Nặng gánh thua lỗ đầu tư tài chính
Trên thị trường, Tổng CTCP Xây lắp dầu khí Việt Nam - PVC (mã PVX) được biết tới như là doanh nghiệp chủ lực trong lĩnh vực xây lắp chuyên ngành dầu khí. Trải qua thời kỳ phát triển "nóng" giai đoạn 2008-2010, cổ phiếu được nhà đầu tư ưa chuộng, PVX thành lập hàng loạt công ty liên doanh, liên kết trong nhiều lĩnh vực như xây dựng, bất động sản, tài chính... Tuy nhiên, khi "cơn sốt" qua đi, việc các thành viên làm ăn thua lỗ đã tác động tiêu cực tới PVX.
PVX cho biết, trong năm 2017, hầu hết các công ty con kinh doanh thua lỗ (chỉ có 3/9 đơn vị có lãi là DOBC, PVC-Bình Sơn và PVC-MS). Cùng với đó, PVX còn ghi nhận lỗ hơn 22,8 tỷ đồng bởi phần lỗ từ công ty liên doanh, liên kết. Điều này đã ảnh hưởng xấu tới kết quả kinh doanh hợp nhất của Công ty.
Báo cáo tài chính năm 2017 cho thấy, PVX có khoản phải thu cho vay ngắn hạn hơn 534 tỷ đồng và phải trích dự phòng 334 tỷ đồng. Trong danh sách này có nhiều công ty thuộc diện PVX phải thoái toàn bộ vốn như CTCP Khách sạn Lam Kinh (phải thu 200 tỷ đồng, dự phòng 124 tỷ đồng), CTCP Đầu tư thương mại dầu khí IDICO (phải thu 101 tỷ đồng), CTCP Tổng công ty Xây lắp dầu khí Nghệ An (phải thu 22,6 tỷ đồng, dự phòng 10,4 tỷ đồng), CTCP Thiết bị nội - ngoại thất dầu khí (phải thu 10,9 tỷ đồng, dự phòng 10,9 tỷ đồng). Đây là khoản PVX vay từ Oceanbank để thanh toán hộ các công ty liên quan. Được biết, PVX đang đàm phán với OceanBank để gia hạn thời gian thanh toán các khoản vay, cũng như làm việc với các công ty để thu hồi các khoản thanh toán hộ.
Song song với đó, danh sách nợ xấu của PVX cũng xếp hàng dài với 13 công ty và chỉ 5 công ty có khả năng trả nợ (có thể thu hồi được khoảng 10-20% giá trị khoản nợ). Có thể kể ra một số cái tên thuộc diện thoái vốn không còn có khả năng trả nợ là CTCP Xây lắp dầu khí Hà Nội (209,9 tỷ đồng), CCTP Xây lắp dầu khí miền Trung (61,7 tỷ đồng), CTCP Thi công cơ giới và lắp máy dầu khí (75,6 tỷ đồng), CTCP Xây lắp dầu khí 2 (27,4 tỷ đồng) và nhiều công ty liên doanh, liên kết khác.
Tại thời điểm cuối năm 2017, sau khi thoái vốn khỏi CTCP Đầu tư thương mại dầu khí Sông Đà (PVSD), PVX còn 9 công ty con và 11 công ty liên kết. Giá trị khoản đầu tư vào các công ty liên kết là 779,7 tỷ đồng, nhưng con số lỗ của các công ty này lên tới 716 tỷ đồng, dẫn đến khoản lỗ đầu tư tài chính hơn 63,5 tỷ đồng. Chưa dừng ở đó, PVX còn có những khoản đầu tư góp vốn khác giá trị khoảng 220 tỷ đồng, nhưng cũng phải trích dự phòng tới 166,3 tỷ đồng.
Tính đến 31/12/2017, tổng giá trị đầu tư của PVX vào 30 đơn vị thành viên là 3.148,74 tỷ đồng và tổng giá trị trích lập dự phòng đầu tư tài chính lũy kế là 1.629,94 tỷ đồng. Theo PVX, hầu hết các đơn vị đều có khả năng tiếp tục kinh doanh thua lỗ trong năm 2018 cũng như các năm tới, nên còn phải tiếp tục trích lập dự phòng đầu tư tài chính bổ sung.
Không dễ thoái vốn
Theo phương án tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020, PVX cần thoái toàn bộ phần vốn góp tại 23 thành viên. Kế hoạch đặt ra cho năm 2017 là thoái phần vốn góp tại 10 đơn vị, nhưng chỉ thoái thành công tại PVSC và thu về 30 tỷ đồng (trên 30 tỷ đồng giá trị đầu tư).
Thời gian qua, PVX đã hoàn thành việc rút toàn bộ phần vốn góp tại CTCP Đầu tư dầu khí Nha Trang (INT) sau khi chuyển quyền phát triển Dự án Sân golf và biệt thự sinh thái Cam Ranh - Khánh Hòa của INT cho đối tác là CTCP Dịch vụ và xây dựng địa ốc Đất Xanh.
PVX cho biết, với danh sách thoái vốn còn dài, trong khi phần lớn các thành viên nằm trong kế hoạch thoái vốn kinh doanh thua lỗ, nên việc tìm kiếm đối tác nhận chuyển nhượng gặp nhiều khó khăn, nếu có thì mức giá chuyển nhượng rất thấp; quá trình thoái vốn bị kéo dài do thủ tục pháp lý gặp vướng mắc khi triển khai. Bên cạnh đó, PVX dự kiến sẽ phải hạch toán lỗ chênh lệch giá các khoản đầu tư này do giá thị trường thấp hơn so với giá trị sổ sách.
Hiện PVX đang trích lập dự phòng theo giá trị sổ sách theo quy định tại Thông tư 200/2014/TT-BTC. Đơn cử, tại thời điểm 31/12/2017, giá trị sổ sách phần vốn góp của PVX tại PVC-Petroland là 367,5 tỷ đồng, giá trị phải trích tính theo giá thị trường ngày 31/12/2017 là 214,4 tỷ đồng và đã trích lập 69,75 tỷ đồng, chênh lệch phải trích thêm nếu theo giá thị trường là 144,65 tỷ đồng; tại PVC-Đông Đô, giá trị sổ sách là 195,1 tỷ đồng, giá trị phải trích theo giá thị trường ngày 31/12/2017 là 170,74 tỷ đồng và đã trích lập 59,58 tỷ đồng, chênh lệch phải trích thêm nếu theo giá thị trường là 111,1 tỷ đồng.
Đầu tư tài chính chỉ là một vấn đề của PVX, bên cạnh những rủi ro khác như lãi vay, biến động về nhân sự cấp cao, tiến độ Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2... Những yếu tố này sẽ tác động lớn đến tình hình kinh doanh năm 2018 của PVX. Hiện tại, PVX mới chỉ đưa ra chỉ tiêu doanh thu cho năm 2018 là 3.800 tỷ đồng, mà chưa công bố cụ thể chỉ tiêu lợi nhuận.