Trái phiếu xanh: Có dễ phát hành huy động vốn?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tuy nhiên, hiện các ngân hàng cho vay trong lĩnh vực bảo vệ môi trường còn hạn chế, trái phiếu xanh về bảo vệ môi trường tại Việt Nam hiện chưa có nhiều.
Trái phiếu xanh: Có dễ phát hành huy động vốn?

Trái phiếu xanh là cần thiết

Phát biểu tại Hội thảo "Tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon” do Báo GSGP tổ chức ngày 6/9, nhóm nghiên cứu của GS.TS Trần Ngọc Thơ, TS. Hồ Quốc Tuấn, TS. Lê Đạt Chí và Ths Nguyễn Thị Thu Hà, đã có bài phát biểu tổng quan về “Tài chính xanh và thị trường tín chỉ Carbon”, cũng như những lợi thế mà TP.HCM có thể triển khai thông qua Nghị quyết 98.

Theo nhóm nghiên cứu, TP.HCM hiện đang phát thải khoảng 38,5 triệu tấn Carbon mỗi năm, trong đó ngành sản xuất công nghiệp chịu trách nhiệm cho khoảng 20 triệu tấn và ngành giao thông khoảng 13 triệu tấn.

Với Quyết định số 3273/QĐ-UBND, TP.HCM đặt mục tiêu giảm phát thải 10% vào 2030 và 30% nếu có thêm sự trợ giúp quốc tế, tương đương với khoảng 4-12 triệu tấn Carbon trong vòng 7 năm tới. Có thể nói, đây là một mục tiêu đầy tham vọng.

Phản ứng với mục tiêu này, nhiều doanh nghiệp đã dần bắt đầu hành động. Không chỉ đẩy nhanh tiến bộ trong việc kiểm kê khí thải, các doanh nghiệp có thể chuyển đổi xanh bằng cách thực hiện một loạt các biện pháp, như thay đổi trong hoạt động kinh doanh để giảm tác động tiêu cực đối với môi trường và tạo ra giá trị bền vững.

Cũng theo báo cáo của nhóm nghiên cứu trên, các dự án chuyển đổi xanh có một phủ rộng, bao gồm: sử dụng năng lượng tái tạo, tối ưu hóa hiệu suất năng lượng, thay thế vật liệu xanh hơn, cải tiến quy trình sản xuất, phát triển sản phẩm thân thiện môi trường, thúc đẩy sử dụng công nghệ sạch, tối ưu hóa quản lý chất thải, tích hợp quản lý môi trường vào chiến lược kinh doanh.

Những nỗ lực này không chỉ đáp ứng quy định của Luật Bảo vệ môi trường, chương trình nghị sự của TP.HCM, mà còn giúp doanh nghiệp giảm phơi nhiễm với các rủi ro khí hậu, và đón nhận các cơ hội chuyển đổi xanh mang lại. Trong khi chuẩn bị cho việc tham gia thị trường carbon bắt buộc, các doanh nghiệp tiên phong thậm chí tuyên bố những cam kết tham vọng hơn như trung hòa Carbon (carbon neutral), hoặc phát thải ròng bằng không (net zero).

Với xu hướng này, số lượng và chất lượng các dự án xanh trong những năm tới sẽ tăng lên đáng kể, đòi hỏi thị trường vốn xanh cần được phát triển với quy mô tương ứng. Để điều hướng dòng vốn đến công cuộc giảm phát thải, việc tăng tiếp cận đến các cơ hội từ trái phiếu xanh, cho vay xanh và thị trường carbon trong nước và quốc tế rất quan trọng.

TS. Hồ Quốc Tuấn, Đại học Bristol, Vương quốc Anh cho hay, trước khi về Việt Nam ông đã tham dự hai hội thảo với cùng chủ đề tài chính xanh tại Thụy Sỹ và Singapore. Điều này cho thấy kinh tế đang là xu hướng chung của thế giới.

TS. Hồ Quốc Tuấn, Đại học Bristol, Vương quốc Anh

TS. Hồ Quốc Tuấn, Đại học Bristol, Vương quốc Anh

TS Hồ Quốc Tuấn cũng đưa ra dẫn chứng về mô hình kinh tế xanh của Singapore. Theo Chỉ số Tài chính xanh toàn cầu (Global Green Finance Index), chỉ trong 3 năm, Singapore đã đứng đầu khu vực và xếp thứ 11/86 trung tâm tài chính quốc tế.

Từ năm 2019, Ngân hàng trung ương Singapore (MAS) đã ra mắt Kế hoạch hành động tài chính xanh, định hướng cho việc phát triển hệ sinh thái tài chính xanh. MAS cũng thành lập Ủy ban Công nghiệp tài chính xanh (GFIT) để xây dựng Singapore thành trung tâm tài chính xanh hàng đầu châu Á, sử dụng tài chính xanh và bền vững như một cách tiếp cận chính để đạt các cam kết giảm phát thải.

Trái phiếu xanh là trái phiếu do Chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp phát hành nhằm huy động vốn cho dự án xanh - được ban hành kèm theo các điều khoản đặc biệt về cơ chế trả nợ, truy đòi hoặc miễn truy đòi từ tổ chức phát hành.

Còn theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, Trường Đại học Kinh tế TPHCM, Nghị quyết 98 có hiệu lực từ ngày 1-8 đã mở ra một số cơ hội cho TPHCM, bao gồm quy chế mới trong quản lý ngân sách nhà nước và thí điểm thị trường Carbon.

Do vậy, TP. HCM cần tận dụng các ưu đãi từ Nghị quyết 98 để dẫn dắt dòng vốn quốc tế vào Việt Nam, thông qua việc thúc đẩy giải pháp cải thiện cấu trúc của thị trường và kết nối thị trường trái phiếu xanh và thị trường Carbon tự nguyện trong nước với khu vực.

Theo TS Trần Văn, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển Kinh tế số (IDS), chiến lược tăng trưởng xanh trong giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến 2050 của Việt Nam tập trung vào 3 nhiệm vụ: giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; xanh hóa sản xuất; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.

Đối với TP.HCM, với mục tiêu xây dựng thành Thành phố tăng trưởng xanh, vận dụng các quy định tại Nghị quyết 98 của Quốc hội, hoàn toàn có thể xây dựng đề án huy động trái phiếu xanh của chính quyền địa phương, khuyến khích doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp xanh phục vụ các mục tiêu, chương trình, dự án xanh đáp ứng đủ các tiêu chí phát triển xanh.

Chẳng hạn, với mục tiêu không phát thải, TP.HCM cần sử dụng các nguồn tài chính xanh, kể cả phát hành trái phiếu xanh của chính quyền địa phương (để đầu tư một phần hay toàn bộ) cho các dự án năng lượng tái tạo, như: điện gió ngoài khơi khu vực biển Cần Giờ, điện mặt trời áp mái; hỗ trợ các dự án chuyển đổi năng lượng xanh, sạch; chiếu sáng công cộng bằng năng lượng tái tạo.

Xây dựng hệ thống rác phát điện từ rác thải sinh hoạt thay vì chôn lấp như hiện nay; hỗ trợ sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ; phát triển ngành công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường.

Cũng theo ông Văn, để có thể triển khai rộng rãi tài chính xanh, TP. HCM cần ban hành các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật, đòn bẩy kinh tế cho thị trường trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh để động viên, khuyến khích sự tham gia của người dân và doanh nghiệp, trên cơ sở vận dụng, cụ thể hóa Nghị quyết 98 đã được Quốc hội khóa 15 thông qua.

"TPHCM có thể bắt đầu bằng việc công bố danh mục các dự án xanh với đầy đủ thông tin, tổng mức đầu tư, đánh giá của các định chế tài chính, tư vấn độc lập, cơ quan quản lý nhà nước về tiêu chuẩn xanh, việc huy động vốn, ấn định lãi suất, thời hạn trả nợ trên cơ sở hiệu quả tổng hợp đầu ra của dự án… Từ đó lên kế hoạch huy động vốn bằng trái phiếu chính quyền xanh hay trái phiếu xanh do doanh nghiệp dự án phát hành", TS Văn cho hay.

... nhưng có dễ?

Tại Hội thảo, ông Trường An, đại diện Tập đoàn CT Group cho biết, là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, các công trình bất động sản của CT Group đều đạt những kiểm định và chứng chỉ xanh để có thể tiếp cận được những khoản tín dụng xanh.

Tập đoàn CT cũng đã đầu tư và nghiên cứu các lĩnh vực công nghệ nhằm tối ưu việc giảm phát thải cũng như tối ưu về tiêu thụ năng lượng. Hiện CT Group có viện nghiên cứu tại Pháp chuyên sử dụng thuật toán AI để nghiên cứu các công nghệ tối ưu việc tiêu thụ năng lượng trong các khu công nghiệp, nhà máy và lĩnh vực logictics.

Bên cạnh đó, CT Group cũng đang phát triển mảng vật liệu xây dựng xanh để giảm phát thải khí nhà kính. Ngoài ra, CT Group còn đầu tư phát triển các hệ thống giao thông công cộng nhanh (tàu điện cao tốc và máy bay không người lái) nhằm góp phần thực hiện việc giảm phát thải nhà kính đến năm 2050 đạt net zero.

Mặc dù vậy, hiện các doanh nghiệp cũng đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn tài chính xanh, trái phiếu xanh nếu phát triển các công nghệ nói trên tại Việt Nam. Do đó, các công ty phát triển công nghệ của CT Group đều phải đặt trụ sở tại các nước phát triển như: Pháp, Israel, Thuỵ Sĩ… vì các nước này có khung pháp chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp start up về công nghệ để có thể tiếp cận nguồn tín dụng xanh.

Cũng theo ông Trường An, để có thể tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia vào thị trường tài chính xanh, TP.HCM nên kết nối các nhà làm chính sách, các doanh nghiệp với các quỹ đầu tư, cùng chính chính quyền thành phố để có thể đưa ra các cơ chế, chính sách phát triển thị trường tài chính tại Việt Nam và có thể thí điểm đầu tiên tại TP.HCM.

Chia sẻ kinh nghiệm về tài chính xanh, trái phiếu xanh trên thế giới và tại Việt Nam, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế - tài chính cho biết, nhiều năm trước, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.

Tuy nhiên, vấn đề tài chính về bảo vệ môi trường tại Việt Nam còn nhiều hạn chế, đặc biệt là tín dụng xanh. Hiện các ngân hàng cho vay trong lĩnh vực bảo vệ môi trường còn hạn chế, trái phiếu xanh về bảo vệ môi trường tại Việt Nam hiện chưa có nhiều.

Cũng theo TS Hiếu, trên thế giới, lũy kế đến nay đã có 2,4 ngàn tỷ USD trái phiếu xanh được phát hành. Tại Mỹ, lũy kế đến nay đã phát hành được 400 tỷ USD trái phiếu xanh.

Trong khi đó tại Việt Nam, mới chỉ có 3 doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh với số lượng phát hành rất khiêm tốn. Đó là chưa kể không biết có bao nhiêu nhà đầu tư đã mua loại trái phiếu này. Trên thị trường chứng khoán cũng chưa nghe đến trái phiếu xanh mà chỉ mới phát hành trên thị trường trái phiếu riêng lẻ. Theo TS Hiếu, điều này cho thấy, vấn đề về tài chính xanh, trái phiếu xanh vẫn còn mới mẻ ở Việt Nam.

Để trái phiếu xanh có thể phổ biến tại Việt Nam, theo các chuyên gia, các nhà phát hành phải quan tâm đến 4 vấn đề: Sử dụng vốn thế nào, cho công trình dự án gì; Dự án đó phải được thẩm định chặt chẽ; Các nhà phát hành phải cho nhà đầu tư biết việc quản lý dòng vốn để có nguồn trả nợ cho trái phiếu như thế nào; Báo cáo từ nhà phát hành, công ty kiểm toán, công ty chức năng thật minh bạch.

Từ đó, TS Nguyễn Trí Hiếu kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên - Môi trường cần đưa ra các tiêu chí, quy chuẩn về trái phiếu xanh để các nhà phát hành phải tuân thủ.

"Nếu Việt Nam chuyển động chậm, thì 3-5 năm tới, trái phiếu xanh có lẽ cũng chỉ là “nói cho vui” chứ khó triển khai trên thực tế. Bởi lẽ, ngay cả thị trường trái phiếu thông thường tại Việt Nam cũng đang gặp khó khăn chứ đừng nói là thị trường trái phiếu xanh", TS Hiếu nói.

Để quản lý nguồn tiền thu được từ trái phiếu xanh dùng đúng mục đích, theo TS Hồ Quốc Tuấn, các dự án này cần được kiểm tra và giám sát bởi các bên thứ 3 uy tín. Lãi suất coupon của trái phiếu xanh có thể được thiết kế theo cách liên kết đến lạm phát hay một chỉ số xanh.

Các nghiên cứu cho thấy trái phiếu xanh có rủi ro thanh khoản thấp hơn và việc phát hành trái phiếu xanh có hiệu ứng lan tỏa tích cực đến giá và thanh khoản của cổ phiếu. Trong bối cảnh các công nghệ phát thải thấp đang được phát triển, và đắt đỏ, các dự án chuyển đổi xanh có thể hàm ẩn rủi ro cao, thời gian hoàn vốn dài, đi cùng với tính không chắc chắn trong khả năng tạo ra dòng tiền tương lai.

Nghịch lý nằm ở chỗ, để khuyến khích phát triển, cần duy trì một mức chi phí vốn thấp chảy về cho các dự án này. Khoản chênh lệch này quá lớn khiến việc các ngân hàng e ngại cho vay, bởi họ không thể chấp nhận các dự án rủi ro cao, thời gian hoàn vốn dài trong khi huy động vốn ngắn và trung hạn, với các ràng buộc từ quản trị rủi ro, và duy trì ổn định tài chính của nền kinh tế.

Bằng chứng cho thấy, các dự án điện năng lượng tái tạo trong giai đoạn... đã khiến một khoản vốn lớn tồn đọng và có nguy cơ trở thành nợ xấu. Điều này khiến tín dụng xanh (ngay cả khi đã cộng các dự án có vẻ lệch chuẩn như các dự án nông nghiệp hữu cơ) mới đạt 4% tổng dư nợ của các ngân hàng.

Đối với trái phiếu xanh, rào cản chi phí đang là một thách thức lớn, bao gồm chi phí tư vấn, xếp hạng tín nhiệm và chứng nhận dự án xanh... hiện còn cao, làm giảm động lực phát hành.

Các vấn đề cấu trúc thị trường như thiếu dịch vụ xếp hạng tín dụng, sàn giao dịch chưa phát triển và thiếu bộ khung quy định cùng sự tham gia hạn chế của các nhà đầu tư tổ chức, dẫn đến hầu hết các đợt phát hành đều phải tìm đến nước ngoài hoặc có sự hỗ trợ tài chính từ tổ chức nước ngoài.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 0.0 0.0% 154,884 tỷ
HNX 226.82 0.0 0.0% 1,394 tỷ
UPCOM 88.76 0.1 0.11% 447 tỷ