Trái phiếu ngắn hạn rơi vào cơn sốt

(ĐTCK-online) Trong tình hình thị trường cổ phiếu đang trải qua những phiên giao dịch với khối lượng rất thấp thì mảng thị trường trái phiếu chính phủ ngắn hạn đang diễn biến ngược lại. Những giao dịch được khối ngân hàng trong nước ví như hoạt động “vơ vét” đang được các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện, và đã bắt đầu xuất hiện những quan ngại nhất định xung quanh diễn biến này.
Trái phiếu ngắn hạn rơi vào cơn sốt

Theo báo cáo của Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội, trái phiếu chính phủ kỳ hạn dài hơn như mức 3, 5 và 15 năm đã gần như không bán được kể từ tháng Hai tới nay. Trong phiên đấu thầu lô lớn gần đây nhất (ngày 28/3), trái phiếu kỳ hạn 5 năm với số lượng 1.500 tỷ đồng và mức lãi suất trần là 8,5% đã không tìm được một chủ nhân nào, các phiên đấu thầu trước đó cũng không khác khi tình trạng “ế hàng” chiếm chủ đạo.

Trong bối cảnh đó chỉ duy nhất trái phiếu kỳ hạn 2 năm lại gặp phải tình thế trái ngược “đắt như tôm tươi”, trong phiên đấu thầu loại trái phiếu chính phủ kỳ hạn 2 năm vào ngày 28/2 thì 700 tỷ đồng được đem ra đấu thầu đã được mua toàn bộ. Không chỉ thông qua đấu thầu, những giao dịch trái phiếu ngắn hạn trên thị trường thứ cấp cũng rất sôi động.

Theo lãnh đạo một ngân hàng trong nước, sở dĩ thị trường trái phiếu ngắn hạn sôi động như vậy là bởi bàn tay của các nhà đầu tư nước ngoài.

“Họ vét trên thị trường, chủ yếu thông qua các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam , có ai bán họ mua hết”, ông này cho biết. “Các nhà đầu tư nước ngoài tập trung vào thị trường trái phiếu là điều dễ hiểu vì chênh lệch lãi suất giữa trái phiếu tại Việt Nam và lãi suất trái phiếu quốc tế là rất cao sau khi FED liên tục cắt giảm lãi suất”.

Việc đầu tư này đáng ra không có gì nhiều để nói, bởi đầu tư vào các công cụ tài chính là một hoạt động bình thường trên thị trường vốn, vấn đề ở chỗ sự tập trung quá lớn vào các loại trái phiếu ngắn hạn mang tính đầu cơ quá cao.

Theo một chuyên gia tài chính, mục tiêu của nhà phát hành (Chính phủ hoặc doanh nghiệp) là thu hút vốn để đầu tư, việc phát hành nhiều kỳ hạn khác nhau cũng theo nhu cầu nguồn vốn của nhà phát hành, riêng đối với trái phiếu chính phủ thì còn có thêm mục đích là rút tiền tạm thời khỏi nền kinh tế để hỗ trợ thực hiện chính sách tiền tệ và tài khóa.

“Việc đầu tư mang tính đầu cơ vào trái phiếu ngắn hạn hiện nay khiến mục đích phát hành không đạt bởi nguồn vốn thu toàn kỳ hạn ngắn, chưa nói là việc đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng quá lớn còn gây áp lực lên tỷ giá bởi nhu cầu đổi từ USD sang VND để đầu tư lại tăng lên nhanh. Thêm vào đó, hút tiền tạm thời cũng không đạt bởi tiền đầu tư là ngoại tệ được chuyển sang VND, tổng cung tiền không đổi”, vị chuyên gia này nhận định.

Đối với một số nước, khi mục đích phát hành không đạt thì họ có thể đưa ra những giới hạn nhất định, đây là quyền của nhà phát hành, chứ không phải là biện pháp hành chính giống như khi một doanh nghiệp phát hành trái phiếu họ có thể lựa chọn phát hành cho nhà đầu tư tổ chức hay cá nhân.

Tất nhiên thị trường trái phiếu Việt Nam vẫn còn rất nhiều điều cần phải hoàn thiện, đặc biệt là vấn đề điều hành kỳ hạn và lãi suất đã được đề cập nhiều. Nhưng trong bối cảnh hiện tại, việc giới hạn tổng mức đầu tư vào trái phiếu ngắn hạn để định hướng luồng vốn đầu tư nước ngoài vào trái phiếu dài hạn là điều được một số định chế tài chính tham gia thị trường trái phiếu nhắc tới.

Vân Anh
Vân Anh

Tin cùng chuyên mục