Trận đánh lớn của các “đại gia” tạo nên những phiên giao dịch choáng ngợp

(ĐTCK) Giới đầu tư đã và đang chứng kiến nhiều phiên giao dịch gây choáng ngợp ở các mã cổ phiếu mà các “đại gia” nắm quyền kiểm soát doanh nghiệp.
Thị trường chứng khoán đón thêm một lượng lớn dòng tiền, giúp VN-Index phá kỷ lục năm 2018, thiết lập đỉnh mới trên 1.224 điểm. Ảnh: Dũng Minh.

Những phút giây ngỡ ngàng

Ấn tượng nhất là phiên 30/3/2021 khi cổ phiếu STB của Sacombank tăng kịch trần và khớp lệnh kỷ lục gần 100 triệu đơn vị.

Trong phiên sáng, STB gần như vẫn đi ngang quanh mốc tham chiếu, thậm chí có lúc giảm giá. Thế nhưng, lệnh lớn dồn dập đổ vào từ 11h đến khoảng 14h đã đẩy thanh khoản cổ phiếu này tăng vọt, giá trị giao dịch đạt 1.997 tỷ đồng.

Giá STB tăng trần và khớp lệnh kỷ lục trong bối cảnh trên thị trường xuất hiện tin đồn lô cổ phiếu chiếm 32,5% vốn điều lệ Ngân hàng đang nằm tại VAMC sắp được đưa ra đấu giá.

Trước đó, từ tháng 6/2020, thị trường đã râm ran về việc Vingroup muốn nắm quyền kiểm soát Sacombank. Giá khởi điểm cho lô cổ phiếu đó được dự báo khoảng 28.000 - 30.000 đồng/cổ phiếu dựa trên tiềm năng của Ngân hàng, bởi vậy giá cổ phiếu trên sàn đã “chạy” trước.

VAMC ít khi công khai đấu giá tài sản bảo đảm mà các ngân hàng tái cơ cấu nợ xấu thường bán cho tổ chức này một cách rộng rãi ra thị trường, mà thường bán trong hệ thống dọc của mình. Tuy vậy, sức cộng hưởng và tác động của cổ phiếu thoái vốn là rất lớn, chưa kể tin đồn thường biến thành tin thật nên nhà đầu tư bây giờ “cả tin” hơn.

Cổ phiếu STB đang được thu gom bởi một số nhóm nhà đầu tư, nhưng gom hộ mối lớn hay không thì vẫn được giữ kín.

Cũng có ý kiến cho rằng, phiên giao dịch “khủng” ngày 30/3 được châm ngòi bởi Ngân hàng Kiên Long (Kienlongbank) khi lãnh đạo ngân hàng này từng cho biết sẽ bán toàn bộ cổ phiếu và tất toán nợ vay có liên quan đến Sacombank, chậm nhất đến cuối tháng 3/2021.

Trước đó, Kienlongbank nắm giữ hơn 176 triệu cổ phiếu STB, chiếm 10% vốn điều lệ Sacombank, là tài sản bảo đảm cho khoản vay của một số cá nhân.

Dù vậy, các nguồn tin thân cận với Ngân hàng cho biết, một nửa trong số đó đã được bán, nửa còn lại đã có mối mua, giao dịch nhiều khả năng sẽ thực hiện bán thỏa thuận chứ không chẻ nhỏ lệnh mua khớp qua sàn.

Nhưng việc đẩy lệnh ồ ạt vào hệ thống, “kê lệnh” một cách dứt khoát ở giá cao như vậy rất khó xuất hiện từ động thái giao dịch của các nhà đầu tư cá nhân hoặc tổ chức, tự doanh trên thị trường.

Cổ phiếu SHB của Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội cũng khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ. Sáng 29/3, lúc 11h28, khối lượng khớp lệnh tại SHB mới đạt hơn 11 triệu cổ phiếu và mức giá khớp lệnh là 19.600 đồng/cổ phiếu, tương ứng tăng 0,51%.

Nhưng chỉ 1 phút sau, ngay trước khi thị trường đóng cửa phiên sáng, tổng khối lượng khớp lệnh được đẩy lên 33,8 triệu đơn vị, toàn bộ lệnh bán bị “nuốt chửng”, thậm chí lượng dư mua giá trần 21.400 đồng/cổ phiếu còn tới gần 3 triệu đơn vị.

Nếu không được “kê lệnh”, không được “dàn binh”, diễn biến gây “choáng váng” trên liệu có dễ xảy ra?

Cổ phiếu STB tăng trần và khớp lệnh kỷ lục; cổ phiếu SHB cũng khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ; cổ phiếu SSB liên tục “khoác áo tím”; cổ phiếu “họ” FLC gồm ART, ROS, AMD, FLC, HAI có nhiều phiên "tím"...

Một cổ phiếu mang “sắc tím” đặc trưng khác là SSB của Ngân hàng SeABank. Tăng trần liên tục 6 phiên sau khi lên sàn đã đẩy giá cổ phiếu SSB lên ngưỡng 28.000 đồng/cổ phiếu, tức là thiết lập được mức giá mà nhiều tin đồn trước đó cho biết sẽ được “đánh lên” mức này để “cùng mâm, cùng nong” với những ngân hàng “chiếu trên”, xứng đáng trong Top 12 ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam.

Sau khi đạt ngưỡng 28.000 đồng/cổ phiếu, giá cổ phiếu SSB đi ngang và chỉ tăng nhẹ trong phiên giao dịch sau đó.

Điều khiến các nhà đầu tư cá nhân khó “đu bám” cổ phiếu SSB là khối lượng khớp lệnh rất thất thường, phiên chào sàn đạt 6 triệu đơn vị, 2 phiên sau giảm còn 1 triệu đơn vị, phiên sau đó tăng lên 4 triệu đơn vị, rồi giảm xuống gần 2 triệu đơn vị...

Giao dịch kiểu này đồng nghĩa với việc đua giá trần thì nhà đầu tư cũng không chắc sẽ khớp lệnh, khiến họ có thể mất cơ hội mua được cổ phiếu tốt khác trong cùng phiên giao dịch.

Nhóm cổ phiếu thị giá thấp “họ” FLC cũng được “nhuộm tím” với diễn biến tăng trần nhiều phiên tại ART, ROS, AMD, FLC, HAI, thanh khoản đạt hàng chục triệu cổ phiếu mỗi phiên. Tuy nhiên, trong phiên VN-Index lập đỉnh, nhóm FLC mang sắc đỏ hiếm hoi.

Không dễ bám theo “người khổng lồ”

Không dễ tìm câu trả lời “vì sao các đại gia đánh lên cổ phiếu”, nhưng điều này không quan trọng, thời điểm mới là “át chủ bài” cần tìm ra để chiến thắng “đại gia” và với nhiều nhà đầu tư cá nhân, việc này rất khó khăn.

Chẳng hạn, với cổ phiếu SHB, nhiều nhà đầu tư bị “kẹp” tại giá 19.000 đồng/cổ phiếu trước Tết Tân Sửu 2021.

Trong khi nhiều cổ phiếu khác “chạy”, thị giá SHB vẫn đứng “trơ trơ”, khiến nhà đầu tư chán nản, bán cắt lỗ để chuyển sang cổ phiếu khác. Cũng có những nhà đầu tư bám trụ, nhưng chỉ cần cổ phiếu hồi đến ngưỡng hòa vốn là bán ra.

Bởi thế, nếu hỏi có bao nhiêu người có giá vốn 16.000 - 17.000 đồng/cổ phiếu trong “sóng” SHB lần này, câu trả lời có thể là không nhiều, những “tút” đăng của nhà đầu tư trên các diễn đàn cho thấy điều đó.

Một nguồn tin được cho là thân cận với lãnh đạo cấp cao của SHB cho biết, năm ngoái, “nhà cái” mất hơn 4.000 tỷ đồng để “đánh lên” cổ phiếu, vượt 20.000 đồng/cổ phiếu.

Một nhà đầu tư cá nhân có kinh nghiệm và thạo tin chia sẻ, theo tìm hiểu của họ, các tài khoản lớn mua bán cổ phiếu SHB thay đổi ở các công ty chứng khoán liên tục, chứ không tập trung ở một vài đầu mối quen thuộc. Vì thế, nhà đầu tư khó bám theo “cá mập” để ăn theo.

Biến động giá cổ phiếu sẽ phụ thuộc vào những câu chuyện như mua bán - sáp nhập (M&A), “kéo đẩy” giá nhằm tăng vốn, vào rổ chỉ số, uy tín thương hiệu, đẳng cấp, cầm cố (repo) cổ phiếu...

Trong đợt sốt giá cổ phiếu CVT của Công ty cổ phần CMC trước đây, màu sắc M&A rất rõ ràng khi 2 nhóm cổ đông lớn đua gom cổ phiếu nhằm đạt được tỷ lệ theo chủ ý.

Giám đốc một công ty chứng khoán kể, nếu các bên gom cổ phiếu để đạt tỷ lệ họ mong muốn, giá không phải là vấn đề, nhưng giá sẽ chững lại ngay hoặc rớt xuống mức thấp hơn nhiều khi cuộc đua đi đến hồi kết.

Không ít cổ phiếu có biến động giá lớn tương tự, chẳng hạn VGC của Viglacera, cũng mang màu sắc như vậy. Bản thân lãnh đạo doanh nghiệp là người nắm được thông tin về động thái mua gom đã tranh thủ bán ra để đạt được giá cao (trong trường hợp của CVT và VGC).

Cá nhân giám đốc công ty chứng khoán trên từng chứng kiến cuộc gom cổ phiếu của một công ty nước sạch đã đẩy thị giá cổ phiếu tăng gấp 3 so với thời điểm trước khi hoạt động M&A diễn ra, sau đó giá cổ phiếu rớt về giá trị thực là mức 2x và duy trì từ đó đến nay, giao dịch cũng èo uột vì cổ đông lớn không có động lực mua vào.

Trong công cuộc đầu tư vĩ đại của các “đại gia”, họ không những không mất tiền phí “tay phải, tay trái”, ngược lại còn kiếm lợi từ đầu tư tài chính không ít. Khi giá cổ phiếu tăng mạnh, các nhà đầu tư trên thị trường lao vào mua, số cổ phiếu họ gom giá rẻ từ trước được từ từ phân phối hết.

Bởi vậy, trong đợt phát hành thêm ở nhiều doanh nghiệp, cổ đông lớn không cần nhà đầu tư đăng ký mua hết, số lượng còn lại, họ gom tất, đến lúc “đẩy sóng” sẽ bán ra.

Đọc lại thông tin tăng vốn của không ít doanh nghiệp cho thấy, đợt phát hành thêm có tới hàng chục triệu cổ phiếu “ế” được phân phối hết ngay sau đó, thậm chí nhà đầu tư có nhu cầu cũng không có cơ hội vì doanh nghiệp vừa công bố hôm trước, hôm sau đã đóng sổ thông báo phân phối xong.

Trần Vũ Cường

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục