Tuy nhiên sang quý II, huy động vốn và tín dụng tăng trưởng nhanh, tốc độ tăng trưởng tín dụng tiếp tục cao hơn tốc độ tăng trưởng vốn, bắt đầu cho thấy những tiềm ẩn rủi ro trong việc cân đối các nguồn vốn để cho vay. Để đảm bảo tính an toàn hệ thống, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số 15/2009/TT - NHNN, quy định các NHTM chỉ được sử dụng 30% vốn ngắn hạn (tiền gửi kỳ hạn dưới 12 tháng) để cho vay trung và dài hạn (thời hạn vay từ 12 tháng trở lên). Lập tức thị trường tiền tệ đã có phản ứng nhất định. Ứng phó tỷ lệ sử dụng vốn theo đúng quy định, một trong những giải pháp cấp tốc của các ngân hàng là tăng lãi suất đầu vào, thu hút người gửi tiền ngắn hạn, đẩy nhanh tốc độ huy động. Lãi suất huy động và cho vay luôn sát mức trần cho phép, khoảng cách giữa 2 mức lãi suất này chỉ còn 1 - 2 điểm phần trăm/năm.
Trước khi thực hiện điều chỉnh lãi suất cơ bản, mặt bằng lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn ngắn ngày 3 - 6 tháng được các ngân hàng áp dụng ở mức khoảng 8,5 - 9,3%/năm. Thậm chí, có ngân hàng còn áp dụng 10,3%/năm kỳ hạn dài ngày và đẩy mạnh khuyến mãi. Lãi suất cho vay VND phổ biến ở mức 9,5 - 10,5%/năm, lãi suất cho vay đối với các khoản cho vay được hỗ trợ lãi suất chỉ còn ở mức 4,5 - 6%/năm, riêng lãi suất cho vay phục vụ nhu cầu đời sống và cho vay thông qua thẻ tín dụng ở mức 12 - 16%/năm.
Sau khi NHNN điều chỉnh tăng lãi suất cơ bản (8%), các NHTM lập tức điều chỉnh tăng lãi suất huy động VND áp dụng từ ngày 1/12. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất huy động VND không vượt quá 10,5%/năm theo "đồng thuận" của một số ngân hàng và đặc biệt từ thông điệp của NHNN sẽ thanh tra toàn diện hoạt động của ngân hàng có mức lãi suất tiền gửi từ 10,5%/năm trở lên. Thông điệp này của NHNN khiến một số NHTM cổ phần sau khi đẩy lãi suất huy động VND lên mức trên 10,5%/năm đã nhanh chóng giảm xuống dưới 10,5%/năm, con số 10,499%/ năm được nhiều ngân hàng lựa chọn và trở thành mức lãi suất cao nhất. Cũng từ ngày 1/12, các NHTM đồng loạt điều chỉnh tăng lãi suất cho vay với mức tăng từ 1,5 - 2%/năm đối với cho vay thông thường, tăng khoảng 0,5 - 1%/năm đối với cho vay các nhu cầu vốn phục vụ đời sống và cho vay thông qua thẻ tín dụng. Cụ thể, lãi suất cho vay thông thường phổ biến ở mức 11 - 12%/năm, lãi suất cho vay thỏa thuận đối với các nhu cầu vốn phục vụ đời sống, cho vay thông qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng phổ biến từ 15 - 17%/năm.
Tốc độ huy động vốn luôn thấp hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng đã gây ra cuộc chạy đua lãi suất giữa các ngân hàng và thậm chí đã có trường hợp cạnh tranh huy động vốn giữa các chi nhánh trong cùng một ngân hàng. Quy định về trần lãi suất đã ghìm lại cuộc chạy đua lãi suất, nhưng mức lãi suất luôn luôn kịch trần cho phép và khoảng cách rất hạn chế giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động cho thấy nhiều rủi ro đang rình rập hệ thống ngân hàng.
Về vấn đề cân đối nguồn vốn cho vay. Cuộc chạy đua lãi suất huy động đã khiến cho mức lãi suất cho vay các kỳ hạn gần như bằng nhau cho thấy, các ngân hàng đang sử dụng ngày càng nhiều nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn, đáp ứng nhu cầu tín dụng của các tổ chức sản xuất - kinh doanh, các nhà đầu tư và cả người tiêu dùng. Nếu cho vay không đúng đối tượng, nguy cơ nợ xấu tăng cao, sự mất cân đối này sẽ gây ra khó khăn cho các ngân hàng. Chỉ cần một ngân hàng gặp rủi ro, niềm tin đối với hệ thống ngân hàng sẽ bị xói mòn và việc huy động vốn cho nền kinh tế càng trở nên khó khăn hơn.
Về vấn đề thanh khoản. Thường thì khi tăng cường huy động vốn, ngân hàng sẽ phải cho vay ra. Thế nhưng vừa qua, tốc độ tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng đã vượt kế hoạch đề ra, các ngân hàng đã thu hẹp hoạt động tín dụng, thực hiện rà soát lại các khoản cho vay nhưng vẫn xảy ra chạy đua huy động vốn. Hiện nay, tốc độ huy động vốn của ngân hàng khá chậm. Việc hạn chế cho vay cũng đã làm cho vòng quay tiền chậm lại. Ngoài việc tăng huy động để đáp ứng tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng còn lo đến tình trạng thanh khoản. Khi một số ngân hàng tăng cường huy động bằng hình thức tăng lãi suất hay các chương trình khuyến mãi lớn, thì buộc các ngân hàng khác cũng phải thực hiện theo để giữ khách hàng. Đó là lý do vì sao, dù tốc độ tăng trưởng đã vượt kế hoạch, nhiều ngân hàng vẫn phải chạy đua huy động.
Đối với vấn đề cơ cấu cho vay hiệu quả và đúng đối tượng. Diễn biến lãi suất cho thấy nguồn cung vốn của hệ thống ngân hàng chưa đáp ứng nhu cầu vốn đang tăng cao trong nền kinh tế. Nguyên nhân là do sự phục hồi của TTCK và tăng nóng của giá vàng trong mấy tháng cuối năm, sự sôi động trở lại của thị trường bất động sản và nỗi lo lạm phát đã làm suy giảm lượng tiền nhàn rỗi vào ngân hàng, trong khi nhu cầu vay vốn tiêu dùng nói riêng và nhu cầu vốn của DN tăng lên gây ra sức ép tăng lãi suất huy động vốn ngắn hạn. Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm là tín dụng đã tăng trưởng vượt chỉ tiêu khi chưa hết năm, trong khi nhiều DN cần vốn lại gặp khó khăn. Tình hình xảy ra tương tự như những gì đã diễn ra vào năm 2007 - 2008, những khoản cho vay dễ dãi ban đầu làm tín dụng phình to ra quá mức và đột ngột bị co hẹp lại, các ngân hàng rơi vào tình trạng thiếu vốn, các DN và đối tượng thực sự cần vốn cho đầu tư và sản xuất gặp khó khăn.
Cuộc đua giữa các ngân hàng nóng bỏng, nhưng lại rơi vào bế tắc khi lãi suất huy động như chiếc lò xo bị nén ở mức 10,499%/năm và lãi suất cho vay bị giới hạn bởi trần lãi suất 12%/năm. Việc tồn tại trần lãi suất với mục đích chống cho vay nặng lãi và hạn chế cuộc chạy đua lãi suất thực tế không những không phản ánh đúng cung cầu thị trường vốn, mà những mục đích của quy định này cũng không đạt được.
Để thu hút vốn, nhưng lãi suất huy động đã kịch "trần" cho phép, các NHTM chuyển qua hình thức khuyến mãi với quà tặng lên đến hàng tỷ đồng, cho khách hàng lĩnh lãi trước, tặng tiền khi gửi tiền... Với các chương trình này, lãi suất mà người gửi tiền thực nhận sẽ cao hơn "trần" 10,5%/năm.
Với những người đi vay, mặc dù lãi suất bị ghìm lại ở mức 12%/năm, nhưng họ không thể hoặc vô cùng khó khăn để có thể tiếp cận được vốn với mức lãi suất này. Điều này vô hình chung lại kích thích cho tín dụng "đen" phát triển. Muốn vay được vốn, các DN thực tế phải chịu mức lãi suất cao hơn và chịu nhiều khoản tốn kém hơn (khoản tốn kém này được ghi vào những khoản hợp lý như: tư vấn hồ sơ vay vốn, các loại phí của ngân hàng...), hoặc phải xoay sở tìm nguồn vốn ngoài ngân hàng với mức lãi suất cao hơn mức trần rất nhiều.
Như vậy, rõ ràng, khi không tuân theo quy luật thị trường, thì các nhân tố trong thị trường sẽ tìm cách để luồn lách và do đó, càng làm méo mó thị trường và gây khó khăn cho chính hệ thống ngân hàng. Khi thị trường có tính cạnh tranh thì không ngân hàng nào tùy tiện nâng lãi suất cho vay lên quá cao một cách bất hợp lý, bởi khi đó lập tức những ngân hàng khác với mức lãi suất hấp dẫn hơn sẽ có được nhiều khách hàng hơn. Hơn nữa, nếu kênh vốn chính thống hoạt động tốt, đáp ứng được nhu cầu vốn của xã hội thì "hoạt động cho vay nặng lãi" cũng không thể hoành hành. Vì vậy, việc quy định "trần lãi suất" như hiện nay cần được thay đổi và nên có biện pháp riêng để điều chỉnh khu vực tín dụng "không chính thống".
Về vấn đề chạy đua lãi suất, việc đưa ra trần lãi suất cũng chỉ giải quyết được phần ngọn và những rủi ro như phân tích ở trên không được giải quyết tận gốc. Để tránh cuộc chạy đua lãi suất, phải nâng cao việc quản lý thanh khoản, cân đối nguồn vốn cho vay và cơ cấu các khoản vay của các NHTM Việt Nam. Có thể thấy, cũng trong điều kiện khủng hoảng, nhiều ngân hàng nước ngoài, chẳng hạn như ANZ, không chỉ là ngân hàng bán buôn, mà họ đã thực sự trở thành ngân hàng bán lẻ trên thị trường, khi triển khai không thiếu hình thức tín dụng nào trên thị trường Việt Nam, kể cả chương trình hỗ trợ lãi suất. Nhưng không có ngân hàng nước ngoài nào gặp vấn đề về thanh khoản. Không thể nói họ có sự hỗ trợ của ngân hàng mẹ, vì trong bối cảnh khủng hoảng vừa qua, chính những ngân hàng mẹ cũng đang gặp khó khăn.
Do đó, có thể khẳng định, vấn đề cốt lõi là năng lực quản trị của các ngân hàng nội. Đây là bài toán mà các NHTM phải tự giải quyết để có thể phát triển bền vững và cạnh tranh thành công trên thị trường. Tuy nhiên, NHNN cũng cần có biện pháp để thúc đẩy các ngân hàng nâng cao năng lực quản trị, chẳng hạn như đề ra các tiêu chí nâng cao tính thanh khoản mà NHTM buộc phải thực hiện theo một lộ trình nhất định, hay thực hiện các chế tài như (nếu cần thiết) công bố thông tin về một vài NHTM thường xuyên thiếu thanh khoản, mà nguồn gốc xuất phát từ nền tảng quản trị rủi ro trong kinh doanh kém. Đây có thể coi là biện pháp mạnh nhất để buộc các ngân hàng phải chú trọng đến quản trị rủi ro và làm gương cho các ngân hàng khác… Tuy nhiên, trong các hoàn cảnh cụ thể và cấp bách, biện pháp tình thế "trần lãi suất" vẫn có thể được sử dụng hiệu quả như kinh nghiệm của Trung Quốc.