Trong phần thẩm vấn và tranh luận trước đó, HĐXX đã làm rõ về việc mua bảo hiểm cho chiếc xe Camry của ông Đặng Công Hiền cũng như thiệt hại của chiếc xe. Đồng thời, các bên đã tranh luận về hai kết luận giám định của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Hai bên đều thừa nhận hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm vật chất xe cơ giới mà Bảo hiểm Bảo Việt đã cấp cho ông Hiền. Tuy nhiên, ngay sau khi mua bảo hiểm 2 ngày, chiếc xe đã gặp tai nạn. Vấn đề là liệu tai nạn này có thuộc phạm vi bồi thường hay không?
Theo Bảo hiểm Bảo Việt, khi giám định chi tiết chiếc xe và xem xét hiện trường, Bảo hiểm Bảo Việt cho rằng, hiện trường vụ tai nạn không xảy ra tại nhà điều hành Công ty Nam Đạt. Kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) cho rằng, dấu vết biến dạng, hằn, xước kim loại ở bên phải nắp máy (capo) xe ô tô không phải hình thành do va chạm với mặt ngoài bức tường phía trước bên trái cửa của nhà điều hành Công ty Nam Đạt. Kết luận giám định của Phòng Giám định kinh tế hình sự (Bộ Quốc phòng) do TAND quận Hoàn Kiếm trưng cầu cho rằng, dấu vết trên xe ô tô và dấu vết trên bức tường nhà điều hành không phù hợp do va chạm với nhau tạo ra. Với hai kết luận này, Bảo hiểm Bảo Việt cho rằng, khách hàng đã không trung thực, khai báo sai sự thật và do đó Bảo Việt có quyền từ chối bồi thường.
Sau khi nghị án, HĐXX cho rằng, hiện trường vụ án không khớp với dấu vết trên xe có một phần lỗi của ông Hiền. Phía Bảo hiểm Bảo Việt cũng có lỗi như bán bảo hiểm không đúng quy trình, chưa có kết luận giám định đã ra quyết định từ chối bồi thường… Do đó, HĐXX nhận định, cả 2 bên cùng có lỗi và phải cùng chịu thiệt hại theo tỷ lệ 70:30. Theo đó, Bảo hiểm Bảo Việt chịu 70% thiệt hại, ông Hiền chịu 30% thiệt hại.
Cho rằng phán quyết của Tòa án là không thỏa đáng, Bảo hiểm Bảo Việt cho biết, sẽ làm đơn kháng cáo lên cấp phúc thẩm.