Tránh việc phát triển năng lượng tái tạo ồ ạt, cần đề xuất có cơ chế đấu thấu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đây là ý kiến được Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi đưa ra tại hội thảo “Cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển năng lượng Việt Nam bền vững” do Hiệp hội Năng lượng Việt Nam phối hợp với Bộ Công Thương và các đơn vị tổ chức sáng 17/6.
Tránh việc phát triển năng lượng tái tạo ồ ạt, cần đề xuất có cơ chế đấu thấu

Những thách thức của ngành năng lượng

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) cho rằng, phát triển năng lượng Việt Nam là một quá trình kéo dài nhiều năm khó khăn, phức tạp làm cho các dự án cả điện, than, khí bị chậm tiến độ làm tốn kém kinh phí cho Nhà nước. Để giải quyết được vấn đề này cần có cơ chế chính sách, sự chỉ đạo từ trên xuống, vai trò của các chủ đầu tư, giám sát các công trình năng lượng.

Theo ông Trần Viết Ngãi, có ba yếu tố quyết định của một dự án là vốn, cơ chế chính sách và sự chỉ đạo, lãnh đạo từ trung ương tới địa phương, tới các nhà đầu tư, nhà thầu.

Trong những năm qua, Nhà nước khuyến khích phát triển điện mặt trời, điện gió với giá mua điện rất hấp dẫn (điện mặt trời 9,35 US cent/kWh, điện gió 8,8 US cent/kWh). Với cơ chế này, trong thời gian ngắn, các nhà đầu tư thấy giá cao ồ ạt xây dựng các dự án điện gió, điện mặt trời và mặt trời áp mái, bổ sung thêm công suất cho hệ thống điện Việt Nam khoảng 27%. Tuy nhiên, Chủ tịch VEA cho rằng, cần quan tâm nhiều với các công trình điện gió ngoài khơi, bởi điện gió ngoài khơi công suất tuabin lớn từ 45 - 50MW, lớn hơn nhiều so với điện gió trong bờ (3 - 4MW). Điện gió ngoài khơi khắc phục được tình trạng thiếu điện và tiến tới xoá bỏ được điện phát thải khí nhà kính như nhiện điện than, LNG.

Về những thách thức của ngành năng lượng đang phải đối mặt, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, hiện nay, điện than đối mặt với thiếu vốn đầu tư, sau COP26 nhiều tổ chức tài chính dừng cho vay đối với các dự án điện than, kể cả với nhà đầu tư BOT nước ngoài. Với nhiệt điện khí, hai chuỗi dự án điện khí lớn nhất là Lô B- Ô Môn và Cá Voi Xanh- Quảng Nam, Quảng Ngãi đều bị chậm triển khai do thủ tục phức tạp, nhà đầu tư thượng nguồn kéo dài thời gian đàm phán. Với nguồn điện sử dụng LNG, có 17 dự án, thách thức lớn nhất là giá điện sẽ tăng cao khi nhập khẩu LNG với giá thị trường kéo theo đàm phán PPA.

Với nguồn điện mặt trời, điện mặt trời quy mô lớn chưa có quy định rõ ràng về cơ chế đấu thầu, với điện mặt trời mái nhà không có cơ chế khuyến khích. Cả hai nguồn điện mặt trời đều không quy hoạch phát triển trong 10 năm tới. Trong khi đó, với nguồn điện gió, cơ chế sau FIT chưa được ban hành, chưa có quy định rõ ràng với điện gió ngoài khơi, nhất là chưa hoàn thành quy hoạch không gian biển quốc gia.

Hiệp hội năng lượng cho rằng, nguy cơ tiếp tục không đảm bảo được tiến độ các nguồn nhiệt điện khá cao, cần nhiều giải pháp hỗ trợ đột phá và phát triển điện mặt trời, điện gió để thay thế. Hiệp hội đề xuất cần có cơ chế, quy định rõ ràng, có khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, phát triển lưới điện để tích hợp truyền tải, có cơ chế dịch vụ thị trường hợp lý để xây dựng các nguồn lưu trữ, tăng hiệu quả năng lượng tái tạo và các nguồn truyền thống.

Cụ thể, với các nguồn điện mặt trời, hàng năm tiếp tục điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, cho phép điện mặt trời phát triển liên tục không đứt gãy thời gian dài. Sớm ban hành cơ chế đấu thầu điện mặt trời quy mô lớn, khuyến khích giá đối với các dự án ở miền Bắc. Cần có cơ chế khuyến khích điện mặt trời mái nhà với quy mô nhỏ, phân tán, tự dùng một phần và chỉ phát lên lưới trung áp. Cần thiết ban hành cơ chế dịch vụ phụ trợ, tham gia thị trường điện của các nguồn thuỷ điện tích năng và pin lưu trữ.

Với các nguồn điện gió, tháo gỡ tồn tại để đưa vào vận hành các dự án điện gió không kịp COD do yếu tố bất khả kháng như Covid-19. Sớm ban hành cơ chế đấu thầu, có chính sách liên tục và dài hạn, dự đoán được để huy động các nguồn vốn tư nhân. Chú trọng các quy định rõ ràng, chặt chẽ để xúc tiến các dự án điện gió ngoài khơi. Khuyến khích, ưu tiên hơn các dự án khu vực miền Bắc.

Còn riêng đối với dự án điện than, vốn đầu tư là quan trọng hàng đầu. VEA kiến nghị, các cơ quan quản lý cần hỗ trợ các chủ đầu tư điện than tìm kiếm, huy động các nguồn tài chính, đồng thời các chủ đầu tư cũng cần vận dụng đa dạng hình thức huy động vốn.

Với các dự án điện khí, cần quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc, hỗ trợ đưa chuỗi khí điện Lô B-Ô Môn vào xây dựng, đồng bộ từ thượng đến hạ nguồn. Với chuỗi khí điện Cá Voi Xanh, cần nỗ lực xúc tiến đàm phán chia sẻ rủi ro với liên danh nhà khai thác ExxonMobil&PVN, sớm đưa dòng khí vào bờ trước năm 2030. Với LNG, bên cạnh các thị trường cũ như Quatar, Úc, cần xem xét thị trường Nga sau xung đột.

EVN cho biết, bình quân mỗi năm cần đầu tư 3,45 tỷ USD/năm cho hoạt động đầu tư giai đoạn 2021-2030.

EVN cho biết, bình quân mỗi năm cần đầu tư 3,45 tỷ USD/năm cho hoạt động đầu tư giai đoạn 2021-2030.

Tránh phát triển ồ ạt

Ông Nguyễn Văn Vy, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nhấn mạnh, phát triển năng lượng tái tạo là chìa khoá chuyển đổi năng lượng và thực hiện mục tiêu trung hoà khí nhà kính vào năm 2050.

“Tránh việc phát triển năng lượng tái tạo ồ ạt, cần đề xuất có cơ chế đấu thấu để chọn nhà thầu tốt có chất lượng đảm bảo tiến độ”, Chủ tịch VEA Trần Viết Ngãi ý kiến.

Đại diện Tập đoàn EVN cho biết, hiện nay các dự án trong Quy hoạch điện VII chưa hoàn thành chuyển sang Quy hoạch điện VIII bị chậm tiến độ là các dự án ngoài EVN.

Về vấn đề vốn, để đảm bảo đầu tư các dự án điện trong Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tổng nhu cầu vốn đầu tư cả giai đoạn 2011 - 2020 của EVN là 1.22.045 tỷ đồng (bình quân 5 tỷ USD/năm). Tập đoàn đảm bảo thu xếp bố trí nguồn vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư theo kế hoạch 5 năm, tuy nhiên việc huy động vốn để đầu tư của EVN cũng gặp khó khăn nhất định.

Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII mới nhất với phương án phát triển điện lực theo phương án điều hành chuyển đổi năng lượng, tổng vốn đầu tư phát triển điện lực giai đoạn 2021 - 2030 là khoảng 165,7 tỷ USD, trong đó cho nguồn điện là 131,2 tỷ USD, cho lưới điện khoảng 34,5 tỷ USD. Như vậy, bình quân mỗi năm cần đầu tư 3,45 tỷ USD/năm. Trong khi đó, thực tế triển khai trong giai đoạn 2011 - 2020, hàng năm EVN, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) thu xếp chỉ khoảng gần 1 tỷ USD/năm cho đầu tư lưới truyền tải. Như vậy, rất cần có các cơ chế cụ thể và rõ ràng hơn về xã hội hoá đầu tư, khuyến khích các thành tư nhân tham gia đầu tư lưới điện truyền tải.

EVN cũng kiến nghị để đảm bảo tính khả thi các cấp có thẩm quyền sớm hoàn thiện và ban hành các nghị định, thông tư và hướng dẫn đối với Luật số 03/2022/QH15; nghiên cứu xây dựng và ban hành luật về năng lượng tái tạo, hoàn thiện xây dựng thị trường điện cạnh tranh, xây dựng các cơ chế mới trong đầu tư phát triển điện lực, xây dựng các cơ chế để thu hút đầu tư, huy động vốn và xây dựng các cơ chế đảm bảo vận hành hệ thống điện và thị trường điện trong hệ thống tích hợp cao nguồn năng lượng tái tạo biến đổi.

Hải Yến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục