Để nông dân yên tâm sản xuất
Đạt Butter là một doanh nghiệp xã hội, ra đời từ trăn trở của đội ngũ sáng lập trước thực trạng của nông sản Việt, dù đa dạng, nhưng mới chủ yếu được bán ở dạng thô, chưa qua chế biến; hoặc quá trình chế biến lại lạm dụng hóa chất, phụ gia...
“Phát âm tiếng Anh, ‘Đạt Butter’ tương tự ‘that’s butter’, có nghĩa là: ‘đây mới thực sự là bơ”. Chúng tôi luôn nỗ lực sản xuất ra sản phẩm tự nhiên từ các loại hạt ngon nhất, chỉ sử dụng các thành phần bản địa tự nhiên đạt chất lượng cao, đạt các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm”, Đạt chia sẻ.
Chàng trai sinh năm 1987 cùng các cộng sự của mình khát khao giúp nông dân - những người trực tiếp tạo ra sản phẩm - có vị trí xứng đáng hơn trong chuỗi giá trị và cải thiện thu nhập bằng cách hướng dẫn họ trồng và sản xuất các sản phẩm tự nhiên.
Để có được niềm tin từ nông dân, Đạt Butter phải đảm bảo đầu ra có giá tương xứng với công sức của bà con, để họ yên tâm lao động, sản xuất, không lo được mùa mất giá hay được giá mất mùa.
Đội ngũ Đạt Butter trực tiếp thử nghiệm trước giống cây trồng, phương pháp canh tác không hóa chất độc hại, sau đó từng bước hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật cho bà con nông dân. Họ sử dụng nguồn nguyên liệu địa phương để làm phân bón, như phân bò, xác bã thực vật, tro, trấu... để cung cấp dinh dưỡng cho đất. Bên cạnh đó, rễ cây họ đậu có các nốt sần có khả năng cố định đạm. Đất phì nhiêu sẽ cho ra cây trồng khỏe mạnh. Đó là lý do tại sao, phân bón hóa học, thuốc trừ sâu là không cần thiết.
Đạt cho biết, trong 1- 2 năm đầu khi chuyển đổi canh tác theo phương thức của Đạt Butter (chuyển từ cach tác có sử dụng phân thuốc hóa học độc hại sang hướng tự nhiên, sử dụng phân thuốc hữu cơ), thì sản lượng có thể giảm khoảng 20%. Tuy nhiên, năng suất sẽ được cải thiện sau 2 - 3 năm, khi đất đai được cải tạo màu mỡ hơn, người nông dân bắt đầu quen với phương pháp canh tác mới và áp dụng máy móc thiết bị.
Hiện tại, Đạt Butter đang hợp tác với 16 hộ nông dân ở Hòa Bình, Hà Tĩnh và Củ Chi (TP.HCM). Sản lượng hàng tháng của doanh nghiệp đạt khoảng 3.000 đơn vị sản phẩm các loại (bơ đậu phộng, bơ điều, dầu đậu phộng…). Đạt Butter mua sản phẩm của nông dân với giá cao hơn 1,5 - 2 lần so với mặt bằng chung.
“Nông sản tự nhiên, không hóa chất độc hại có giá cao hơn giá nông sản thông thường là điều dĩ nhiên, bởi người nông dân đầu tư nhiều công sức, tâm huyết hơn, sản phẩm chất lượng hơn và an toàn cho người tiêu dùng”, Đạt nói.
Giải pháp tối ưu chi phí
Tại thị trường nội địa, Đạt Butter đang tập trung cho 3 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM với hơn 100 điểm bán, phục vụ người tiêu dùng quan tâm đến sức khỏe, ăn chay, luyện tập thể thao…
Còn với thị trường xuất khẩu, trong ngắn hạn, doanh nghiệp này tập trung cho thị trường Singapore, Nhật Bản và trong dài hạn sẽ hướng đến người tiêu dùng khu vực châu Âu, Bắc Mỹ - những nơi mà người dân có thói quen ăn bơ hằng ngày.
Theo thống kê mới nhất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến đầu tháng 4/2021, có khoảng 101.550 lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, tập trung nhiều ở TP.HCM và Hà Nội.
Theo Đạt, chế độ ăn hằng ngày của người nước ngoài thường không thể thiếu các loại bơ hạt. Trong khi đó, trên thị trường hiện không có loại bơ hạt nào là hữu cơ hoặc hoàn toàn tự nhiên do doanh nghiệp Việt sản xuất. Hầu hết các nhãn hiệu bơ hạt được nhập khẩu, sản phẩm không còn tươi mới hoặc có chứa chất phụ gia, chất bảo quản.
Ở các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, việc ăn chay khá phổ biến, do tín ngưỡng đạo Phật, song chế độ ăn uống này không có nhiều sản phẩm cung cấp protein để nuôi dưỡng cơ thể, tạo năng lượng. Bơ đậu phộng là thực phẩm chứa nhiều protein, rất cần thiết cho những bữa ăn này.
Để có nguồn nguyên liệu chất lượng, phải tập trung vào phần gốc của chuỗi sản xuất, bắt đầu từ nông dân và cải tạo vùng canh tác. Cây đậu phộng là loại cây có thể cải tạo đất rất tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng ở các vùng miền khác nhau của Việt Nam. Còn hạt điều là đặc sản của Việt Nam, được các thực khách trong và ngoài nước rất yêu thích. Sản lượng xuất khẩu điều của Việt Nam nhiều nhất thế giới. Đạt tin rằng, đây chính là hai nguyên liệu tuyệt vời để chế biến bơ.
Trong 6 tháng tới, Đạt cùng đội ngũ sáng lập sẽ tập trung xây dựng, đào tạo đội ngũ nhân sự, mở rộng vùng trồng ở Tây Ninh cùng một số tỉnh ở phía Bắc và Nam bộ, đồng thời phát triển một số sản phẩm mới như dầu mè, dầu lạc, bơ điều ca cao…
Giá nguyên liệu, chi phí vận chuyển, chi phí quản lý sản xuất, hệ thống chất lượng để đảm bảo sản phẩm đến tay người tiêu dùng an toàn, chất lượng và tươi mới… đều là những yếu tố tác động đến giá bán sản phẩm. “Chúng tôi đang tìm cách tối ưu các chi phí này để giúp nhiều người có thể tiếp cận sản phẩm an toàn, chất lượng và nông dân vẫn được trả công xứng đáng theo hướng canh tác bền vững”, Đạt kỳ vọng.