Trái phiếu thêm “hàng rào kỹ thuật”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cửa gọi vốn thông qua kênh phát hành trái phiếu vẫn rất lớn, nhưng tổ chức phát hành và nhà tư vấn cần tiếp cận nhà đầu tư một cách chuyên nghiệp hơn sau Nghị định 153/2020/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành.
Nâng chuẩn tổ chức pát hành và nhà đầu tư trái phiếu là rất cần thiết Nâng chuẩn tổ chức pát hành và nhà đầu tư trái phiếu là rất cần thiết

Kênh trái phiếu vẫn chảy mạnh

Thống kê mới nhất từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, tính đến hết tháng 11/2020, dư nợ trái phiếu của các doanh nghiệp vào khoảng 348.456 tỷ đồng, với các thương vụ phát hành lớn tập trung ở hai nhóm tổ chức tín dụng và bất động sản.

Năm 2020 có những cái tên doanh nghiệp bất động sản khá lạ lẫm tích cực tham gia thị trường trái phiếu. Chẳng hạn như Công ty TNHH Bất động sản Vĩnh Xuân có trụ sở tại quận Phú Nhuận, TP.HCM đã phát hành thành công lô trái phiếu giá trị 300 tỷ đồng, với kỳ hạn 36 tháng; Công ty TNHH Điền Phát Land đã phát hành thành công lô trái phiếu có tổng giá trị lên tới 770 tỷ đồng, với kỳ hạn 5 năm, lãi suất cố định 10%/năm trong năm đầu tiên…

Những đợt phát hành có giá trị lớn (trên 1.000 tỷ đồng) đều có sự tham gia của ngân hàng thương mại hoặc công ty chứng khoán liên kết với ngân hàng với vai trò tư vấn, thu xếp hoặc quản lý tài sản đảm bảo. Do có tệp khách hàng lớn, các đơn vị này rất tích cực mời gọi các nhà đầu tư cá nhân tham gia mua trái phiếu do mình tư vấn. Với các công ty chứng khoán, lời mời gọi thường là “nhằm phân tán rủi ro vì đầu tư trái phiếu an toàn hơn cổ phiếu”, còn nhân viên nhiều ngân hàng lại mời người gửi tiền mua trái phiếu với lý do “lãi suất ngân hàng đã và sẽ còn neo ở mức rất thấp”.

Theo anh Văn Bá Hoàng, một nhà đầu tư cá nhân vừa bỏ 1 tỷ đồng mua trái phiếu một doanh nghiệp qua trung gian là một công ty chứng khoán, có hai hình thức mua trái phiếu được các môi giới giới thiệu gồm “trái phiếu được đảm bảo” và “trái phiếu không đảm bảo”.

Ảnh tác giả

Tại Việt Nam cho tới nay, hiện chưa có công ty định mức tín nhiệm nào cung cấp nghiệp vụ định hạng trái phiếu doanh nghiệp, trong khi việc tự đánh giá các trái phiếu vượt quá khả năng của các nhà đầu tư cá nhân

TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính - ngân hàng

Cụ thể, với "trái phiếu được đảm bảo", lãi suất trái phiếu của doanh nghiệp có thể lên tới 14 - 15%/năm được công ty chứng khoán/ngân hàng bảo lãnh, các trái chủ sẽ nhận về lãi suất thấp hơn (khoảng 8 - 9%/năm). Tuy nhiên, trái chủ sẽ được bảo đảm nếu doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán; còn với “trái phiếu không đảm bảo”, rủi ro thanh toán khá cao nhưng cũng sẽ được hưởng lãi suất cao hơn khoảng 4 - 5%.

"Với số tiền đầu tư một tỷ đồng chuyển từ tiết kiệm sang, tôi vừa được hưởng mức lãi suất cao hơn, được trả lãi ba tháng một lần lại có thể vẫn được rút linh hoạt sau một tháng", anh Hoàng cho biết. Chưa kể, chỉ cần đồng ý mua, những nhà đầu tư như anh ngay lập tức được nhân viên ngân hàng đó soạn sẵn hợp đồng với thủ tục đơn giản, nhanh gọn, khi cần bán, ngân hàng cũng sẵn sàng mua lại trái phiếu.

TS. Võ Trí Thành nhận định, thị trường trái phiếu hiện vẫn thiếu các nhà đầu tư dài hạn và chuyên nghiệp, bởi theo ông, "phần lớn các quỹ tài chính ở Việt Nam là quỹ đầu cơ, chưa phải là những định chế tài chính dài hạn nên ngân hàng thương mại vẫn là tay chơi chủ yếu của thị trường trái phiếu”. Do đó, việc đưa ra các cơ chế giám sát chặt chẽ hơn hoạt động phát hành trái phiếu như Nghị định 153 vừa được ban hành là hợp lý trong việc “nâng chất” nhà phát hành và cả nhà đầu tư.

Trong khi đó, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng và các tổ chức tài chính (Bộ Tài chính), ông Nguyễn Hoàng Dương cho biết, rủi ro hiện hữu chính là việc các tổ chức phân phối, bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp (các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán) có thể không thực hiện được các nghĩa vụ, cam kết với nhà đầu tư, đặc biệt là cam kết mua lại trái phiếu tại từng thời điểm do không đáp ứng được các quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính.

“Hàng rào kỹ thuật” cần thiết

Nghị định 153/2020/NĐ-CP đưa ra các yêu cầu cao hơn đối với tổ chức phát hành và các đơn vị trung gian khi thực hiện phát hành riêng lẻ qua việc nâng cao tiêu chuẩn, giới hạn về phát hành trái phiếu riêng lẻ nhằm hạn chế hoạt động phát hành quá mức cho nhà đầu tư cá nhân, đồng thời đưa ra yêu cầu cao hơn về trách nhiệm của các bên tham gia vào quá trình phát hành trái phiếu.

Trong đó, với quy định về việc chào bán trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền, doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện thanh toán đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành hoặc thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong 3 năm liên tiếp trước đợt phát hành trái phiếu (nếu có), trừ trường hợp chào bán trái phiếu cho chủ nợ là tổ chức tài chính được lựa chọn.

Doanh nghiệp cũng phải đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành; có phương án phát hành trái phiếu được phê duyệt và chấp thuận theo quy định; có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện.

Đối với hoạt động chào bán trái phiếu chuyển đổi hoặc trái phiếu kèm chứng quyền, các đợt chào bán trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền riêng lẻ phải cách nhau ít nhất 6 tháng kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán gần nhất. Việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, thực hiện chứng quyền phải đáp ứng về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật.

Đối tượng tham gia đợt chào bán là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhà đầu tư chiến lược, trong đó số lượng nhà đầu tư chiến lược phải đảm bảo dưới 100 nhà đầu tư.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định doanh nghiệp chào bán trái phiếu thành nhiều đợt phải đáp ứng các điều kiện gồm có nhu cầu huy động vốn thành nhiều đợt phù hợp với mục đích phát hành trái phiếu được phê duyệt; có phương án phát hành trái phiếu trong đó dự kiến cụ thể về khối lượng, thời điểm và kế hoạch sử dụng vốn của từng đợt chào bán.

Thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt chào bán không vượt quá 90 ngày kể từ ngày công bố thông tin trước đợt chào bán. Tổng thời gian chào bán trái phiếu thành nhiều đợt tối đa không quá 12 tháng kể từ ngày phát hành của đợt chào bán đầu tiên.

Việc nhân viên ngân hàng chào mời, khuyến khích người dân chuyển tiền từ kênh tiết kiệm sang trái phiếu doanh nghiệp nếu trở thành một xu hướng rộng rãi có thể gây nguy hại cho nhà đầu tư và nền kinh tế, nên dễ hiểu khi Nghị định 153/2021 ra đời, nhiều chuyên gia bày tỏ sự đồng tình với các quy định mới mang tính chặt chẽ hơn này.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) nhận xét, trong thời gian vừa qua, không ít doanh nghiệp hoạt động trồi sụt bởi áp lực trả nợ vay trái phiếu. Điều này phát đi những tín hiệu cảnh báo đầu tiên cho toàn thị trường trái phiếu, bao gồm cả nhà phát hành, đơn vị môi giới cũng như nhà đầu tư.

Tại thị trường trái phiếu Trung Quốc, dù cơ chế giám sát khá chặt nhưng nguy cơ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp đã được cảnh báo đỏ khi năm 2019 ghi nhận kỷ lục các khoản nợ không thể trả đúng hạn với 142 tỷ USD và kể từ đầu năm tới ngày 20/8/2020, số nợ trái phiếu không thể thanh toán tại thị trường Trung Quốc phát sinh thêm 70 tỷ USD.

"Các quy định tại Nghị định 153 không nhằm siết thị trường hay tạo ra rào cản với doanh nghiệp, mà giúp nâng tiêu chuẩn phát hành, đảm bảo được quyền lợi cho các nhà đầu tư tham gia thị trường", ông Hải phân tích.

Dưới góc nhìn của đơn vị tư vấn, ông Nguyễn Anh Trung, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Hải Phòng cho rằng, trong cả ngắn hạn hay dài hạn, phát hành trái phiếu vẫn là kênh huy động được các doanh nghiệp, đặc biệt nhóm doanh nghiệp địa ốc quan tâm. Nghị định 153 đặt ra một số yêu cầu cao hơn trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là “hàng rào kỹ thuật” cần thiết để thị trường hoạt động một cách lành mạnh, chuyên nghiệp hơn.

"Với trái phiếu doanh nghiệp, lãi suất là yếu tố quan trọng nhưng với nhà đầu tư tổ chức chúng tôi, còn nhiều yếu tố khác cần xem xét như sức khỏe tài chính, dòng tiền, hoạt động của doanh nghiệp trong thời gian dài", ông Trung chia sẻ.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, một thực tế cho thấy, nhiều nhà đầu tư trên thị trường mua trái phiếu doanh nghiệp vì ham lãi suất cao, nhưng không hề biết phân tích báo cáo tài chính, chưa từng nghe tên về doanh nghiệp phát hành, chỉ mua trái phiếu do tin tưởng ngân hàng là đơn vị phát hành. Điều này rất ngây thơ, bởi ngân hàng chỉ là đơn vị phân phối, không hề chịu ràng buộc trách nhiệm nào nếu rủi ro xảy ra. Tại Việt Nam cho tới nay, chưa có công ty định mức tín nhiệm nào cung cấp nghiệp vụ định hạng trái phiếu doanh nghiệp, trong khi việc tự đánh giá các trái phiếu vượt quá khả năng của các nhà đầu tư cá nhân.

Trang Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục