Tranh chấp dự án tại Lạng Sơn: Bố kiện con và bản thanh lý hợp đồng uẩn khúc

Vụ án tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) kho bãi tại Lạng Sơn đang gây tranh cãi bởi một số tình tiết xung quanh vụ việc này.     
Hạng mục bãi xe và giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu do ông Trần Minh Công đầu tư.

“Cành đậu” đun “hạt đậu”

Tòa án Nhân dân huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn vừa kết thúc xét xử sơ thẩm vụ án tranh chấp BCC Dự án “Kho bãi xếp dỡ hàng hóa xuất nhập khẩu cửa khẩu Chi Ma” (huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) giữa nguyên đơn Trần Minh Công, nguyên Phó giám đốc Công ty TNHH Tuấn Minh và bị đơn là Trần Minh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Tuấn Minh.

Theo đơn khởi kiện của nguyên đơn Trần Minh Công, năm 2008, ông Công, ông Trần Minh Tuấn và Công ty TNHH Quang Minh thỏa thuận hợp tác kinh doanh lập dự án đầu tư: “Kho bãi, xếp dỡ hàng hóa cửa khẩu Chi Ma, huyện Lộc Bình, Tỉnh Lạng Sơn”. Dự án đã được UBND tỉnh Lạng Sơn công nhận và cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 14121000125 (cấp ngày 26/11/2008) cho 3 nhà đầu tư  như sau: Công ty Tuấn Minh góp: 6,8 tỷ đồng (chiếm 40% vốn), Công ty TNHH Quang Minh góp 5,1 tỷ đồng (chiếm 30% vốn) và ông Trần Minh Công góp 5,1 tỷ đồng (chiếm 30% vốn).

Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Dự án đã thực hiện thủ tục xin thuê đất và được UBND tỉnh Lạng Sơn cấp  Giấy chứng nhận quyền sử đụng đất (số AO193818, cấp ngày 11/9/2009) tại Khu cửa khẩu Chi Ma, xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn, tổng diện tích sử dụng của Dự án là 21.826 m2.

Ngày 25/10/2009, Công ty TNHH Quang Minh rút vốn đầu tư và thỏa thuận nhường quyền đầu tư cho 2 nhà đầu tư còn lại. Biên bản chuyển nhượng vốn góp số 01/TM&QM&C là căn cứ đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư Lạng Sơn điều chỉnh thông tin nhà đầu tư sau chuyển nhượng.

Cùng ngày 25/9/2009, ông Trần Minh Công và Công ty Tuấn Minh có ký Hợp đồng BCC số 02/TM&C thỏa thuận: Công ty Tuấn Minh góp 10 tỷ đồng (tương đương 60% giá trị dự án), là chủ dự án và triển khai dự án đầu tư và quản lý khai thác các hạng mục kho, nhà dịch vụ, ki - ốt và các dịch vụ xuất nhập khẩu (XNK) trong kho bãi; ông Trần Minh Công góp 7 tỷ đồng (tương đương 40% giá trị Dự án), đầu tư hạng mục bãi xe xếp dỡ và giám sát  hàng hóa XNK, nhà có mái che  xếp dỡ hàng hóa, bãi sân, bãi kiểm hoá.

Để thực hiện Dự án, nhà đầu tư lập hồ sơ xin Giấy phép xây dựng và được Ban quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn cấp Giấy phép xây dựng số 07/GPXD, ngày 12/1/2010.

Sau đó, Công ty Tuấn Minh đầu tư các hạng mục nhà trưng bày, giới thiệu sản phẩm dịch vụ thương mại, dịch vụ ăn uống, giải khát, văn phòng Công ty, với tổng diện tích 2.440 m2; ông Trần Minh Công đầu tư các hạng mục bãi đỗ xe, bãi hàng hóa, nhà kiểm hóa và xếp dỡ hàng hóa với tổng diện tích 17.000 m2.

Ngày 30/7/2010 chủ đầu tư được cấp Giấy chứng nhận đầu tư thay đổi lần 01 ghi nhận 2 nhà đầu tư Dự án “Kho bãi, xếp dỡ hàng hóa cửa khẩu Chi Ma, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn” là ông Trần Minh Công (góp 7 tỷ đồng, chiếm 40% vốn), Công ty Tuấn Minh (góp 10 tỷ đồng, chiếm 60% vốn). Cần phải lưu ý rằng, sau khi có giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần 01, do vẫn thực hiện dự án tại địa chỉ đã đăng ký và Công ty Tuấn Minh vẫn là chủ thể quản lý dự án, nên nhà đầu tư không thay đổi Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất số AO193818 được UBND tỉnh Lạng Sơn cấp ngày 11/9/2009.

“Do Tuấn là con trai, nên tôi đã để phía Công ty Tuấn Minh tiến hành quản lý thu phí hộ bãi xe. Sau đó, do có mâu thuẫn, không trả quyền lợi cho tôi và đến đầu năm 2014, Tuấn cho nhân viên khiêng tôi khỏi văn phòng thu phí xe và chiếm đoạt từ đó đến nay không trả chi phí khai thác cho tôi”, ông Công cho biết.

Ông Công đã làm đơn khởi kiện ra tòa, yêu cầu ông Tuấn và Công ty Tuấn Minh tiếp tục thực hiện Hợp đồng Hợp tác số 02/TM&C, ngày 25/9/2009, yêu cầu Công ty Tuấn Minh phải trả lại lợi nhuận khai thác từ năm 2011 đến nay là hơn 4,297 tỷ đồng.

Bản thanh lý hợp đồng có giá trị pháp lý?

Trong quá trình tham gia giải quyết tại Tòa án, Công ty Tuấn Minh có cung cấp “Biên bản thanh lý hợp đồng đối với hợp đồng Hợp tác số 02/TM&C (ngày 30/8/2010)”.  Nội dung như sau: Do có khó khăn về về tài chính, ông Trần Công Minh chuyển giao lại toàn bộ phần đầu tư hạng mục: Bãi xe xếp dỡ và giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu, nhà có mái che xếp dỡ hàng hóa, sân bãi cho Công ty Tuấn Minh tiếp tục thực hiện Dự án.

Tại Tòa và trong đơn kháng cáo, đơn kêu cứu gửi các cơ quan báo chí, ông Công khẳng định: “Tôi và Công ty Tuấn Minh chưa bao giờ ký kết văn bản này. Công ty Tuấn Minh tự in nội dung trên giấy trắng do tôi ký lưu không tại văn phòng trước đó. Việc ký kết biên bản thanh lý này là không đúng”.

Theo ông Công, sau ngày 30/8/2010, ông vẫn tiến hành nhiều hoạt động đầu tư và nhân danh chủ đầu tư với chức danh Phó giám đốc Công ty Tuấn Minh thực hiện vai trò chủ thể thực hiện dự án đầu tư để đưa bãi xe vào hoạt động chính thức, đúng quy định và kinh doanh tấp nập như hiện nay.

“Biên bản thanh lý này được lập không phù hợp với quy định của pháp luật, không tiến hành đăng ký thay đổi Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định. Trước năm 2013 các nhà đầu tư vẫn tiến hành đầu tư và quản lý bình thường. Tôi đầu tư bãi xe, Công ty Tuấn Minh đầu tư kho, nhà văn phòng ki-ốt… Khi Công ty không trả lợi tức cho tôi, khiêng tôi ra khỏi phòng vé của tôi để chiếm đoạt, từ  đó  mới phát sinh tranh chấp”, ông Công cho biết.

Tại phiên sơ thẩm, Hội đồng Xét xử đã bác yêu cầu của ông Công và thừa nhận tính pháp lý của Biên bản thanh lý hợp đồng đối với Hợp đồng hợp tác số 02/TM&C, việc ông Công yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng là không có cơ sở. Tòa án cũng bác yêu cầu đòi trả lợi nhuận đã khai thác bãi xe từ năm 2011 đến đến nay của ông Công.

Kháng án yêu cầu làm rõ những điểm khuất tất

Ngày 28/9/2016, ông Công đã làm đơn kháng cáo bản án sơ thẩm, bởi theo ông Công, phiên tòa sơ thẩm chưa nhận định đầy đủ các quy định pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp giai đoạn trước năm 2013, chưa nhận định khách quan tính chất pháp lý của các tài liệu, chứng cứ, bỏ qua những kết quả xác minh thông tin và văn bản trả lời của các cơ quan chuyên môn có liên quan.

Ông Công cho rằng, nếu thừa nhận Bản thanh lý hợp đồng, thì Tòa án đã làm trái với điểm 1, Điều 51, Luật Đầu tư 2005 về nghĩa vụ đăng ký đầu tư khi có thay đổi về chủ sở hữu, vốn.

Về vụ án này, ngày 10/11/2015, Công an huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn đã có văn bản số 632CV/CALV khẳng định: “Hiện hồ sơ Giấy chứng nhận đầu tư số 1412000125 do UBND tỉnh Lạng Sơn cấp ngày 30/7/2010 vẫn còn nguyên hiệu lực giá trị pháp lý. Biên bản thanh lý hợp đồng ngày 30/8/2010 do Công ty Tuấn Minh cung cấp không có hiệu lực pháp lý, bởi vì, theo Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiến và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư quy định Hợp đồng Hợp tác kinh doanh có hiệu lực kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Như vậy, việc thanh lý chấm dứt hợp đồng phải được cấp có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đầu tư tỉnh Lạng Sơn xem xét ra quyết định chấm dứt đầu tư theo quy định tại Điều 68 Nghị định số 108/2006/NĐ - CP hoặc có điều chỉnh dự án đầu tư liên quan đến mục tiêu, quy mô, địa điểm, hình thức, vốn và thời hạn thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Điều 51 và 52 Nghị định số 108/2006/NĐ-CP”.

Thế nhưng, theo ông Công, không hiểu vì sao, Tòa án Nhân dân huyện Lộc Bình không xem xét, tham khảo những tài liệu trên trong quá trình xét xử vụ án này.

Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn sẽ phản ánh vụ việc khi có diễn biến mới.

Hữu Tuấn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục