Hầu hết nhà đầu tư đều biết rõ kịch bản của một con sóng. Nếu chúng ta hỏi những nhà đầu tư đang đặt mua giá trần ở thời điểm này thì sẽ biết được ý định chính của họ là để "bán đi trong một tương lai không xa". Đó có lẽ cũng chính là thời điểm kết thúc của một con sóng. Có một thực tế không mấy vui là dẫu các bài phân tích hay nhận định có tốt đẹp thế nào về kinh tế vĩ mô, về TTCK thì nhiều người vẫn coi TTCK Việt Nam hiện nay là một con sóng, rất ít người dùng từ khác.
Tất nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, TTCK ở bất cứ một quốc gia hay lãnh thổ nào cũng đều là "một tập hợp của những con sóng liên tiếp nhau". Nhưng tại thời điểm nhạy cảm như hiện nay, con sóng VN-Index dâng càng cao, trông càng hấp dẫn thì lại càng làm người ta liên tưởng nhiều tới sóng thần!
Hiện khối lượng dư mua giá trần vẫn rất lớn, nhưng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài những phiên gần đây sụt giảm, trong đó giảm mua, tăng bán. Trong phiên cuối tuần trước và hai phiên đầu tuần này, trên sàn TP. HCM, họ bán ròng 115,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, sự sôi động trở lại của thị trường vàng cũng khiến không ít nhà đầu tư quan tâm, hệ quả của những bất ổn về chính trị ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế thế giới, đặc biệt là giá dầu…
Thực tế, dòng tiền trong nước vẫn chạy "lung tung", lúc thì vàng, bất động sản, rồi gửi ngân hàng, khi thì chứng khoán, đôi lúc đầu cơ lúa gạo, xăng dầu… Điều này đặt Chính phủ và các thành phần của nền kinh tế trong trạng thái "chống đỡ", nhằm đưa dòng tiền đầu tư đúng hướng, thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Chúng ta - những nhà đầu tư đang đón nhận những tin tốt có phải với tâm trạng lạc quan, phấn khởi hay trong trạng thái dè chừng, khi TTCK đã trải qua không ít đợt bull-trap (tăng giá giả tạo) nên chỉ cần một dấu hiệu tiêu cực nhỏ cũng có thể dẫn tới một cuộc tháo chạy? Khi hầu hết TTCK thế giới đang đỏ lửa, nếu TTCK Việt Nam một mình tăng điểm bằng nội lực thì chúng ta có thể tự hiểu với nhau là nội lực đó có một phần của tâm lý đầu cơ! Tình trạng găm hàng chờ xả luôn luôn là trái bom nổ chậm cho bất kỳ một TTCK nào.
Do đó, TTCK sẽ có những phiên điều chỉnh. Nhưng hy vọng rằng, TTCK Việt Nam sẽ không xảy ra tình trạng lúc cao thì không ai bằng, còn lúc thấp thì cũng chẳng TTCK nào địch nổi! Vì vậy, hơn lúc nào hết, nội lực đang dẫn dắt thị trường hiện nay rất cần một sự nâng đỡ tích cực từ phía Chính phủ bằng các giải pháp vĩ mô. Sự nâng đỡ này không phải để con sóng đó dâng cao hơn, mà chỉ đơn giản là bớt "chông chênh" hơn, để không bao giờ ập xuống nền kinh tế!