Tránh “rơi vãi” từ miếng bánh ngân sách

(ĐTCK) Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã làm “phá sản” hàng loạt kế hoạch phát triển kinh tế của các quốc gia, các DN trên thế giới. Việt Nam mặc dù không nằm trong “tâm xoáy”, nhưng những tác động xấu của nó cũng đã khiến cho nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN) bị hao hụt đáng kể. Trong khi đó, mức bội chi NSNN đang ở mức khá cao, dự báo kinh tế đất nước sẽ phải đối mặt với bài toán khó về mất cân đối trong thu - chi không chỉ trong năm nay…
Chi cho xây dựng cơ bản chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu và có tác động nhiều đến cân đối NSNN. Chi cho xây dựng cơ bản chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu và có tác động nhiều đến cân đối NSNN.

Cơ cấu lại khoản chi

Có thể nói, kể từ khi mở cửa, đây là giai đoạn nền kinh tế đất nước gặp khó khăn nhất, với hàng loạt hệ luỵ từ cuộc khủng hoảng. Căn nguyên của tình trạng mất cân đối thu - chi là nguồn thu giảm mạnh. Đồng thời, áp lực tăng chi khá cao để đảm bảo an sinh xã hội, cũng như thực hiện các chương trình kích cầu kinh tế... 

Dẫn chứng cho thực tế giảm thu, TS. Nguyễn Thị Hải Hà, Viện Khoa học tài chính, Bộ Tài chính, cho biết, tổng hợp tác động giảm thu của cả thu nội địa, thu xuất nhập khẩu và thu dầu thô, thì thu NSNN năm 2009 giảm trên 53.314 tỷ đồng so với dự toán. Số này cộng với dự toán mức bội chi NSNN năm nay là 87.300 tỷ đồng (4,82% GDP), thì ngay cả không điều chỉnh tăng chi trong cân đối hỗ trợ nền kinh tế, mức bội chi đã lên đến hơn 7,76% GDP.

Khi khoảng cách thu - chi bị nới rộng, để đảm bảo sự “an toàn”, một điều hiển nhiên là phải kéo chi lại gần thu và giữ ở khoảng cách hợp lý. Muốn làm được điều này trước hết cần phải rà soát danh mục chi để giảm chi tiêu. TS. Vũ Đình Ánh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả, cho rằng, đây là lúc tính toán tỉ mỉ để nhìn nhận rõ hiệu quả, cơ cấu lại các khoản chi. Theo ông Ánh, thực tế hiện nay, chi cho xây dựng cơ bản chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu và có tác động nhiều đến cân đối NSNN. Mặt khác, thông qua các chương trình kích cầu, một lượng vốn khá lớn cũng sẽ rót thêm vào lĩnh vực này.

Trong khi đó, vấn đề thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản được coi là chuyện “biết rồi, nói mãi” nhưng vẫn không cũ, khi gánh nặng đang đè trên vai NSNN thì vấn đề này càng trở nên nóng bỏng. Nếu vốn đầu tư vào xây dựng cơ bản được giám sát có hiệu quả thì sẽ là một lời giải tích cực cho bài toán giảm chi NSNN. Do đó, cơ quan quản lý nên tập trung triển khai các giải pháp quyết liệt để hạn chế tình trạng “rơi vãi” trong chi đầu tư xây dựng cơ bản. Muốn làm được điều đó, bà Hà cho rằng: “Cần phải rà soát, cắt giảm các khoản đầu tư, nhất là đối với các công trình, dự án chưa đủ thủ tục, chưa thực sự cần thiết, hiệu quả không đảm bảo... Đồng thời, với các dự án đang và sẽ thực hiện, cần có sự giám sát chặt chẽ hơn”.

Đồng tình với quan điểm trên, TS. Đặng Văn Thanh, nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội, nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải minh bạch mọi khoản vốn, công khai phạm vi hỗ trợ, nhằm hạn chế tình trạng thất thoát, lãng phí khiến lạm chi NSNN..., làm sao để cho người dân có thể kiểm tra, giám sát và biết được chất lượng, hiệu quả, tiến độ của đồng vốn Nhà nước đầu tư”.

Tìm các nguồn thu mới

Theo Tổng cục Thuế, việc rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp hoạt động sản xuất - kinh doanh phát triển ổn định, vững chắc là cái gốc để nuôi dưỡng nguồn thu. Trong các giải pháp được cơ quan này đề nghị có việc tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, xây dựng, TTCK, thị trường kinh doanh bất động sản...; đẩy mạnh các biện pháp chống buôn lậu và gian lận thương mại gắn với trốn thuế, lậu thuế; tiếp tục thực hiện điều chỉnh giá theo lộ trình đối với các loại hàng hoá và dịch vụ nhà nước còn định giá theo hướng phù hợp với nguyên tắc giá thị trường, đồng thời đẩy mạnh công tác thanh tra, điều tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi chuyển giá, trốn thuế, gian lận thuế, đặc biệt là hành vi tội phạm buôn bán và sử dụng hoá đơn bất hợp pháp để chiếm đoạt tiền thuế; tổ chức thực hiện quyết liệt các biện pháp cưỡng chế để thu hồi đầy đủ kịp thời số thuế nợ đọng có khả năng thu vào ngân sách nhà nước.

Cùng quan điểm trên, Tổng cục Hải quan kiến nghị, đối với các mặt hàng trong nước đã sản xuất được cần tăng thuế suất thuế nhập khẩu để hỗ trợ hợp lý sản xuất trong nước, đồng thời tăng thu cho ngân sách. Để khuyến khích các DN trả nợ thuế cho NSNN, đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ miễn phạt chậm nộp cho các tờ khai mà DN đã nộp hết nợ thuế trong năm 2009. Đối với các DN khó khăn về tài chính còn nợ thuế do thiếu vốn, hàng tồn kho không bán được, thì cho phép đăng ký kế hoạch trả nợ theo từng tháng (phải thực hiện đúng cam kết nếu không sẽ bị cưỡng chế)...

TS. Quách Đức Pháp, Viện trưởng Viện Khoa học Tài chính cho rằng, cùng với việc triển khai chính sách miễn giảm thuế cho DN, cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát để chống thất thu, nợ đọng thuế. Đồng thời, hiện nay, mặt bằng giá thế giới còn khá thấp so với năm 2008, nên chúng ta có thể nghiên cứu áp dụng một số chính sách thuế nhập khẩu nhằm tạo nguồn thu cho ngân sách... Đây là những cơ sở hợp lý để tăng thêm nguồn thu, giảm gánh nặng cho NSNN trong giai đoạn khó khăn.       

Đỗ Hải
Đỗ Hải

Tin cùng chuyên mục