Tại Bắc Ninh, Hà Nội, Hòa Bình, Vĩnh Phúc... hàng trăm dự án nhà ở, phát triển đô thị bỏ hoang tràn lan nhìn rất xót xa. Còn đại diện lãnh đạo nhiều tỉnh, thành chỉ biết lắc đầu than: “khó gỡ”!?
Nhà hoang, dự án “chết”
Được quảng cáo là một “không gian châu Âu” đầy mơ ước nằm phía Bắc cửa ngõ Thủ đô, nhưng từ khi xây dựng cho đến nay cả chục năm trời mà khu đô thị Nam Từ Sơn của tỉnh Bắc Ninh vẫn rơi vào tình trạng hoang tàn. Cá biệt một số căn đã hoàn thiện thì cửa đóng then cài. Chủ đầu tư của khu đô thị Nam Từ Sơn là Công ty Thiên Đức.
Cách khu đô thị Nam Từ Sơn không xa, là các dự án khác của tỉnh Bắc Ninh như: dự án nhà ở thương mại Tiên Sơn; dự án khu nhà ở Hoàn Sơn… cũng chung cảnh hoang vắng, lạnh lẽo.
Hà Nội triển khai 370 dự án phát triển khu đô thị, khu nhà ở với tổng diện tích sử dụng đất 17.765 ha. Theo thống kê chưa đầy đủ tính đến nay, với nhà chung cư tổng số căn hộ tồn kho (chưa bán hoặc chưa huy động vốn) là 5.789 căn, tương ứng 566.610 m2 sàn. Nhà thấp tầng (biệt thự, liền kề) tồn kho 3.483 căn, tương ứng 874.825 m2 sàn. Nhà thu nhập thấp còn tồn khoảng 330 căn hộ. Diện tích sàn văn phòng đủ điều kiện cho thuê tồn kho khoảng 175.000 m2. |
Dọc đại lộ Thăng Long, tập trung hàng trăm dự án bất động sản nhưng đều trong tình trạng hoang vu. Đại dự án Geleximco – Lê Trọng Tấn do Tập đoàn Geleximco làm chủ đầu tư được triển khai xây dựng từ năm 2007. Đến nay chỉ lác đác vài hộ đến ở.
Các khu đô thị mới như: Văn Phú, An Hưng, Dương Nội, Văn Khê, Mỗ Lao… từng là tâm điểm của cơn sốt bất động sản cách đây vài năm giờ cũng vắng bóng người.
Dọc tuyến quốc lộ 32 thuộc địa bàn huyện Hoài Đức những khu đô thị hoành tráng như: Lideco, Vân Canh HUD, Tân Tây Đô…, với hàng ngàn căn biệt thự, nhà liền kề đã được xây dựng xong nhưng cũng không có người đến ở. Đáng chú ý, nhiều khu đô thị chưa biết ngày nào hoàn thành do quy định trước đây cho phép chia lô bán nền, không cần xây nha...
Chính quyền bó tay?
Bắc Ninh có 50 dự án khu đô thị thì mới có 20 được triển khai. Theo ông Cao Văn Hà, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh, “Hiện có 10 dự án đã đưa vào sử dụng nhưng vẫn chưa lấp đầy được dân cư đến ở. Việc quản lý, xử lý các khu đô thị bỏ hoang không có người ở rất khó. UBND tỉnh Bắc Ninh đã nhiều lần thúc giục chủ đầu tư, doanh nghiệp nhưng cũng rất khó” - ông Hà nói.
“Năm 2012, tỉnh đã thu hồi 19 dự án với tổng diện tích hơn 454 ha. Để hạn chế tình trạng các khu đô thị bỏ hoang, làm dang dở, ngoài việc kiểm tra năng lực tài chính của chủ đầu tư trước khi phê duyệt, tỉnh sẽ đưa ra những chế tài ràng buộc”-đại diện lãnh đạo tỉnh này cho biết.
Ông Nguyễn Doãn Hoàn - Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất, Hà Nội thì chia sẻ: Thạch Thất có trên 100 dự án, phần lớn mới dừng ở treo biển, chấp thuận đầu tư, chưa có quyết định thu hồi đất.
Bản thân lãnh đạo huyện rất đau đầu với những dự án chưa triển khai, hoặc dang dở với nhiều lý do trong đó có lý do chờ quy hoạch phân khu.
Theo Ban GPMB huyện Mê Linh, trên địa bàn huyện có khoảng 50 dự án đều được phê duyệt theo quyết định của tỉnh Vĩnh Phúc trước khi huyện Mê Linh được sáp nhập về Hà Nội.
Tuy nhiên về thẩm quyền, huyện chỉ có thể đề nghị doanh nghiệp chốt tiến độ giải phóng triển khai dự án. Nếu quá chậm so với thời hạn cấp phép, huyện sẽ đề xuất thành phố xử lý theo quy định, còn với các đô thị xây dựng dang dở xử lý sẽ khó hơn.