Trái phiếu xanh: Công cụ thúc đẩy phát triển năng lượng xanh ở Việt Nam

(ĐTCK) Một trong những mục tiêu chính của cải cách kinh tế vĩ mô là thiết lập khung chính sách và tạo ra các công cụ tài chính để huy động vốn cho phát triển bền vững ở Việt Nam thông qua thị trường tài chính. Theo đó, Chính phủ sẽ sử dụng các công cụ thiết yếu trong thị trường tài chính để hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo, một trong số đó là trái phiếu xanh. 
Trái phiếu xanh: Công cụ thúc đẩy phát triển năng lượng xanh ở Việt Nam

Sử dụng trái phiếu xanh như một công cụ cho vay dài hạn

Theo Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050, từ năm 2012, Việt Nam đã có định hướng về tài chính xanh và các sản phẩm tài chính xanh cho thị trường chứng khoán Việt Nam để tạo nguồn tài chính cho tăng trưởng xanh.

Trong lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017-2020, với tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 1191/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14/8/2017), các cơ chế và chính sách phân phối trên thị trường trái phiếu xanh đặt mục tiêu tạo lập khả năng cho phép các tổ chức phát hành huy động vốn thông qua việc phát hành trái phiếu để thực hiện các dự án xanh.

Trong những năm gần đây, các bộ, ngành có liên quan đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ thị trường trái phiếu xanh như hướng dẫn các doanh nghiệp công bố thông tin và minh bạch về hoạt động tài chính xanh, khuyến khích các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán công bố báo cáo thường niên về phát triển bền vững, phát triển xanh, bên cạnh những thông tin về hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã tích cực nghiên cứu các biện pháp nhằm hiện thực hóa sức hút đầu tư vào thị trường trái phiếu xanh của Việt Nam.

Ðồng thời, Việt Nam đang chủ động hợp tác với một số tổ chức quốc tế để phát hành trái phiếu xanh.

Tuy nhiên, việc phát hành trái phiếu xanh chính thức vẫn chưa diễn ra trên thị trường trái phiếu Việt Nam do cần sửa đổi khung pháp lý và các hướng dẫn báo cáo để hỗ trợ một quy mô tăng trưởng bền vững còn nhỏ.

Bên cạnh đó, việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế còn hạn chế và không có đủ các tổ chức độc lập để đánh giá các chỉ số phát triển bền vững cho các công ty, chẳng hạn các tổ chức xếp hạng tín dụng có chuyên môn phù hợp để cung cấp những đánh giá uy tín về “kinh doanh xanh”.

Dẫu vậy, năm 2016, trong chương trình hợp tác với Cơ quan Hợp tác quốc tế Ðức (GIZ), Bộ Tài chính đã thực hiện một chương trình thí điểm về phát hành trái phiếu xanh. Ðây là một chương trình thử nghiệm để chuẩn bị phát hành chính thức trong tương lai gần.

Các chương trình tín dụng xanh cho dự án tái tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam

Ðể thúc đẩy phát triển năng lượng xanh, việc sớm đưa một công cụ tài chính như trái phiếu xanh đi vào thực tiễn là rất cần thiết, song điều quan trọng hơn là tạo ra một khuôn khổ pháp lý có tính hỗ trợ, bao gồm các quy tắc rõ ràng và có hiệu lực, các biện pháp khuyến khích mang tính kinh tế và thông tin.

Thực tế, các ngân hàng thường ngần ngại trong việc cho vay đối với một số công ty hoặc lĩnh vực nhất định, chẳng hạn các mô hình kinh doanh xanh tập trung vào năng lượng tái tạo hoặc hiệu quả năng lượng, bởi vì ngân hàng không muốn hoặc không thể chấp nhận rủi ro bổ sung, đặc biệt là khi phải tuân thủ theo tiêu chuẩn Basel II với tỷ lệ dự trữ bắt buộc cao hơn để đáp ứng các khoản vay có rủi ro cao.

Trong khi đó, lâu nay, các ngân hàng Việt Nam vẫn thường cấp vốn cho các doanh nghiệp nhà nước quy mô vốn lớn, cũng như các hoạt động kinh doanh thông thường, có nghĩa là việc xử lý các công nghệ mới như các dự án công nghệ tái tạo vẫn còn xa lạ với nhiều ngân hàng.

Hơn nữa, các dự án kết nối mạng lưới quy mô lớn được điều hành bởi các công ty lớn cho đến nay đã thống trị ngành công nghiệp tái tạo.

Dẫu vậy, cần xem xét lại việc tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong phát triển năng lượng tái tạo, vì nhóm doanh nghiệp này hiện chiếm tới 98% tổng số doanh nghiệp (theo báo cáo của Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, NCIF 2017).

Trên thực tế, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể đóng các vai trò khác nhau nhằm đảm bảo rằng, kế hoạch năng lượng xanh có thể đạt được vì một số lý do:

(1) Các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và mở rộng sử dụng năng lượng tái tạo cho toàn bộ nền kinh tế nếu hoạt động kinh doanh của họ áp dụng công nghệ tái tạo;

(2) Họ có thể là đối tác nhận thầu (như nhà thầu phụ) hoặc dịch vụ bảo trì cho các nhà phát triển năng lượng tái tạo lớn hơn, cũng như là một phần của chuỗi giá trị năng lượng sạch.

Trên thực tế, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tích cực tham gia vào việc kinh doanh sản xuất thiết bị nhỏ, cung cấp các công trình dân dụng, bán lẻ và bảo trì, có thể có tiềm năng phong phú về chất thải để xử lý năng lượng hoặc sinh khối.

Dựa trên chiến lược của Chính phủ trong hỗ trợ tăng trưởng tín dụng xanh, Ngân hàng Nhà nước đã soạn thảo chương trình tín dụng xanh giá trị khoảng 100 triệu USD áp dụng thí điểm cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, với sự tham gia của 3 ngân hàng thương mại vốn nhà nước
(Vietcombank, BIDV và Agribank) và 1 ngân hàng thương mại tư nhân (Sacombank).

Ðến nay, số lượng các dự án năng lượng tái tạo, quản lý chất thải và  nông nghiệp hữu cơ nhận được khoản vay từ chương trình là 26 triệu USD (GIZ 2016).

Chi phí cho các khoản vay mà chương trình sẽ cung cấp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ thấp hơn từ 1-3%/năm so với thị trường. Ngân hàng Nhà nước sẽ tái cấp vốn cho các ngân hàng tham gia chương trình với lãi suất thấp hơn với mức 1%/năm so với thông thường.

Chỉ số xanh VNSI, công cụ tham khảo hiệu quả cho đầu tư xanh

Tại Việt Nam, một chỉ số xanh được kết hợp với một chỉ số bền vững để tạo ra Chỉ số xanh và bền vững (VNSI).

Chỉ số này sau thời gian thí điểm từ tháng 1 đến tháng 7/2017 đã được sử dụng chính thức tại HOSE. VNSI bao gồm 30 cổ phiếu hàng đầu từ các lĩnh vực quan trọng và được đánh giá lại vào tháng 7 hàng năm.

Sau nửa năm hoạt động, tại thời điểm ngày 29/12/2017, VNSI đứng ở mức 1.256 điểm, tăng 256 điểm so với mức 1.000 điểm cơ sở được thiết lập vào tháng 7/2017, tương ứng tăng 25,6% - là mức tăng tương đối thấp so với các chỉ số khác như VN-Index hay VN30-Index với tỷ lệ tương ứng là 29,55% và 33,91%.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng, VNSI ổn định hơn so với các chỉ số khác bởi có thanh khoản tốt, với giá trị giao dịch bình quân 1.300 tỷ đồng/phiên, tương đương 28% mức bình quân mỗi phiên của toàn thị trường chứng khoán Việt Nam tính đến 29/12/2017 (theo HOSE năm 2018).

Ngoài ra, việc thường xuyên được cập nhật và sửa đổi góp phần cải thiện tính đại diện và tính khách quan của VNSI, qua đó cung cấp một công cụ tham khảo hiệu quả cho các nhà đầu tư đang tìm kiếm đầu tư xanh và bền vững.

Trích dịch “Tài chính xanh tại Việt Nam: Rào cản và giải pháp” của Học viện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADBI)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,193.01 0.0 0.0% 0 tỷ
HNX 226.2 0.0 0.0% 1,701 tỷ
UPCOM 88.15 0.0 0.0% 623 tỷ