trong giai đoạn 2026-2030, Tập đoàn dự kiến tiếp tục tăng vốn và giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước, nhưng vẫn giữ tỷ lệ chi phối.

Một sếp 8X cũng mới được bổ sung tại Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ MB Ageas (MB Ageas Life) khi ông Vũ Hồng Phú (sinh năm 1983) được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty.

Là một lãnh đạo trẻ nhưng dày dạn kinh nghiệm, ông Phú có gần 20 năm công tác trong lĩnh vực kinh tế - tài chính - ngân hàng. Ông từng đảm nhiệm nhiều vị trí quản lý, điều hành cấp cao tại nhiều doanh nghiệp, trong đó ghi dấu ấn tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank) qua nhiều vị trí quan trọng.

Tương tự, tại Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Dai-ichi Life Việt Nam, ông Đặng Hồng Hải là CEO (Tổng giám đốc) trẻ nhất ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam với độ tuổi 8X, nhưng đã có hơn 17 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo hiểm, tái bảo hiểm nhân thọ trong nước và quốc tế. Gia nhập Dai-ichi Life Việt Nam vào năm 2017, ông Hải từng kinh qua nhiều vị trí lãnh đạo quan trọng như Phó tổng giám đốc Tài chính, chuyên gia tính toán được chỉ định…

Một CEO bảo hiểm khác cũng thuộc thế hệ 8X là ông Trịnh Anh Tuấn (sinh năm 1981) - giữ chức vụ Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm PVI (PVIRe, nay là Hanoi Re). Ngoài ra, cũng tại Hanoi Re, thành viên Hội đồng quản trị Nguyễn Phúc Anh thuộc thế hệ 9X (con trai cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần PVI - công ty mẹ hiện nắm hơn 80% vốn tại Hanoi Re).

Có thể thấy, các lãnh đạo doanh nghiệp bảo hiểm thế hệ 8X, 9X mới được bổ nhiệm đều có bề dày kinh nghiệm trước khi ngồi vào các vị trí điều hành hay quản trị cao nhất. Chẳng hạn, trước khi được bầu làm Chủ tịch Hội đồng thành viên MB Ageas Life, ông Vũ Hồng Phú từng làm thành viên Hội đồng thành viên, Phó chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc… của công ty này. MB Ageas Life dưới sự điều hành của ông Phú đã có lãi sau 3 năm hoạt động, góp phần vào kết quả tích cực chung của MB Bank.

Hay dưới sự điều hành của ông Trịnh Anh Tuấn, Hanoi Re đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024: Tổng doanh thu đạt 1.682 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, trong đó phí nhận đạt 1.429 tỷ đồng, tăng 19%; lợi nhuận trước thuế đạt 117 tỷ đồng, tăng 29%... Đến nay, Hanoi Re đã cung cấp dịch vụ tái bảo hiểm và các dịch vụ tư vấn, đánh giá rủi ro cho nhiều khách hàng tại Việt Nam và hơn 50 quốc gia trên thế giới.

Cần người “làm thật”

Sau những khó khăn trong gần 3 năm qua, diễn biến nhân sự cấp cao ngành bảo hiểm đã bớt “nóng” khi số lượng công ty bảo hiểm được lập mới thưa thớt dần. Kể từ khi Shinhan Life Việt Nam được lập vào năm 2022 đưa tổng số công ty bảo hiểm nhân thọ hoạt động tại Việt Nam lên con số 19, đến nay chưa có công ty mới nào ra đời.

Lâu nay, những dịch chuyển về nhân sự cấp cao trên thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam, đặc biệt với vị trí CEO, thường theo xu hướng các lãnh đạo thế hệ 6X, 7X chuyển từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác. Bởi vậy, những “làn gió mới” từ dàn lãnh đạo thế hệ 8X, 9X được kỳ vọng sẽ tiếp tục chèo lái doanh nghiệp theo hướng chuyên nghiệp hơn, thành công hơn… bởi đều giỏi chuyên môn nghiệp vụ, am hiểu thị trường cũng như thị hiếu tiêu dùng bảo hiểm trong nước, giàu kinh nghiệm điều hành, có nhiều thành tựu trong ngành…

Dẫu vậy, theo giới chuyên môn, trong gần 30 năm hình thành và phát triển, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã chứng kiến năng lực chèo lái công ty mình trong cuộc đua nắm giữ thị phần, doanh số, quân số (tuyển dụng đại lý), gia tăng đối tác hợp tác…, nhưng chưa xuất hiện vị thuyền trưởng nào thật sự ghi dấu ấn trong việc tạo ra một đội ngũ đại lý - người tư vấn bảo hiểm chuyên nghiệp, bền vững.

“Vai trò dẫn dắt một cách chuyên nghiệp của các sếp bảo hiểm còn rất mờ nhạt. Vừa rồi, một số CEO bảo hiểm tiếp tục đề cập tới việc đặt khách hàng làm trọng tâm nhằm lấy lại niềm tin thị trường. Thông điệp này đã được truyền đi từ nhiều năm trước, nhưng hành động thì dường như vẫn ‘dậm chân tại chỗ’. Thậm chí, có vị lãnh đạo cấp cao của một doanh nghiệp còn âm thầm ra chính sách cho kênh đại lý của mình ‘nâng cấp hợp đồng’ của kênh đại lý khác (xúi khách hàng hủy hợp đồng bảo hiểm cũ đã mua của doanh nghiệp mình để tham gia hợp đồng đóng phí bảo hiểm mới). Thị trường bảo hiểm Việt Nam hơn bao giờ hết đang cần được làm thật, chứ không thể làm màu mãi được”, chuyên gia bảo hiểm Trần Nguyên Đán nêu quan điểm.

Ghi nhận từ các đại lý bảo hiểm cho thấy, hiện có ít nhất 3 công ty bảo hiểm nhân thọ ban hành chính sách kiểu xúi giục như trên nhằm tăng phí FYP - là khoản phí bảo hiểm nhân thọ năm đầu tiên mà người tham gia cần thanh toán cho công ty bảo hiểm, dẫn đến khách hàng mất tiền oan do hợp đồng bảo hiểm mới khiến khách hàng bị trừ phí ban đầu cao, có thể lên tới 180%.

Thực tế, như Báo Đầu tư Chứng khoán từng ghi nhận từ người trong cuộc, thị trường nhân thọ Việt Nam lâu nay do chạy đua chiếm lĩnh thị phần, doanh số đã tạo ra những phong trào, chiến dịch tuyển dụng, đào tạo huấn luyện kém chất lượng, kém hiệu quả; thưởng doanh số quá nhiều, lệch lạc về tư tưởng và sứ mệnh của người đại lý bảo hiểm nhân thọ, đặt ra những danh xưng mỹ miều mà không đi kèm thực chất…, từ đó gây nên những “cơn sóng ngầm” trên thị trường.

Với việc thay đổi Tổng giám đốc tại Bảo hiểm Bảo Việt, nhiều khả năng trong thời gian tới sẽ có sự thay đổi ở vị trí Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), bởi từ năm 2015 trở lại đây, Chủ tịch IAV luôn là Tổng giám đốc Bảo hiểm Bảo Việt.

Hiện tại, ông Nguyễn Xuân Việt đang là Chủ tịch IAV, 2 Phó chủ tịch là bà Thân Hiền Anh (Chủ tịch Bảo Việt Nhân thọ) và ông Nguyễn Anh Tuấn (Chủ tịch Vinare).

Ngoài dàn lãnh đạo doanh nghiệp trẻ, hơn bao giờ hết, thị trường bảo hiểm Việt Nam cũng cần thêm các nhà quản lý thị trường, nhà lãnh đạo hiệp hội có tầm vóc, trẻ trung, năng động và đặc biệt là “dám nghĩ, dám làm” để tạo đột phá cho doanh nghiệp, cho thị trường.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục