Theo George Soros, tỷ phú lừng danh người Mỹ, ông chủ Tập đoàn Soros Quantum Fund, phát hành trái phiếu vĩnh viễn là cách dễ dàng, nhanh gọn và ít tốn kém nhất để thiết lập nguồn vốn cần thiết xây dựng nền kinh tế trước các tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, cũng như cuộc khủng hoảng được đánh giá là nghiêm trọng nhất kể từ Đại suy thoái năm 1929 tới nay.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, châu Âu cần khoảng 1.000 tỷ euro để chống trọi trước đại dịch Covid-19. Số tiền này sẽ được sử dụng để xây dựng một quỹ hồi phục kinh tế khu vực này, nhưng phải lấy từ đâu?
Trái phiếu vĩnh viễn không có ngày đến hạn, nên áp lực tài chính lên EU sẽ không lớn trong thời gian tới.
George Soros cho rằng, Liên minh Châu Âu (EU) có thể huy động nguồn vốn bằng việc phát hành các trái phiếu vĩnh viễn, loại trái phiếu không có ngày đáo hạn, tổ chức phát hành sẽ không thu hồi trái phiếu và người nắm giữ sẽ được hưởng lãi suất mãi mãi.
Điều này chưa từng có tiền lệ tại EU, nhất là với giá trị lớn như vậy. Tuy nhiên, trong quá khứ, chính phủ một số quốc gia đã từng dựa vào loại trái phiếu này để huy động tiền vào một số mục đích đặc biệt.
Trong đó, nổi tiếng nhất là trường hợp nước Anh phát hành công trái hợp nhất để tạo nguồn lực cho cuộc chiến tranh của Napoleon, cũng như trái phiếu dành cho chiến tranh thế giới thứ nhất.
Những trái phiếu này vẫn được giao dịch tại London cho tới tận năm 2015, sau đó cả 2 loại đã được Chính phủ Anh thu hồi.
Hay vào những năm 1870, Quốc hội Mỹ cũng phát hành trái phiếu vĩnh viễn để củng cố thị trường trái phiếu nội địa, đồng thời phát hành thêm một số đợt vào các năm sau đó.
Hiện tại, EU đang đối diện với “cuộc chiến” chưa từng có với đại dịch đe dọa tính mạng của người dân, trong khi nền kinh tế chao đảo. Một cuộc chiến như vậy đòi hỏi những phương pháp đặc biệt. Tỷ phú George Soros phân tích, việc phát hành trái phiếu vĩnh viễn mang lại 3 lợi thế rất lớn với EU.
Thứ nhất, bởi vì trái phiếu vĩnh viễn không có ngày đến hạn, nên áp lực tài chính lên EU sẽ không lớn trong thời gian tới.
Tính chất linh hoạt, trả lãi dần mỗi giai đoạn nhất định giúp EU có được nguồn vốn lớn, chi phí thấp, áp lực trả nợ không cao.
Chẳng hạn, với 1.000 tỷ euro trái phiếu vĩnh viễn với lãi suất 0,5%/năm, chi phí trả lãi chỉ vào khoảng 5 tỷ USD/năm.
Con số này chưa tới 3% ngân sách của EU năm 2020. Đáng chú ý, mức lãi suất hiện tại của một trong những trái phiếu kỳ hạn dài nhất (trái phiếu chính phủ Áo kỳ hạn 100 năm) hiện ở mức chưa tới 0,5%/năm.
Thứ hai, thị trường có thể sẽ không “hấp thụ” một lần tất cả trái phiếu với tổng giá trị 1.000 tỷ euro. Do đó, khi phát hành trái phiếu vĩnh viễn, EU có thể dần huy động được số tiền này, mà không cần phải liên tục thực hiện các đợt huy động vốn mới.
Thứ ba, trái phiếu vĩnh viễn do EU phát hành sẽ có sức hấp dẫn trên thị trường. EU không cần tạo nên một hệ thống hay cấu trúc mới để phát hành loại trái phiếu này.
“Những đổ vỡ do đại dịch gây ra chỉ là ngắn hạn nếu giới chức châu Âu có các biện pháp đặc biệt để tránh gây ra tổn thất dài hạn.
Đây là lý do cần có quỹ phục hồi cho khu vực này. Huy động vốn từ trái phiếu vĩnh viễn là cách nhanh, đơn giản và ít tốn kém nhất để thiết lập quỹ này”, George Soros nhận định.
Cùng quan điểm, trong cuộc họp gần nhất của Hội đồng châu Âu ngày 23/4, đại diện Tây Ban Nha đã đưa ra ý tưởng về việc phát hành trái phiếu vĩnh viễn với quy mô lên tới 1.500 tỷ euro.
Tuy cuộc họp chưa đi đến kết luận về vấn đề này, nhưng ý tưởng về trái phiếu vĩnh viễn đã hình thành và có thể sẽ được đề cập tới nhiều hơn trong thời gian tới.
Việc phát hành trái phiếu vĩnh viễn tại châu Âu đang trong thời gian thảo luận, trong khi tại Trung Quốc, hoạt động này đã được tiến hành từ nửa cuối năm 2019.
Theo đó, hơn 400 tỷ nhân dân tệ trái phiếu vĩnh viễn đã được 8 ngân hàng Trung Quốc bán ra thị trường tính tới tháng 10/2019. Mức lãi suất trung bình của các trái phiếu vĩnh viễn là 4,63%, so với mức chỉ 3% đối với trái phiếu chính phủ Trung Quốc kỳ hạn 10 năm.
Đáng chú ý, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã giới thiệu một chương trình hoán đổi với mục tiêu giúp tính thanh khoản của sản phẩm trái phiếu vĩnh viễn trở nên tích cực hơn khi cho phép hoán đổi loại trái phiếu này trên thị trường giao dịch thứ cấp.