Traphaco - Thành công từ tầm nhìn của người “Thủ lĩnh”

Có mặt tại Tp.HCM trước ngày diễn ra “Access day” - một hội nghị thường niên có uy tín nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài đến với Việt Nam do Công ty chứng khoán Bản Việt tổ chức, chúng tôi may mắn hẹn gặp được Bà Vũ Thị Thuận – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Traphaco.
Bà Vũ Thị Thuận – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Traphaco Bà Vũ Thị Thuận – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Traphaco

Sở dĩ tôi muốn gặp Bà, vì những ngày gần đây có rất nhiều nhà đầu tư lo lắng gọi hỏi chúng tôi về thông tin họ nghe được rằng Bà Thuận có thể bị “hất” khỏi vị trí Chủ tịch hội đồng quản trị Traphaco vào Đại hội cổ đông diễn ra cuối tháng 3 này. Vì Bà Thuận được coi là “linh hồn” của Traphaco nhiều năm nay, nên tôi rất nóng lòng muốn gặp Bà với hy vọng có câu trả lời nào đó cho các nhà đầu tư đang hoang mang kia.

Nhưng cả buổi nói chuyện, Bà Thuận lại không chia sẻ gì về thông tin “cuộc chiến nội bộ”. Thấy tôi cứ gặng hỏi, bà chỉ mìm cười rồi nói: “Tôi tin rằng các cổ đông của Traphaco luôn là những nhà đầu tư sáng suốt nhất khi quyết định.”

Bước chuyển mình

Không có sự chuẩn bị, câu chuyện đã diễn ra theo các “lát cắt ngang, dọc” Bà kể cho tôi nghe khi được hỏi về cơ hội đầu tư vào Traphaco, về chặng đường của Traphaco, về sự nghiệp gắn bó cả đời của Bà với Traphaco.

Tính tới nay, Bà Thuận đã làm thuyền trưởng, dẫn dắt và chèo lái con tàu Traphaco được 16 năm trong hành trình 37 năm gắn bó với công ty kể từ lúc bước ra khỏi cổng trường Đại học Dược Hà Nội.

Những cán bộ trong ngành Dược, các nhà đầu tư trên thị trường tài chính khó có thể quên được một “hiện tượng Traphaco” đã phát triển rất nhanh, rất ấn tượng trong những năm qua.

Xuất phát điểm của Traphaco khá thấp: một công ty Nhà nước thuộc Bộ Giao thông Vận tải với 300 nhân viên và vốn điều lệ dưới 10 tỷ đồng khi tiến hành cổ phần hóa năm 1999. Sau 16 năm, Traphaco hiện nay đã là một trong những công ty dược phẩm lớn nhất Việt Nam với 1.600 nhân viên và giá trị vốn hoá thị trường lên đến gần 2.500 tỷ đồng. Cùng với các tên tuổi đình đám khác như Vinamilk, Vietinbank, VNPT,… Traphaco được Bộ Công thương công nhận là thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Kể từ Đại hội đồng cổ đông lần đầu tiên năm 1999, từ vị trí Phó Giám đốc doanh nghiệp nhà nước, Bà Thuận trở thành giám đốc điều hành (CEO) của công ty. Hai nhiệm kỳ liền từ năm 2003-2011, Bà Thuận giữ chức Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm CEO và kiêm Bí thư Đảng bộ. Thời gian này cũng là giai đoạn đánh dấu tầm nhìn cũng như những cột mốc thành công của Bà trong việc dẫn dắt Traphaco phát triển đột phá thành công ty Dược hàng đầu ở Việt Nam.

Có gì đó tương đồng với Bà Mai Kiều Liên của Vinamilk, xuất phát điểm của Bà Thuận cũng bắt đầu từ một người giỏi chuyên môn - cán bộ kỹ thuật, rồi lên đến quản đốc phân xưởng. Khi cổ phần hóa đến như một bước ngoặt của lịch sử kinh tế Việt Nam, Traphaco thành doanh nghiệp đầu tiên của Bộ giao thông vận tải cổ phần hóa và là một trong số ít những doanh nghiệp trên cả nước làm cuộc chuyển mình lịch sử đó. Bà Thuận khi ấy được tín nhiệm bầu làm Giám đốc điều hành doanh nghiệp.

“Lúc đó, nào ai hiểu cổ phần hóa nghĩa là gì. Ai dám tự tin rằng thoát khỏi bầu sữa mẹ là sẽ trưởng thành, sẽ sống tốt. Nếu giả sử không đứng vững được thì hàng trăm nhân viên Traphaco sẽ sống sao. Áp lực rất lớn nhưng lúc đó tôi chỉ có một khát khao: muốn được tự chủ hơn. Tôi nghĩ muốn Traphaco lớn mạnh được, công ty phải có quyền tự quyết. Cứ mỗi quyết định lại đợi chờ, lại họp hành….thì cơ hội sẽ trôi qua. Traphaco phải cổ phần hóa. Tôi đã đi vận động từng con ngườicủa Traphaco ủng hộ cổ phần hóa. May mắn thay, những nỗ lực của tôi đạt được kết quả. ” Bà Thuận nói về một bước ngoặt cực kỳ quan trọng với Traphaco đơn giản như vậy.

Đến những quyết định quan trọng của “thủ lĩnh”

Với sự nhanh nhạy, tính cách quyết đoán và hơn hết là quyết tâm đưa Traphaco phát triển, Bà Thuận đã dẫn dắt công ty vượt qua những năm đầu tiên đầy khó khăn, vất vả. Tới năm 2006 Traphaco cho ra đời nhà máy sản xuất Đông dược đạt tiêu chuẩn GMP – WHO lớn nhất Việt Nam. Năm 2007 Traphaco IPO, năm 2008 niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, năm 2011 công ty đã đứng hàng đầu ngành dược. Những sản phẩm thuốc Đông dược của Traphaco như Cebraton (Hoạt huyết dưỡng não) hay Boganic trở thành thương hiệu thuốc dẫn đầu phân khúc thị trường. Trong vòng 10 năm kể từ khi cổ phần hoá, dưới sự dẫn dắt của Bà Thuận, doanh thu của công ty tăng hơn 20 lần, từ 50 tỷ lên đến trên 1000 tỷ đồng vào năm 2011.

“Ban đầu, chúng tôi sống được chủ yếu bằng việc nhập khẩu và phân phối sản phẩm của nhiều hãng dược trên thế giới. Ngày xưa, không phải doanh nghiệp nào cũng được tự do nhập khẩu. Nhưng tôi biết Traphaco phải đi bằng 2 chân. Tôi đến Hưng Yên xin đất xây dựng Nhà máy sản xuất thuốc đông dược tại Văn Lâm. Lúc đó, Asean đã có chuẩn nhà máy GMP. Tôi nghĩ rằng, tiêu chuẩn của Asean cũng đâu có quá cao, làm được theo chuẩn thì phải làm mới mong thương hiệu tốt được, mới mong đi ra thế giới được. Và nhà máy Hưng Yên được khánh thành năm 2007.” Bà Thuận chia sẻ về 1 trong những cột mốc quan trọng của Traphaco.

Trong lúc công ty đang có đà phát triển mạnh thì Bà Thuận lại đưa ra một quyết định được đánh giá là có đủ “ tâm, tầm” của một nhà lãnh đạo – đặt giá trị lâu dài của công ty lên trên cá nhân. Bà thấy rằng sự trưởng thành của Traphaco theo mô hình tiến bộ của công ty cổ phần cần có sự tách biệt giữa HĐQT và Ban giám đốc điều hành. Bà đã chủ động thôi không kiêm nhiệm Giám đốc điều hành, cắt giảm công tác quản lý và tập trung vào hoạch định chiến lược phát triển.

Ở vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị trong những năm từ 2012, Bà Thuận tiếp tục thể hiện rõ rệt dấu ấn của mình khi công ty vẫn không ngừng phát triển trong bối cảnh môi trường cạnh tranh trong ngành Dược ngày càng tăng cao. Traphaco đã tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất và đặc biệt là phát triển hệ thống phân phối. Hiện tại Traphaco đã là tổng công ty với sáu công ty thành viên. Lên sàn chứng khoán có vốn hóa 80 tỉ đồng tháng 11-2008, nay vốn hóa của công ty gần 2.500 tỉ đồng. Trong năm năm qua Traphaco có tốc độ tăng trưởng bình quân 12%, cao nhất ngành dược và tốc độ tăng trưởng năm 2015 trên 20% với doanh thu trên 1.900 tỉ đồng.

Nhưng không có con đường nào chỉ trải toàn hoa hồng. Bà Thuận chia sẻ trong thời kỳ khát vốn để lớn nhanh, Traphaco phải vay nợ ở mức khá cao. Dù rằng tỷ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ nhiều năm liền cũng rất cao tới 70-80%, nhưng Bà đã nhận ra một nguy cơ lâu dài với Traphaco nếu tiếp tục duy trì tình trạng này. Bà Thuận đã đưa ra 1 quyết định lớn cho Traphaco: Chấp nhận giảm tăng trưởng nóng, dành tiền trả nợ ngân hàng.

“Nếu bạn nhìn thấy báo cáo tài chính năm 2014, 2015 của công ty sẽ thấy, hàng trăm tỷ đồng nợ ngân hàng năm 2011 đã gần như sạch trơn. Dư nợ ngân hàng cuối năm 2015 đâu đó chỉ còn 15 tỷ, không còn đáng kể đối với Traphaco. Hiện Traphaco rất khỏe mạnh về tài chính” Bà Thuận nói.

Tâm huyết tiếp theo

Bà Thuận năm nay 60 tuổi, nhưng người ta thấy Bà trẻ so với tuổi. Phong thái của Bà nhanh nhẹn, tư duy mẫn tiệp, kiến thức phong phú. Bên cạnh chuyên môn thạc sỹ Dược học, Bà Thuận đã học thêm kinh tế, quản trị doanh nghiệp, quản trị con người ngay khi bắt đầu lãnh đạo doanh nghiệp. “Kiến thức giúp tôi làm việc tốt hơn, nắm bắt cơ hội tốt hơn và đặc biệt là ra những quyết định chính xác hơn.” Bà Thuận chia sẻ.

Giống như nhiều lãnh đạo lớn khác, điều làm người khác cảm nhận, được lôi cuốn và hoàn toàn thuyết phục ở Bà Thuận là lòng đam mê nghề nghiệp và khát khao đưa doanh nghiệp tiếp tục đi lên mạnh mẽ.

Vị “thủ lĩnh” của Traphaco không tự hài lòng với những gì hiện có. Những thành công dường như mới chỉ là bắt đầu. Với mục tiêu tiếp tục duy trì tốc độ phát triển doanh thu ở mức trên 10%/năm trong 5 năm tới, Bà Thuận đang hướng tới việc xây dựng một chiến lược phát triển đồng bộ hơn, toàn diện hơn. Chiến lược phát triển của Traphaco không còn là thuộc top hàng đầu mà là dẫn đầu trong ngành Dược Việt Nam.

Bà chia sẻ: “Khi mà các sản phẩm chủ lực dường như đang đi vào chu kỳ bão hoà, Traphaco cần có s chú trọng vào nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, cả Đông dược và Tây dược. Đa dạng hoá sản phẩm, đổi mới công nghệ sản xuất, tối ưu hoá phân phối, và tiếp tục xây dựng uy tín thương hiệu sẽ là những bước đi chiến lược quan trọng đTraphaco duy trì được mục tiêu tăng trưởng trong những năm tiếp theo.

Từng chia sẻ với báo chí, nhà đầu tư về thành công của Traphaco, Bà Thuận 1 lần nữa đặc biệt nhấn mạnh với người viết đến tầm quan trọng của tập thể và văn hoá doanh nghiệp. Bà coi “con người” chính là yếu tố nền tảng cốt lõi cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Khép lại buổi nói chuyện Bà nói: “Lo cho nồi cơm nhà mình khó mộtthôi. Là doanh nhân, lo cho nồi cơm của hàng nghìn con người khác tôimới thấu hiểu rằng mỗi quyết định của tôi sẽ ảnh hưởng đến hàngnghìn gia đình.”

Tạm biệt và cảm ơn Bà, tôi hiểu rằng giá trị thương hiệu Traphaco nằm rất lớn ở tầm nhìn của người kiến tạo, xây dựng và đảm bảo cho nó không ngừng phát triển trong nhiều năm qua – Bà Vũ Thị Thuận. Traphaco sẽ ra sao nếu thiếu đi vị thủ lĩnh tài ba này?

------

Chú thích: GMP – Good Manufacturing Practices là hệ thống “Thực hành tốt sản xuất” giúp đảm bảo rằng sản phẩm được sản xuất 1 cách đồng nhất và kiểm soát theo đúng các tiêu chuẩn khắt khe.

Theo Tri thức trẻ

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục