Trận đánh của Bộ trưởng và niềm vui của GS. Hồ Ngọc Đại

40 năm đeo đuổi sự nghiệp đổi mới giáo dục, năm nay, Giáo sư đã có được sự công nhận chính thức, khi bộ sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 của ông được đưa vào áp dụng đại trà.

Trận đánh của Bộ trưởng và niềm vui của GS. Hồ Ngọc Đại
Trong suốt cuộc trò chuyện vào một buổi chiều rét ngọt của mùa đông Hà Nội, GS. Hồ Ngọc Đại luôn rạng rỡ nụ cười. Cũng phải, sau 40 năm đeo đuổi sự nghiệp đổi mới giáo dục, năm nay, Giáo sư đã có được sự công nhận chính thức, khi bộ sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 của ông được đưa vào áp dụng đại trà. Và với ông, nó giống như một “cú hích” cho công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo -công cuộc mà như cách nói của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, là “một trận đánh lớn”.

Trận đánh lớn của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận

Cũng một ngày đầu đông, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khi chia sẻ với báo giới đã nói rằng, điều mà cá nhân ông tâm đắc nhất trong năm 2013, đó là Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết 29/NQ-TW về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT). Và với ông, việc thực hiện đổi mới GD&ĐT lần này như “một trận đánh lớn”.

Mang chuyện này tới gặp GS. Hồ Ngọc Đại, ông gật gù: “Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói đúng đấy. Việc đổi mới GD&ĐT lần này thực sự là một cuộc giằng co giữa cái mới và cái cũ, giữa hiện tại và quá khứ. Mà cái cũ, quá khứ là số đông. Chống lại số đông, thế nào cũng có động chạm. Và hiểu theo nghĩa đó, chuyện đổi mới GD&ĐT lần này là gay gắt chứ không đơn giản”.

Vậy mấy chữ “căn bản, toàn diện” nên được hiểu thế nào, thưa Giáo sư?

Tức là phải thay đổi tận trong nguyên lý về GD&ĐT, chứ không phải chỉ đơn thuần là cải cách chuyện thi cử, hay cải cách nội dung sách giáo khoa… như bao lâu nay chúng ta vẫn thực hiện.

Nói rồi, ông giảng giải, sự khác nhau cơ bản của nền tảng GD&ĐT hôm nay, đó là chúng ta đã thực sự chuyển đổi từ một nền giáo dục cho thiểu số, chỉ 5% dân số đi học, không đi học vẫn sống được, sang một nền giáo dục cho toàn dân - khi tất cả những đứa trẻ được sinh ra, đến tuổi đi học thì đều được đến trường và muốn sống được bình thường thì phải đi học.

Một nền giáo dục như thế, phải được thiết kế, xây dựng vì học sinh - nhân vật trung tâm, chứ không phải vì lợi ích của xã hội, hay của những người thầy. Và nền giáo dục ấy, trong một xã hội hiện đại, phải thực sự chuyên nghiệp, phải đưa công nghệ giáo dục mới vào nhà trường.

“Nền giáo dục cũ không ý thức được việc đó, nên bất cứ ai cũng có thể dạy học. Nhưng trong một nền giáo dục văn minh, thì chỉ có thầy giáo hiện đại là người duy nhất làm tốt việc đó”, GS. Hồ Ngọc Đại nói.

Nói vậy có nghĩa, đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT phải bắt đầu từ những đứa trẻ, thưa Giáo sư?

Đúng là phải bắt đầu từ những đứa trẻ. Muốn chấn hưng giáo dục nước nhà, phải bắt đầu từ bậc tiểu học, từ lớp Một.

Vậy nếu coi đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT là “một trận đánh lớn”, thì trong cuộc chiến này, ắt có kẻ thắng người thua, kẻ được người mất. Nếu mất, chúng ta sẽ mất gì?

Mất nghiệp vụ sư phạm cũ. Lạc hậu nhất hiện nay chính là nghiệp vụ sư phạm. Thế giới đã thay đổi, hiện đại hơn, chuyên nghiệp hơn. Và khi 100% dân cư đi học rồi thì không thể thất bát được, nghiệp vụ sư phạm mới phải đảm bảo ai cũng học được, học gì được nấy, học đâu chắc đấy. Vì thế, người thầy phải thay đổi, chuyên nghiệp hơn. Một ông thầy thời hiện đại không thể chỉ như một ông đồ nho ngày xưa. Nền giáo dục hiện đại phải có tư tưởng, công nghệ giáo dục mới thống nhất, các trường sư phạm chịu trách nhiệm truyền đạt và cuối cùng, các thầy cô giáo cứ theo công nghệ đó mà làm.

Nhưng để có được sự thay đổi đó, thậm chí có thể coi là một cuộc cách mạng, đối với hàng triệu giáo viên đã quen nếp cũ, nghiệp vụ sư phạm cũ, hẳn nhiên là điều không dễ dàng?

Đúng là không dễ dàng. Nhưng bây giờ không đổi mới là chết. Bởi thế, phải có quyết tâm chính trị rất cao. Và tôi tin là Bộ trưởng Phạm Vũ Luận sẽ làm được.

Nhân nhắc Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, lại nhớ chuyện khi nói về “trận đánh lớn” mà ngành giáo dục đang phải thực hiện, ông bảo rằng, sẽ chọn đào tạo giáo viên để bắt đầu. Bởi người thầy chính là “bộ máy cái” để tạo ra sản phẩm. 

Vì thế, sẽ “sục” vào các trường sư phạm để đổi mới. Để mai này, thầy giáo không chỉ là người truyền thụ kiến thức, mà là tổ chức, hướng dẫn học sinh tự học, tự khai thác kiến thức, vận dụng kiến thức để hình thành năng lực và phẩm chất của mình. Không có chuyện trò thụ động tiếp nhận kiến thức, hay thầy đọc - trò chép như lâu nay.

Mọi chuyện chẳng đơn giản bởi đúng là với đoàn tàu khổng lồ vẫn đang mải miết chạy, với hành khách là hơn 22 triệu thầy, cô giáo và học sinh, sinh viên, không thể dừng lại để đổi mới, cũng không để tăng tốc quá đột ngột, hay cua gấp. Phải vừa chạy vừa tự điều chỉnh, theo một quy trình hợp lý và dựa trên một quyết tâm lớn. 

Một khi bước vào “trận đánh lớn”, nếu từ tướng đến binh, đều quyết tâm, tin vào chiến thắng và sẵn sàng trả giá, sợ gì không chiến thắng?

36 năm trước, năm 1978, sau khi đi học tập, nghiên cứu ở Nga về, GS. Hồ Ngọc Đại đã quyết định mở Trường Thực nghiệm Hà Nội, với mục đích đưa công nghệ giáo dục mới vào trường học. Bộ sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục (CGD) của Giáo sư được soạn thảo từ hồi ấy. Ban đầu chỉ được dùng cho Trường Thực nghiệm, sau được thí điểm ở một số trường học khác, cũng có giai đoạn bị dừng lại và giờ, bắt đầu được hồi sinh, bằng quyết định của chính Bộ trưởng Phạm Vũ Luận.

Vậy là, sau gần 4 thập kỷ thăng trầm, 37 địa phương, với hàng ngàn trường tiểu học, đã sử dụng bộ sách này để giảng dạy, và không còn là thí điểm hay thử nghiệm, mà là một phương án chính thức.

Hẳn là Giáo sư rất vui vì điều này?

Ban đầu, chúng tôi chỉ nghĩ khoảng 15-20 năm, công nghệ giáo dục của tôi được chấp nhận, nhưng không ngờ, lại kéo dài đến tận ngày hôm nay. Nhưng dù muộn còn hơn không, và thực ra, khoa học thì cũng không bao giờ là muộn cả. Ít nhất, chúng ta đã bắt đầu.

Bắt đầu cho công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện ngành GD&ĐT…, thưa Giáo sư?

Có thể coi là như vậy. Tôi đã chứng minh được rằng, thực sự có công nghệ giáo dục. Và phải đưa công nghệ giáo dục mới vào trường học, thì nền giáo dục nước nhà mới tiến lên được.

Nhưng thường thì khi nói đến công nghệ, mà lại là công nghệ giáo dục, người ta sẽ lo sợ về một sự sản xuất hàng loạt?

Một công nghệ giáo dục nhưng mỗi đứa trẻ khác nhau sẽ tạo ra một tinh thần khác nhau. Công nghệ giáo dục của chúng tôi là thầy không giảng, mà trò phải tự học.

Có thể nhiều người sẽ ngạc nhiên, nhưng khẩu hiệu của tôi là thầy không cần giảng, trò không cần cố gắng. Đã đến lúc, phải để đứa trẻ coi việc đi học là sự sống của chúng, muốn sống tốt, phải tự làm, tự học lấy. Và khi tự làm, sẽ có tính cá nhân trong đó, tính cá nhân được bảo lãnh bằng công nghệ.

Tôi đã chứng kiến một không khí rất khác trong các trường học sau khi bộ sách của chúng tôi được đưa vào áp dụng. Nhìn những đứa trẻ vui vẻ, hạnh phúc sau giờ tan trường, khi được bố mẹ đón, tôi cảm thấy hạnh phúc lắm.

Vẫn phải là một chữ “nhưng”, thưa Giáo sư. Có vẻ như những điều Giáo sư nói nãy giờ đang thiên về phần “trí”, trong khi để trồng NGƯỜI như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, thì còn cần cả “lòng nhân”?

Trẻ con nếu tự làm lấy hết mọi việc sẽ độc lập và tự tin. Trẻ tự tin thì sẽ tự trọng, không ăn gian, nói dối. Đấy chính là NHÂN, là ĐỨC.

Tôi dạy học sinh của mình 3 điều: yêu nước, có tinh thần trách nhiệm và biết chia sẻ với người khác. Đã có trách nhiệm thì sẽ tự tin. Biết chia sẻ với người khác thì tự trọng. Một dân tộc mà tất cả mọi người dân đều tự tin và tự trọng, thì dân tộc đó không ai, không gì có thể lay chuyển được.

Những đứa trẻ ấy liệu có xứng đáng trở thành chủ nhân tương lai của đất nước? Và liệu có đáp ứng được những đòi hỏi của công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa của Việt Nam?

Học trò của tôi là xứng đáng. GS. Ngô Bảo Châu là một ví dụ thuyết phục. BS. Nguyễn Lân Hiếu, chuyên gia nổi tiếng trong ngành tim mạch Việt Nam cũng là một minh chứng. Tất nhiên, đấy là những cá nhân, nhưng nhiều cá nhân như vậy sẽ góp phần xây dựng đất nước ngày một phồn vinh hơn. Mà tôi cũng không muốn gọi những đứa trẻ ấy là “chủ nhân tương lai của đất nước”. Ngay hôm nay, chúng đã là hình ảnh, là chủ nhân của đất nước này rồi.

Cú hích cho sự đổi mới

Trò chuyện với GS. Hồ Ngọc Đại, thực tình, chỉ băn khoăn một điều, dù những gì ông làm được là vô cùng quý giá và đáng trân trọng, nhưng ít nhiều vẫn chỉ ở một phạm vi nhỏ. Cái mà Việt Nam cần để đổi mới căn bản, toàn diện ngành GD&ĐT còn lớn hơn rất nhiều.

Giáo sư cũng thừa nhận điều đó. Ông bảo, ông chỉ là người tạo cú hích thôi. Cũng như Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, dù dấu ấn của cá nhân Bộ trưởng trong chuyện này là không hề nhỏ, nhưng để đổi mới căn bản, toàn diện ngành giáo dục, chỉ một Bộ trưởng thì không thể làm được. Và đó cũng không phải là việc của riêng ngành giáo dục.

Nghĩa là chúng ta phải làm sao để công nghệ giáo dục của Hồ Ngọc Đại trở thành công nghệ giáo dục của toàn dân?

Tôi chỉ là người bắt đầu và chứng minh được, thực sự có công nghệ giáo dục. Hiện tại, công nghệ của chúng tôi chỉ là trí tuệ của một nhúm người, nhưng nếu toàn xã hội đều hiểu rằng, đã đến lúc phải đổi mới ngành giáo dục và cùng vào cuộc, thì tình hình sẽ khác. Trí tuệ của toàn dân khác với trí tuệ của một nhúm người.

Vâng, và cũng đúng như Giáo sư đã nói, muốn chấn hưng giáo dục nước nhà, thì phải bắt đầu từ bậc tiểu học. Nhưng còn các bậc học khác, đặc biệt là đại học?

Tôi chỉ là người tạo cú hích, còn tất cả là phụ thuộc vào ngành sư phạm. Các trường sư phạm đã đến lúc phải vào cuộc. Tôi đã mất 40 năm để nhảy từ “không” sang “có”, bây giờ từ “có ít” sang “có nhiều” sẽ đơn giản hơn. Quan trọng nhất bây giờ là chúng ta phải ý thức được rằng, cần có sự đổi mới.

Tôi đã gặp một Bí thư Tỉnh ủy, ông ấy nói rằng, nỗi lo lớn nhất của ông là “không xứng với dân trí của tỉnh”. Nếu ai cũng lo điều đó, cũng sốt ruột trước thực trạng gian dối của giáo dục Việt Nam, thì chúng ta có đủ quyết tâm để đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

Nhưng liệu có khi nào, việc đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT lần này vẫn sẽ chỉ là những hô hào hình thức, thưa Giáo sư?

Đó là một khả năng. Nhưng nếu những người thiện chí biết bám vào đó để tiến lên, thì chúng ta sẽ làm được.

Trò chuyện với tôi, GS. Hồ Ngọc Đại kể, ngày trước, ông thích nhất câu chuyện Anh hùng Núp bắn thằng Pháp chảy máu. Đây là lần đầu tiên người Tây Nguyên biết rằng lính Pháp cũng là người, cũng chảy máu giống người mình, không phải quái vật như tin đồn. Để từ đó, đã mở ra một thời đánh Pháp lan rộng khắp núi rừng Tây Nguyên...

“Tôi bây giờ cũng thế. Cũng đã bắn cho ngành giáo dục ‘chảy máu’ trước, để sau đó, mọi người tin và cùng nhau tham gia công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện ngành giáo dục Việt Nam”.

Tố Vương

Tin cùng chuyên mục