Tràng Tiền Plaza và ông chủ mới

(ĐTCK) Sau 4 năm đóng cửa, tới đây Tràng Tiền Plaza sẽ khai trương trở lại với diện mạo và phong cách hoàn toàn mới.
Tràng Tiền Plaza và ông chủ mới

Tập đoàn DFS đến từ Singapore vượt qua 4-5 gương mặt khác chuyên về khai thác vận hành trung tâm thương mại liệu có làm nên thành công mới cho khu đất này? Thời gian sẽ trả lời, song những thực tế trong vài năm qua cho thấy, đầu tư và kinh doanh loại hình này không dành cho những “tay mơ”.

Sự thất bại của Tràng Tiền Plaza trước đây được tổng kết do vận hành, quản lý yếu kém của chủ đầu tư là Công ty TNHH Tràng Tiền. Có vị trí đắc địa bậc nhất Hà Nội, song nơi đây được ví như cửa hàng bách hóa thời bao cấp hoặc những chợ bán lẻ bình dân. Hàng hóa nghèo nàn, phẩm cấp chất lượng, giá cả không đảm bảo. Hoạt động èo uột cho kết quả tất yếu là hiệu quả kinh tế thấp.

Trước thực trạng đó, chủ sở hữu vốn nhà nước tại công ty trên đã yêu cầu phải có sự tái cấu trúc. Tràng Tiền Plaza đóng cửa, một đề bài với hiệu quả kinh tế đặt lên hàng đầu được đưa ra, các phương án đầu tư, kinh doanh được xây dựng, trong đó có ý kiến đóng góp của UBND TP. Hà Nội.

Tràng Tiền Plaza và ông chủ mới ảnh 1

Tràng Tiền Plaza trước khi đóng cửa

Cuối cùng, phương án liên doanh với đối tác nước ngoài được lựa chọn bởi tính khả thi cao nhất. Để chọn được đối tác khai thác trung tâm này, một cuộc thi được tổ chức thu hút 5 gương mặt sừng sỏ nhất tại châu Á tham gia, trong đó có những tên tuổi như Parkson (Malaysia), Lotte (Hàn Quốc), DFS (Singapore)…  Cuối cùng DFS, được biết đến với chuỗi cửa hàng miễn thuế tại các sân bay trên toàn thế giới, được lựa chọn. Một thành viên của Dự án tái cấu trúc này chia sẻ, DFS sẽ thổi một làn gió mới vào diện mạo và phong cách của Tràng Tiền Plaza. Nơi đây sẽ tập trung các thương hiệu nổi tiếng nhất trên thế giới, giá cả ở mức hấp dẫn nhất so với Việt Nam, với phẩm cấp chất lượng hàng đầu.

Tràng Tiền Plaza với đối tác mới sẽ thành công hay không, thành công đến mức nào, thời gian sẽ trả lời. Nhưng câu chuyện thất bại trước đó cho thấy, để khai thác hiệu quả các trung tâm thương mại, dù nơi đó có vị trí đắc địa, là không hề đơn giản.

Còn sự thất bại của IDJ với Grand Plaza hoàn toàn có thể hiểu được theo đánh giá của giới chuyên môn ngay từ khi hợp đồng giữa hai bên được ký kết. IDJ không phải nhà khai thác và vận hành trung tâm thương mại chuyên nghiệp, chỉ là đơn vị trung gian, mua thứ cấp sàn thương mại và bán lại hoặc cho thuê lại để kiếm lời. Các chủ gian hàng, mỗi người bài trí cửa hàng theo một phong cách riêng, giá cả lộn xộn, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa không rõ ràng, chính sách khuyến mãi mỗi chủ cửa hàng một khác.

Ông Richard Leech, Giám đốc CBRE cho biết, không ít chủ đầu tư Việt Nam đã sai lầm khi cho rằng khai thác trung tâm thương mại không khó và chỉ cần yêu cầu cao hơn khai thác chợ truyền thống một chút. Với văn hóa và thói quen mua sắm của người dân Việt Nam, các trung tâm thương mại ven thành phố muốn thành công cần phát triển theo một định hướng hoàn toàn khác biệt với các trung tâm thương mại ở vị trí đắc địa. Cụ thể, đây không phải là địa chỉ mua sắm đơn thuần của một vài cá nhân đi mua bán lẻ tẻ, mà phải trở thành một điểm đến thỏa mãn nhiều sở thích khác nhau: mua sắm, vui chơi giải trí, ẩm thực… Do đặc thù ở xa trung tâm thành phố nên những trung tâm thương mại này chỉ thành công khi thu hút được các nhóm khách hàng như gia đình, nhóm các gia đình, nhóm bạn trẻ… đến “tiêu tiền”.

Trung tâm thương mại là loại hình bất động sản mới tại Việt Nam, song câu chuyện thành công không ít. Đã có nhiều trung tâm thương mại tại Hà Nội trở thành địa chỉ quen thuộc với cư dân Thủ đô như Vincom Bà Triệu, Parkson Thái Hà, Big C Thăng Long và mới đây là sự thay đổi khá ấn tượng của The Garden Mỹ Đình. Như vậy, chìa khóa cho lời giải bài toán hiệu quả của loại hình kinh doanh này có lẽ là yếu tố con người và kinh nghiệm cũng như mạng lưới khách hàng để khai thác. 

Thủy Nguyễn
Thủy Nguyễn

Tin cùng chuyên mục