Trái phiếu quốc tế, cửa vốn rộng cho doanh nghiệp Việt

(ĐTCK) Việc phát hành trái phiếu quốc tế sẽ giúp cho DN có được nguồn ngoại tệ trung, dài hạn với lãi suất thấp hơn lãi suất đi vay thằng.
Trái phiếu quốc tế, cửa vốn rộng cho doanh nghiệp Việt

“Phát súng” đầu tiên trong việc phát hành trái phiếu quốc tế là Chính phủ phát hành  rồi cho Vinashin vay lại vào năm 2005, mặc dù có những điều còn bàn cãi liên quan tới việc sử dụng vốn vay, nhưng trên thực tế, đã khơi thông được một số vấn đề cho việc phát hành trái phiếu quốc tế về sau này.

Việc phát hành trái phiếu quốc tế chủ yếu đến từ các lý do sau: các tổ chức kinh tế cần huy động các nguồn vốn trung và dài hạn, nhưng khả năng trong nước không đáp ứng được; các tổ chức kinh tế cần huy động nguồn vốn cho nhu cầu mở rộng đầu tư các dự án bất động sản, nhưng các tổ chức tín dụng (TCTD) trong nước không đáp ứng được do quy định về hạn mức cho vay bất động sản đã hết; các TCTD cần huy động vốn dài hạn để bổ sung vốn cấp 2 nhằm nâng tỷ lệ an toàn vốn (hệ số CAR) hoặc cải thiện tỷ lệ huy động dài hạn để sử dụng cho vay.

“Việc phát hành trái phiếu ngoại tệ là giải pháp nhanh chóng nhằm giúp các tổ chức kinh tế, TCTD bổ sung các nguồn vốn dài hạn để đầu tư mở rộng kinh doanh trong bối cảnh thị trường trong nước không thể đáp ứng được do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó nguyên nhân quan trọng nhất là sự khan hiếm các nguồn vốn dài hạn”, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Phó tổng giám đốc Ernst&Young Việt Nam nhận định.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, việc phát hành trái phiếu cũng có nhiều cái lợi: thứ nhất, trái phiếu là một kênh để huy động nguồn ngoại tệ trung dài hạn; thứ hai, lãi suất có thể thấp hơn so với lãi suất đi vay thẳng; thứ ba, tính thanh khoản (vì các ngân hàng dễ chuyển nhượng lại hơn so với các khoản cho vay).

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng nhận định, một số doanh nghiệp Việt Nam hiện quan tâm hơn đến việc phát hành trái phiếu ngoại tệ ra bên ngoài với lý do chính không phải là vấn đề lãi suất, mà là tạo nguồn ngoại tệ trung dài hạn. Bởi hiện nay, trong nước vẫn còn nguồn ngoại tệ, nhưng đa số gửi ngắn hạn. Đồng thời, qua việc phát hành trái phiếu, tên tuổi của tổ chức kinh tế đó được giới đầu tư nước ngoài biết đến và cuối cùng là kinh nghiệm được tích lũy, giúp ích cho những lần phát hành sau.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng, có một số vấn đề mà các tổ chức kinh tế cần cân nhắc kỹ trước khi triển khai, bởi không phải doanh nghiệp nào cũng có thể phát hành thành công trái phiếu quốc tế.

Trái phiếu quốc tế, cửa vốn rộng cho doanh nghiệp Việt ảnh 1

Phát hành trái phiếu quốc tế giúp DN giải quyết rất nhiều vấn đề về vốn trung và dài hạn

Ông Phạm Hồng Hải, Phó tổng giám đốc HSBC Việt Nam chia sẻ, việc phát hành ra thị trường của các doanh nghiệp Việt Nam có thành công hay không còn tùy thuộc vào việc chọn thời điểm phát hành, bởi nhìn chung, độ tín nhiệm của các doanh nghiệp Việt Nam còn phụ thuộc vào tín nhiệm tín dụng quốc gia.

Bên cạnh đó, trái phiếu của các doanh nghiệp Việt còn bao gồm các rủi ro khác, theo TS. Lực, gồm: thứ nhất, thời điểm hiện nay lãi suất không phải là tốt (lãi suất cao); thứ hai, rủi ro tỷ giá hối đoái; thứ ba, câu chuyện đầu ra; thứ tư, vấn đề nợ nước ngoài của Việt Nam. Việc phát hành trái phiếu quốc tế này không làm tăng lên nợ Chính phủ, nhưng vẫn tính chung vào nợ nước ngoài của Việt Nam , tuy chưa nguy kịch nhưng vẫn đang tăng đều trong những năm vừa qua.

“Lâu nay, các tổ chức kinh tế tại Việt Nam , kể cả Chính phủ, ít phát hành ra quốc tế, nên số lượng trái phiếu trên thị trường này chưa nhiều, nên thanh khoản thấp, giá đương nhiên sẽ cao. Do vậy, các tổ chức kinh tế phải tính toán rất kỹ lưỡng khi quyết định phát hành”, TS. Lực nói.

 “Các doanh nghiệp Việt Nam khi phát hành trái phiếu quốc tế thường phải chịu lãi suất cao hơn do xếp hạng tín dụng của doanh nghiệp và của quốc gia chưa tốt; cơ cấu quản trị doanh nghiệp; báo cáo tài chính chưa hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế… Tuy nhiên, việc phát hành trái phiếu quốc tế giúp doanh nghiệp giải quyết rất nhiều vấn đề trước mắt về nguồn vốn trung và dài hạn. Thị trường Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng, nên việc phát hành trái phiếu quốc tế vẫn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài có mục tiêu trung và dài hạn ở thị trường này. Do số lượng các doanh nghiệp Việt Nam phát hành trái phiếu quốc tế chưa nhiều, nên mỗi lần các doanh nghiệp Việt Nam phát hành trái phiếu quốc tế là một bài học tốt cho các doanh nhiệp khác nghiên cứu và tham khảo để các lần phát hành sau có giá tốt hơn”, ông Võ Tấn Hoàng Văn nhấn mạnh.

Theo TS. Hiếu, đến lúc các tổ chức kinh tế Việt Nam phải vươn ra nước ngoài tiếp cận thị trường vốn rộng lớn, chứ không thể dựa mãi vào nội lực tài chính. Nhưng quan trọng hơn cả, bằng việc phát hành trái phiếu quốc tế, các tổ chức kinh tế mới chịu áp lực thay đổi thực sự về việc minh bạch sổ sách, sức khỏe tài chính.       

Hà My
Hà My

Tin cùng chuyên mục