Traphaco quyết tìm sự đồng thuận từ SCIC

(ĐTCK) Đó là lời khẳng định của Chủ tịch HĐQT CTCP Traphaco (TRA), bà Vũ Thị Thuận, khi đại diện cho ý chí của đa số cổ đông tại ĐHCĐ hôm 28/3 nói về quyết tâm nâng tỷ lệ sở hữu của TRA lên 90% tại CTCP Công nghệ cao Traphaco (CNC).
Traphaco quyết tìm sự đồng thuận từ SCIC

Trước đó, kế hoạch nâng tỷ lệ sở hữu tại CNC đã bị cổ đông lớn nhất của TRA là SCIC (nắm 36,7% vốn) phủ quyết tại cuộc họp ĐHCĐ bất thường lấy ý kiến bằng văn bản ngày 30/12/2013. 

Theo tờ trình cổ đông, việc nâng sở hữu này nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Traphaco và CNC khi cả hai DN khai thác triệt để các lợi thế của nhau.

Tại Đại hội ngày 28/3, ngoài 2 cổ đông lớn nước ngoài là Mekong Capital và Vietnam Holdings, nguyên Giám đốc đầu tiên của Traphaco, bà Nguyễn Thị Tuyết cùng ý chí của hơn 60% cổ đông vẫn thể hiện rõ mong mỏi nâng tỷ lệ sở hữu của TRA tại CNC lên 90%.

“Cùng hàng loạt định hướng nhằm phát triển Traphaco, chúng tôi đặc biệt ủng hộ quan điểm liên quan đến việc mua bán dẫn đến hợp nhất CNC vào Traphaco”, đại diện Quỹ Vietnam Holdings nói.

“Trong lần xin ý kiến cổ đông bằng văn bản mới đây, cổ đông lớn đã không nhất trí thông qua việc nâng sở hữu tại CNC lên, trong khi cổ đông nhỏ hơn lại nhiệt tình ủng hộ. Không rõ lý do vì sao, xin Ban lãnh đạo Công ty giải thích rõ hơn”, bà Tuyết bổ sung.

Giải đáp thắc mắc trên, ngay tại Đại hội, đại diện SCIC cho rằng, SCIC luôn đồng thuận về mặt chủ trương trong quyết định nâng sở hữu của Traphaco tại CNC.

“Với tư cách là cổ đông lớn nhất của Traphaco ngay từ khi mới thành lập, chúng tôi không phải không ủng hộ kế hoạch nâng tỷ lệ sở hữu của Traphaco. Tại ĐHCĐ năm ngoái, chủ trương này cũng đã được chúng tôi cùng các cổ đông khác thống nhất thông qua. Hiện tỷ lệ sở hữu của Traphaco tại CNC đã đạt đến 51%”, đại diện SCIC nhấn mạnh và khẳng định, với việc sở hữu như hiện tại, Traphaco đã định hướng mọi hoạt động kinh doanh CNC.

Tuy nhiên, xét về mặt kinh tế, đại diện SCIC cho rằng, việc phát hành liên tục cổ phiếu nếu không được kiểm soát sẽ chẳng khác nào in giấy ra bán, ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông, đặc biệt là cổ đông Nhà nước. Đây là lần đầu SCIC chính thức phát biểu tại Đại hội về lý do phủ quyết, bởi trước đó, SCIC cũng từng phủ quyết việc tăng vốn điều lệ của Traphaco nhưng không đưa ra lý do trước Đại hội.

“Số tiền để nâng tỷ lệ sở hữu lên 90% tại CNC là rất lớn, chúng tôi xét thấy, giá mua chưa đảm bảo lợi ích cho cổ đông Nhà nước. Chúng tôi đồng thuận mua, nhưng giá mua phải tính lại”, SCIC nói.

Về điều này, theo bà Thuận, khi đi mua phải có sự mặc cả, nhưng có một nghịch lý là, bên mua thì muốn mua rẻ, còn bên bán thì lại muốn bán đắt. Vì thế, “chúng tôi sẽ nỗ lực tìm sự đồng thuận của cổ đông, trong đó có SCIC, trong phương án mua với mức giá dễ thuyết phục hơn”, bà Thuận nói.               

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục