Trăm nẻo tiền vào địa ốc

(ĐTCK) Nếu như trước đây, người cần vốn mua nhà phải đến ngân hàng “gõ cửa” và không dễ dàng được đáp ứng, thì nay, các nhà băng luôn phải là người chủ động trong việc tìm “ven” để “bơm” vốn. 
Dòng vốn từ nhiều nguồn đang đổ mạnh vào thị trường Dòng vốn từ nhiều nguồn đang đổ mạnh vào thị trường

“Thượng đế” đã mỉm cười?

Chưa bao giờ cuộc “chạy đua vũ trang” đưa tiền vào địa ốc của các nhà băng lại nóng như hiện nay. Để có thể thắng trong cuộc chiến giành lại thị phần tín dụng bất động sản, các ngân hàng liên tục tung “chiêu” thu hút khách hàng, không chỉ bằng lãi suất rẻ, thậm chí đến 0%/năm, mà còn tìm nhiều cách để thông đường vốn này. Nhân viên tín dụng “săn” khách hàng đến tận “chân trời góc bể” với kỳ vọng hoàn thành chỉ tiêu dư nợ tín dụng được giao.

Theo lời kể của chị Nguyễn Ngọc Linh (Thủ Đức, TP. HCM), chưa bao giờ chị thấy vay mua nhà dễ như hiện nay. Điều khiến chị cảm thấy hài lòng là thủ tục vay vốn không còn rườm rà như trước. Đồng thời, qua tham khảo, chị được biết, lãi suất trong thời gian tới sẽ không biến động nhiều, nên với mức thu nhập của hai vợ chồng trẻ khoảng 15 triệu đồng/tháng, chị yên tâm hơn khi quyết định vay tiền mua nhà định cư.

Trăm nẻo tiền vào địa ốc ảnh 1

 Ngân hàng đến tận chân công trình tư vấn cho khách mua nhà

“Tôi chỉ cần cầm điện thoại gọi đến ngân hàng đã được nhân viên tư vấn kỹ lưỡng và chỉ vài tiếng sau đó đã thấy một cậu ở bộ phận tín dụng xuống làm thủ tục, thẩm định để tiến hành giải ngân khi chưa đến 2 ngày”, chị Linh nói. 

Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Hào (đang làm việc tại một DNNN) chia sẻ: “Trước đây, muốn vay được vốn, tôi phải nhờ vả người quen làm tín dụng mới được xem xét hồ sơ nhanh. Nhưng giờ thì không cần, vì mỗi ngày nhận được cả chục cuộc gọi mời vay vốn mua, sửa chữa nhà, lãi suất ưu đãi”.

Thực tế, cùng với sự ổn định hơn của giá cả bất động sản, thanh khoản thị trường tăng lên, hàng loạt nhà băng cũng nhân cơ hội đẩy vốn vào bất động sản.

ACB vừa triển khai sớm tín dụng ưu đãi năm 2016 lãi suất từ 7,8%/năm dành cho vay mua nhà, tiêu dùng linh hoạt, tiêu dùng tín chấp, sản xuất - kinh doanh dịp Tết. Ông Từ Tiến Phát, Phó tổng giám đốc ACB cho biết, tổng hạn mức dành cho các chương trình ưu đãi tín dụng này lên đến 15.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, VIB ưu đãi cho vay mua nhà đất, ôtô, kinh doanh nhân dịp Tết Bính Thân 2016, lãi suất 8,99%/năm trong 12 tháng đầu hoặc 7,99%/năm trong thời gian 6 tháng đầu của khoản vay dành cho khách hàng vay mua nhà đất, xây dựng, sửa chữa nhà. HDBank có gói tín dụng “Vay tiền phát lộc” 3.000 tỷ đồng và đầu 2016, ngân hàng này còn tung ra chương trình lãi suất 0%/năm dành cho cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu mua căn hộ thuộc Dự án Dragon Hill Residence and Suites I, Dragon Hill Residence and Suites II và biệt thự dự án Dragon Parc của CTCP Địa ốc Phú Long…

Nếu trước đây, chỉ những người đáp ứng đủ điều kiện mới tiếp cận được khoản vay của gói vốn ưu đãi 30.000 tỷ đồng, lãi suất 5%/năm, thì nay, nhiều ngân hàng liên kết với chủ đầu tư tung ra hàng loạt gói tín dụng với ưu đãi “sốc” không kém.

Ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc HDBank cho biết, sản phẩm cho vay mua nhà là một trong những sản phẩm trọng tâm của HDBank, với gần 200 dự án liên kết để đẩy mạnh vốn cho khách hàng cá nhân vay mua nhà. HDBank chỉ áp dụng phí phạt trả nợ trước trong trường hợp khách hàng trả không theo lịch đã ký kết, tuy nhiên chỉ áp dụng cho các năm đầu, dao động từ 1 - 3%/số tiền trả trước và giảm dần.

Tìm “ven” dẫn vốn

Ngân hàng đã nóng lòng cho vay, các chủ đầu tư cũng “sốt sắng” không kém, bởi nếu muốn bán được hàng, họ phải tăng sức cầu bằng cách kết hợp với ngân hàng đưa ra các gói tín dụng ưu đãi thu hút người mua nhà. Thậm chí, một vài chủ đầu tư còn chia sẻ gánh nặng lãi suất để gây sự chú ý đối với người mua.

Đơn cử như chương trình cho vay lãi suất 0%/năm trong suốt 36 tháng của Viet Capital Bank liên kết cùng chủ đầu tư Khang Điền hỗ trợ khách hàng cá nhân vay vốn mua nhà ở thuộc Dự án Mega Village. Khách hàng còn được vay lên đến 100% giá trị hợp đồng mua bán (nếu tài sản bảo đảm là bất động sản khác và mức cho vay lên đến 70% giá trị của bất động sản do ngân hàng định giá), hoặc được vay 75% giá trị hợp đồng mua bán với tài sản bảo đảm là chính bất động sản sẽ mua.

Công cuộc tìm đường dẫn vốn vào địa ốc của ngân hàng đang ngày một rầm rộ. Dù mạng xã hội, điện thoại… tạo ra những kênh tiếp thị rất sôi động, nhưng không phải vì thế mà nhân viên tín dụng không len lỏi vào tận các ngõ ngách, con phố để tiếp cận gần hơn, đem vốn tới tận tay người tiêu dùng. Ngay tại các công trình, dự án đang xây dựng và mở bán, các nhà băng thường đóng “chốt”, nhân viên tín dụng trực 24/7 để đáp ứng ngay yêu cầu khi “thượng đế” cần vốn.

Cuộc “săn lùng” khách hàng cá nhân mua nhà được nhân viên tín dụng “tấn công” tứ phía, bằng mọi cách: qua tin nhắn, email, tờ rơi, điện thoại… hoặc đến tận ngõ ngách của từng con hẻm, phố phường hay đóng “chốt” tại công trình để mời gọi.

Quang Hưng, một nhân viên tín dụng của ACB cho hay, nhiều đêm anh “mất ăn, mất ngủ” vì nỗi ám ảnh chỉ tiêu, không biết có hoàn thành được định mức được giao để hưởng đủ thu nhập hay không. Theo anh Hưng, nhu cầu của người vay hiện bắt đầu gia tăng, nhưng cuộc cạnh tranh để giành thị phần tín dụng tiêu dùng cũng khốc liệt hơn trước, khi dòng vốn của các ngân hàng đang hướng về “miền đất hứa” bất động sản quá nhiều.

Chính điều này đã đem lại điều kiện khá tốt cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn sản phẩm, dịch vụ khoản vay với lãi suất cạnh tranh và nhiều ưu đãi cộng kèm, nhưng buộc các nhân viên tín dụng nhà băng cạnh tranh dữ dội trong việc tìm kiếm khách hàng.

Ngân hàng áp chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ xuống từng cán bộ tín dụng. Nếu trong tháng hoặc quý không hoàn thành định mức đưa ra thì đương nhiên không có tiền thưởng, thậm chí lương cũng bị cắt giảm. Tại một số ngân hàng, ngay cả các “sếp” chi nhánh cũng dễ mất ghế nếu không hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được giao. Đó cũng chính là lý do buộc các nhân viên tín dụng phải bôn ba “trăm nẻo” đưa tiền vào địa ốc.

Một nhân viên tín dụng của TPBank cho hay, trong 1 năm trở lại đây, hoạt động cho vay mua nhà sôi động hẳn khi bất động sản khởi sắc. Điều này đã đem lại cơ hội cho anh trong việc của một chuyên viên tín dụng, nhưng cũng tạo áp lực không kém. Vì so với các nhà băng bạn, TPBank là ngân hàng vừa và nhỏ, vị trí trên thị trường chưa lớn, nên để cạnh tranh thu hút được khách hàng vay là không dễ.

Nhưng chính nhờ lãi suất giảm, ổn định, cũng như sự cạnh tranh trong việc cung cấp dịch vụ của các ngân hàng đã giúp khách hàng tự tin hơn trong vay vốn mua nhà…, tín dụng từ đó cũng được khơi thông. Điều này thể hiện rõ nhất ở chỉ số tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã có dấu hiệu khởi sắc năm 2015 khi dư nợ đạt 18%.

Nhiều chuyên gia ngân hàng cho rằng, năm 2016, dòng tiền đổ vào địa ốc sẽ còn tăng, dù Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang có động thái siết lại.

Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ VIB, ông Godfrey Swain nhận định, lãi suất huy động tăng cuối năm 2015 phần lớn là do cạnh tranh tiền gửi huy động giữa các ngân hàng, chứ không hoàn toàn do các yếu tố kinh tế vĩ mô. Theo kịch bản tích cực từ Ngân hàng Nhà nước đưa ra, lạm phát sẽ được duy trì và giúp lãi suất đi ngang, hỗ trợ cho nền kinh tế. Do đó, ông Godfrey cho rằng, lãi suất cho vay mua nhà sẽ vẫn được duy trì mức tốt như hiện nay. Nếu có tăng cũng chỉ tăng nhẹ chứ không đột biến.

Thực tế, lãi suất hiện không còn là rào cản lớn với khách hàng khi ổn định ở mức dưới 10%/năm trong thời gian dài. Điều quan trọng mà khách hàng cần lưu ý là lựa chọn sản phẩm nhà ở phù hợp với khả năng tài chính, khả năng trả nợ, xác định thời gian, tính linh hoạt của khoản vay, nhất là cách tính lãi phạt trả nợ trước hạn.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Thùy Vinh
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục