Tranh chấp cổ đông sẽ còn tăng nhiệt

(ĐTCK) Tranh chấp cổ đông tại Việt Nam thường có 3 loại chính: tranh chấp liên quan đến quyền quản lý công ty, hạn chế chuyển nhượng cổ phần và quyền thoái vốn. 
Tranh chấp cổ đông sẽ còn tăng nhiệt

Tại buổi tọa đàm “Thoái vốn nhà nước trong các doanh nghiệp, các vấn đề cổ đông, tranh chấp cổ đông” do Câu lạc bộ Luật sư thương mại quốc tế Việt Nam (VBLC) tổ chức, luật sư Trương Nhật Quang, người điều hành YKVN cho biết, những tranh chấp này đang có chiều hướng gia tăng.

Chẳng hạn, với tranh chấp liên quan đến quyền quản lý công ty, ngày càng xuất hiện nhiều hơn những tranh cãi “nảy lửa” tại đại hội đồng cổ đông của các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, đặc biệt là tại các ngân hàng thương mại cổ phần. Hoặc tranh chấp quyền thoái vốn thường xảy ra tại các doanh nghiệp có cổ đông là các nhà đầu tư tài chính.

Trên thực tế, các tranh chấp cổ đông cũng diễn ra tại các doanh nghiệp mà Tổng công ty Kinh doanh và đầu tư vốn nhà nước (SCIC) đang sở hữu cổ phần. Ông Lê Song Lai, Phó tổng giám đốc SCIC chia sẻ, phần lớn là trường hợp cổ đông lớn nhất (chi phối) có mâu thuẫn với cổ đông khác về vấn đề nhân sự (ai giữ chức danh CEO, các vị trí trong HĐQT…).

Có những trường hợp, tại đại hội đồng cổ đông, chi bộ địa phương đòi quyền đề cử người tham gia HĐQT, thay vì là cổ đông như thường lệ. Các tranh chấp hay gặp khác là vấn đề chia cổ tức, thông qua phương án nhượng bán tài sản hay phát hành… Đây là lý do có những đại hội đồng cổ đông diễn ra thâu đêm suốt sáng vẫn chưa ngã ngũ.

Ông Lai dự báo, mùa đại hội đồng cổ đông năm tới có thể sẽ xuất hiện nhiều diễn biến “nóng bỏng mới”, nhất là việc phải tuân thủ số lượng ứng viên HĐQT độc lập.

Một trường hợp tranh chấp cổ đông đáng quan tâm khác là trước đây, theo Luật Doanh nghiệp 2005, việc bầu thành viên HĐQT và ban kiểm soát là theo phương thức dồn phiếu, cổ đông/nhóm cổ đông nắm giữ 10% vốn doanh nghiệp liên tục trong 6 tháng sẽ được quyền đề cử thành viên HĐQT, ban kiểm soát.

Điều này giúp bảo vệ lợi ích của cổ đông nhỏ, bởi nếu không đủ phiếu bầu, họ có thể liên kết với nhau để thực hiện quyền của mình trong việc bầu cử. Bên cạnh đó, trước đây, theo quy định Thông tư 121/2012/TT-BTC về quản trị công ty (hiện nay áp dụng theo Nghị định 71/2017/NĐ-CP) chỉ rõ, công ty đại chúng phải quy định và hướng dẫn cụ thể cho cổ đông việc bầu dồn phiếu. Theo Luật sư Trần Phương Bắc, Luật sư Trưởng, Giám đốc Tuân thủ, Masan Group, điều này đồng nghĩa với việc chỉ có một hình thức bầu dồn phiếu áp dụng cho các công ty đại chúng và công ty cổ phần (CTCP).

Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp 2014 được áp dụng từ 1/7/2015, có nội dung: “Trường hợp Điều lệ công ty không quy định khác, việc biểu quyết bầu thành viên HĐQT và Ban kiểm soát phải thực hiện theo phương thức bầu dồn phiếu”. Nghĩa là cho phép CTCP nếu thông qua điều lệ thì có thể bầu theo bất kỳ hình thức nào. Như vậy, giả định cổ đông lớn thông qua tờ trình chỉ chọn thành viên HĐQT là đại diện cổ đông lớn thì cổ đông nhỏ, thiểu số sẽ không có “chỗ chơi”.

Ông Bắc lấy trường hợp thực tế, công ty A trở thành cổ đông lớn của CTCP C khi nắm 1/3 vốn từ năm 2014. Tới Đại hội đồng cổ đông Công ty C năm 2015, Công ty A vẫn chưa đủ điều kiện để bầu thành viên HĐQT do chưa nắm cổ phần đủ 6 tháng liên tục. Đến năm 2016, sau thời hạn trên 6 tháng và trùng thời điểm Công ty C bầu lại toàn bộ thành viên HĐQT.

Nếu bầu dồn phiếu, cổ đông A “chắc mẩm” sẽ được đề cử và trúng cử vài thành viên HĐQT. Tuy nhiên, tháng 6/2016, công ty C họp Đại hội đồng cổ đông thường niên, trong đó có nội dung sửa đổi điều lệ (ban hành năm 2009 - theo luật Doanh nghiệp 2005 nên có nhiều điểm chưa phù hợp với Luật Doanh nghiệp 2014) và nội dung khác là bầu lại toàn bộ thành viên HĐQT.

Tại Đại hội, nội dung sửa điều lệ được biểu quyết với tỷ lệ 68%, Chủ tọa công bố thông qua, căn cứ rằng Luật Doanh nghiệp quy định 2 ngưỡng thông qua là 51% và 65% . Trong khi đó, điều lệ năm 2009 của công ty nói rằng, việc sửa đổi điều lệ phải được thông qua với tỷ lệ 75%.

Đương nhiên, có những cổ đông không đồng ý và chất vấn. Chủ tọa cho rằng, căn cứ điều lệ cũ, trong trường hợp có những quy định pháp luật liên quan đến hoạt động của công ty mà chưa được đề cập trong bản điều lệ này, hoặc quy định mới của pháp luật khác với các điều khoản trong điều lệ thì những quy định của pháp luật đó đương nhiên được áp dụng là điều lệ hoạt động của công ty. Và như vậy, điều lệ cũ quy định tỷ lệ 75% không phù hợp với Luật Doanh nghiệp hiện nay nên áp dụng theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Sau khi thông qua sửa đổi điều lệ, Công ty C tiến hành bầu thành viên HĐQT và áp dụng luôn điều lệ mới là không bầu theo phương thức dồn phiếu. Cổ đông A đã phải đưa vấn đề này ra tòa án đề nghị hủy nghị quyết Đại hội đồng cổ đông liên quan đến sửa đổi điều lệ. Kết quả, tòa án chấp nhận yêu cầu của công ty A.

Nhã An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục