Những toan tính…
Sau nhiều thập kỷ đơn cực, thế giới đang dần bước vào một kỷ nguyên địa chính trị đa cực, với sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự phục hồi của Nga.
Trong bối cảnh đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump - người theo đuổi chính sách “Nước Mỹ trên hết” - đã lựa chọn một chiến lược quyết liệt: thay vì duy trì trật tự đa phương tốn kém và phụ thuộc vào các liên minh truyền thống, ông đã sử dụng chính sách thuế quan nhằm tái định hình cán cân quyền lực toàn cầu.
Không khó để nhận ra rằng, Mỹ chủ yếu nhắm vào Trung Quốc - đối thủ địa chính trị và kinh tế lớn nhất trong thế kỷ 21. Trung Quốc không chỉ là công xưởng của thế giới, mà còn đang nhanh chóng vươn lên thành một cường quốc công nghệ và tài chính.
Chính quyền Donald Trump đã tung ra hàng loạt đòn thuế quan, đánh vào các lĩnh vực then chốt trong nền kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã áp thuế trả đũa, đồng thời sử dụng các công cụ tài chính và tiền tệ như vũ khí chiến lược, bao gồm việc để cho đồng nhân dân tệ giảm giá và thúc đẩy nội địa hóa công nghệ nhằm giảm phụ thuộc vào phương Tây.
Căng thẳng thương mại đã nhanh chóng vượt ra ngoài khuôn khổ các hàng rào thuế quan đơn thuần, trở thành một cuộc đối đầu toàn diện về chuỗi cung ứng, tiền tệ, công nghệ và tầm ảnh hưởng địa chính trị. Hệ quả là kinh tế toàn cầu có nguy cơ tăng trưởng chậm lại, thị trường tài chính biến động và niềm tin của nhà đầu tư vào hệ thống thương mại quốc tế suy giảm.
Sâu xa hơn, thương chiến nếu xảy ra không chỉ là phép thử của Mỹ với Trung Quốc, mà còn là bàn đạp cho một trật tự mới: một thế giới được chia thành ba cực quyền lực chính, một là Mỹ, hai là Trung Quốc và Nga, ba là Liên minh châu Âu.
Dự báo, ông Donald Trump sẽ tìm cách kết thúc chiến sự giữa Nga và Ukraine bằng một kế hoạch hòa bình, có thể bao hàm cả nhượng bộ phạm vi ảnh hưởng của Nga tại châu Âu, qua đó sử dụng Nga như một đối trọng mềm nhằm kéo Trung Quốc vào bàn đàm phán thương mại. Mối quan hệ giao dịch - chứ không phải đối đầu toàn diện - với Trung Quốc sẽ là đòn bẩy để Mỹ giảm gánh nặng quân sự ở nước ngoài, đồng thời củng cố vị trí độc tôn bằng sức mạnh kinh tế.
Sau đó, “mô hình hòa bình” tại Ukraine có thể sẽ được ông Donald Trump áp dụng ở Đông Á, bằng cách công nhận một phần ảnh hưởng địa chiến lược của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương. Dự kiến, Mỹ sẽ duy trì sức mạnh răn đe quân sự để bảo vệ chuỗi cung ứng và lợi ích cốt lõi, nhưng chuyển trọng tâm sang sử dụng các công cụ mềm như thương mại và đầu tư nhằm giữ chân các đồng minh, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và các nước ASEAN, trong quỹ đạo ảnh hưởng.
Bài toán cho Việt Nam
Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến thay thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều nhà sản xuất quốc tế chuyển dịch sang Việt Nam để tránh thuế từ Mỹ. Tuy nhiên, lợi thế đó cũng đi kèm rủi ro, vì cả Mỹ và Trung Quốc đều là đối tác thương mại hàng đầu, nếu cuộc đối đầu giữa hai đối tác này kéo dài và chuyển sang trạng thái phân cực sâu sắc sẽ dẫn tới áp lực từ cả hai phía.
Vì vậy, bài toán của Việt Nam không chỉ là tận dụng cơ hội, mà còn phải giữ cân bằng chiến lược, đa dạng hóa quan hệ thương mại và tăng cường nội lực để không bị cuốn vào vòng xoáy của những toan tính của các siêu cường.