Tranh chấp đền bù đất tại Tập đoàn Sao Mai

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo quy định, trường hợp đất không thuộc diện thu hồi theo quyết định của Nhà nước thì doanh nghiệp có quyền thỏa thuận giá đất với người dân. Tưởng chừng đây là câu chuyện “thuận mua, vừa bán” thì tranh chấp vẫn xảy ra.

Công ty cổ phần Tập đoàn Sao Mai (mã ASM) là chủ đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Sao Mai (tỉnh An Giang).

Năm 2017, Bộ Công thương có quyết định số 2775/QÐ-BCT ngày 24/7/2017 về việc bổ sung quy hoạch lưới điện đầu nối Nhà máy điện mặt trời Sao Mai vào hệ thống điện quốc gia.

Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh An Giang.

Tháng 11/2017, UBND tỉnh An Giang chấp thuận cho ASM đầu tư dự án với tổng vốn đầu tư 4.704 tỷ đồng. Ngày 1/4/2019, UBND Tỉnh có quyết định số 674 về việc cho ASM thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

ASM khởi công dự án tại xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, An Giang. Ðể tạo lập quỹ đất, ASM có công văn và ngày 5/6/2019, UBND huyện Tịnh Biên cho biết, Công ty thực hiện theo cơ chế tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án.

ASM đã thỏa thuận với các hộ dân về việc đền bù đất với giá 55 triệu đồng/1.000 m2. Năm 2019, ASM được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tổng diện tích 1.373.786 m2 tại xã An Hảo, huyện Tịnh Biên.

Mặc dù các hộ dân đã giao đất và nhận đủ tiền, nhưng sau đó vẫn khởi kiện ra tòa án, tố ASM “lật kèo”. Theo các hộ dân, khi mua đất, nhân viên Công ty đã hứa khi giá đất tăng thì sẽ tăng giá mua cho các hộ dân.

Các hộ dân yêu cầu ASM phải mua đất với giá mới là 150 triệu đồng/1.000 m2, gấp 3 lần so với giá ban đầu. Trường hợp ASM không đồng ý thì yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng. Tuy nhiên, tòa án không chấp nhận. Vụ việc tiếp tục được đưa lên giải quyết theo trình tự phúc thẩm.

Ðầu tháng 7/2020, Tòa án nhân dân tỉnh An Giang giải quyết đơn kháng cáo của 15 hộ dân.

ASM cho rằng, để thực hiện dự án, Công ty đã liên hệ với chính quyền xã họp dân, thỏa thuận chuyển nhượng đất và thống nhất mức giá là 55 triệu đồng.

Khi nhận chuyển nhượng đất, Công ty đã lập các thủ tục chuyển nhượng với các diện tích đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và bồi hoàn với các diện tích đất chưa được cấp.

Việc chuyển nhượng, bồi hoàn do ông Lê Văn Thành, Phó tổng giám đốc ASM đại diện Công ty đứng ra ký kết.

Khi có một số hộ dân khiếu nại về giá đất, ASM đã hỗ trợ thêm 25 triệu đồng/1.000 m2. Công ty không chấp nhận bồi thường mức giá 150 triệu đồng/1.000 m2.

Một số hộ dân cho rằng, ASM nên mua đất đồng giá, “mua nhiều giá khác nhau là không đúng, tạo bức xúc cho người dân”.

Tòa phúc thẩm xác định các bên chuyển nhượng đất là tự nguyên, không bị ép buộc. Các hộ dân đã nhận đủ tiền và bàn giao đất, nhưng khi nghe lời đồn là ASM mua đất lân cận giá từ 150-300 triệu đồng/1.000 m2 nên yêu cầu thêm là không có căn cứ. Từ đó, tòa án không chấp nhận đơn khởi kiện.

Luật sư Chu Văn Hành cho rằng, theo Luật Ðất đai, khi được Nhà nước giao đất, doanh nghiệp tự thỏa thuận với người bị mất đất. Hai bên phải làm biên bản giá đền bù làm căn cứ để tránh việc doanh nghiệp “lật kèo”.

Doanh nghiệp đền bù đất theo đúng giá, giao tiền cho Nhà nước. Nhà nước áp giá đất của UBND tỉnh để đền bù, bồi thường cho người dân.

Hà Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục