Trần Anh tăng trưởng đột biến khi 'hòa tan' vào Thế Giới Di Động

Điện máy Trần Anh ghi nhận doanh thu tháng đầu năm nay đạt 308 tỷ đồng, tăng hơn trăm tỷ so với mức bình quân mỗi tháng của năm 2017.
Doanh thu tháng đầu năm của Trần Anh đạt 308 tỷ đồng.

Báo cáo tóm tắt hoạt động kinh doanh tháng đầu năm 2018 của Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG - HOSE) ghi nhận 7.861 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kết quả này giúp doanh nghiệp dẫn đầu thị phần bán lẻ điện máy tại Việt Nam hoàn thành 9% kế hoạch cả năm.

Trong tháng đầu tiên hợp nhất vào Thế Giới Di Động, chuỗi điện máy Trần Anh chiếm tỷ trọng gần 4% trong cơ cấu doanh thu, tương đương 308 tỷ đồng.

Dù tuyên bố không đẩy mạnh hoạt động bán hàng và đầu tư, nhưng doanh thu của Trần Anh vẫn tăng đột biến so với mức bình quân mỗi tháng năm ngoái là 205 tỷ đồng.

Ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc Thế Giới Di Động cho biết, giai đoạn cuối năm 2017, doanh nghiệp này chưa can thiệp vào hoạt động của Trần Anh nhưng kết quả kinh doanh vẫn giảm mạnh do thông tin liên quan đến thương vụ này gây ảnh hưởng đến tâm lý mua sắm của khách hàng và hai doanh nghiệp chỉ tập trung hoàn thiện thủ tục M&A khiến một số siêu thị rơi vào tình trạng thiếu hụt hàng hóa, bán cầm chừng.

Hiện, Thế Giới Di Động không có kế hoạch phát triển Trần Anh vì 35 cửa hàng của thương hiệu này chính thức “hòa tan” vào chuỗi siêu thị Điện máy xanh. 

Tháng 1/2018, chuỗi siêu thị điện máy dẫn đầu tỷ trọng đóng góp doanh thu của Thế Giới Di Động với hơn 53%, tương đương 4.167 tỷ đồng.

Trong khi đó, doanh thu của chuỗi điện thoại trong tháng đầu năm chỉ đạt 3.182 tỷ đồng, giảm đến 11% so với cùng kỳ dù số lượng cửa hàng tăng hơn 100 cái.

Điều này đúng với dự báo của một số công ty chứng khoán về việc chuỗi điện máy sẽ trở thành động lực tăng trưởng chính do thị trường điện thoại đã tiến tới giai đoạn bão hòa, trong khi quy mô chuỗi bách hóa vẫn chưa đủ lớn.

Năm nay, Thế Giới Di Động đề ra mục tiêu doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế hợp nhất lần lượt là 86.390 tỷ và 2.603 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 30% và 18% so với năm trước.

Bình quân mỗi ngày chuỗi bán lẻ điện thoại – điện máy, bách hóa và bán hàng trực tuyến mang về cho công ty khoảng 236 tỷ đồng.

Để thực hiện mục tiêu này, ban lãnh đạo doanh nghiệp cho biết sẽ kiểm soát chặt chẽ và nâng cao chất lượng phục vụ, duy trì vị trí dẫn đầu về kinh doanh điện thoại – điện máy trực tuyến và mở rộng ngành hàng trên trang thương mại điện tử.

Dù hoàn tất thủ tục mua lại chuỗi nhà thuốc Phúc An Khang và dự kiến mở 100 cửa hàng tại TP.HCM ngay trong năm nay, nhưng công ty không tiết lộ mục tiêu doanh thu từ ngành hàng này.

Thế Giới Di Động dự kiến tăng vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng nhằm phục vụ kế hoạch phát triển kinh doanh. Vốn tăng thêm được lấy từ lợi nhuận chưa phân phối, vốn vay trung dài hạn và vốn tự có.

Công ty cũng đề xuất huy động 3.000 tỷ đồng - gấp sáu lần so với năm 2017, đầu tư cho chuỗi siêu thị mini Bách Hóa Xanh để bao phủ khu vực TP.HCM với khoảng 1.000 cửa hàng vào cuối năm, đồng thời mở rộng phạm vi hoạt động tại Tiền Giang nhằm thử nghiệm quy trình giao nhận hàng ngoại tỉnh của trung tâm phân phối


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục