Tránh bội thực vốn

0:00 / 0:00
0:00
Cho đến thời điểm này, cả 6 dự án giao thông dự kiến nhận vốn từ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội đều là những công trình có quy mô vốn rất lớn.
Tránh bội thực vốn

Việc Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hoàn thiện phương án bố trí vốn cho các dự án giao thông trong Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội hiện thu hút sự quan tâm rất lớn của các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng giao thông cùng nhà đầu tư logistics đang muốn rót vốn vào các dự án xây dựng kho ngoại quan lớn.

Cho đến thời điểm này, cả 6 dự án dự kiến nhận vốn từ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội (gồm cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021- 2025, cao tốc An Hữu - Cao Lãnh, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và cầu Đại Ngãi) đều là những công trình có quy mô vốn rất lớn, có thể làm thay đổi đáng kể chất lượng hạ tầng giao thông đất nước.

Tính toán sơ bộ cho thấy, tổng nhu cầu sử dụng vốn từ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội của 6 dự án do Bộ GTVT chủ trì thực hiện nói trên là 120.746 tỷ đồng. Theo đó, dự kiến vốn phân bổ cho năm 2022 là 2.250,5 tỷ đồng, năm 2023 là 49.206 tỷ đồng, năm 2024 là 69.289,5 tỷ đồng, năm 2025 là 76.662,1 tỷ đồng.

Cần phải nói thêm rằng, trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, việc đẩy mạnh đầu tư công được đánh giá là yếu tố tiên phong để thúc đẩy tổng cầu xã hội, góp phần vực dậy thật nhanh nền kinh tế khi Covid-19 qua đi. Về dài hạn, khi nguồn vốn đầu tư công chủ yếu dồn vào các dự án hạ tầng, công trình giao thông trọng điểm còn tạo động lực phát triển, đẩy nhanh việc thu hút đầu tư xã hội, giúp nền kinh tế đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Tuy nhiên, lo lắng lớn nhất lúc này chính là khả năng hấp thụ vốn từ Chương trình ngay cả khi danh mục các dự án ưu tiên được gói gọn trong 6 công trình do Bộ GTVT đề xuất.

Thực tiễn cho thấy, tiến độ đầu tư các dự án ngành GTVT phụ thuộc rất lớn vào những yếu tố như tiến độ giải phóng mặt bằng (đối với các dự án nhóm A trở lên thường mất tối thiểu 2-3 năm); điều kiện cung cấp vật liệu, điều kiện địa chất công trình, điều kiện thời tiết của các vùng miền; năng lực thực hiện của các chủ thể (chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu)… Hiện tại, bình quân mỗi năm, Bộ GTVT giải ngân khoảng 35.000 - 43.000 tỷ đồng. Với kế hoạch trung hạn đã được phân bổ thì các năm 2023, 2024, 2025, Bộ GTVT phải giải ngân bình quân mỗi năm khoảng 70.000 tỷ đồng.

Nếu cộng cả 6 dự án nằm trong danh mục Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, thì từ nay đến hết năm 2025, trung bình mỗi năm, ngành GTVT phải giải ngân tối thiểu 100.000 tỷ đồng. Đây thực sự là một thách thức rất lớn, bởi việc chi tiêu vốn ngân sách nhà nước trong lĩnh vực giao thông luôn đòi hỏi trình tự phức tạp, thủ tục rất chặt chẽ. Chính vì vậy, bên cạnh gói cơ chế đặc thù về giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà thầu, cung cấp vật liệu… để không rơi vào tình trạng bội thực, có vốn mà không hấp thụ được, thì cần phải có nỗ lực quyết tâm lớn của các bộ, ngành, địa phương.

Bài học kinh nghiệm cho thấy, giải ngân vốn đầu tư công chỉ có thể đạt được kết quả tích cực khi các chủ đầu tư phải nhận diện được những rủi ro phát sinh trên công trường, qua đó xây dựng được kế hoạch, lộ trình cụ thể để rút ngắn tiến trình triển khai dự án.

Ngoài học tập mô hình triển khai công trình nhanh gọn của các nhà đầu tư tư nhân như Vingroup, Sungroup, Đèo Cả…, các chủ đầu tư được giao vốn phải kịp thời loại bỏ những cán bộ, công chức yếu kém về năng lực, trình độ hoặc suy thoái về đạo đức nghề nghiệp, gây nhũng nhiễu, tiêu cực hoặc thao túng, chi phối trong quản lý vốn đầu tư công, đấu thầu. Ngoài ra, phải kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công như thông thầu, gian lận, cản trở, hối lộ, can thiệp bất hợp pháp... từ đó lựa chọn được nhà thầu thực sự có năng lực.

Bảo Như
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục