“Trái phiếu lãi cao” xuất hiện ở Việt Nam

(ĐTCK) “Trái phiếu lãi cao”, công cụ đầu tư phổ biến từ lâu trên thế giới, lần đầu tiên xuất hiện từ Việt Nam trong tháng 10 vừa qua, có thể trở thành cửa vay vốn nước ngoài thích hợp cho các DN trong bối cảnh thị trường tín dụng trong nước vẫn đang khó khăn.
“Trái phiếu lãi cao” xuất hiện ở Việt Nam

Thế nào là trái phiếu lãi cao

Trái phiếu lãi cao (high yield bond) hay còn gọi là “junk bond” là loại trái phiếu có xếp hạng tín nhiệm thấp, nhưng đem đến lãi suất cao cho các NĐT không ngại rủi ro.

Cụ thể hơn, đây là loại trái phiếu có xếp hạng dưới mức BBB, theo tài liệu của Quỹ trái phiếu hàng đầu thế giới PIMCO.

Các trái phiếu có thể được xếp hạng BB hoặc Bb - nghĩa là trái phiếu có một phần tính đầu cơ; hạng B - trái phiếu có tính đầu cơ; hạng CCC hoặc Caa - trái phiếu có thể mất khả năng trả nợ.

Mức xếp hạng của loại trái phiếu này thậm chí có thể xuống thấp đến mức D (đang mất khả năng trả nợ). Xếp hạng của Moody’s có thể thêm số 1, 2, 3; xếp hạng của S&P’s và Fitch có thể thêm dấu cộng (+) hoặc trừ (-) sau các mức xếp hạng.

Bởi mức xếp hạng thấp, nên các DN phải đưa ra lãi suất cao để thu hút NĐT mua trái phiếu. Đối với các NĐT ưa rủi ro, đặc biệt là NĐT châu Á, loại trái phiếu này có thể đóng vai trò quan trọng trong danh mục đầu tư, bởi công cụ này sẽ mang lại lợi nhuận lớn nếu DN được tăng hạng tín nhiệm, hoặc cải thiện hoạt động kinh doanh.

“Trái phiếu lãi cao” xuất hiện ở Việt Nam ảnh 1

Mặc dù có thể huy động được vốn nhưng các công ty có uy tín thấp phải chịu mức giá cao

Bên cạnh đó, theo tài liệu của PIMCO, trái phiếu lãi cao thường ít nhạy cảm với biến động trên thị trường thu nhập cố định và lãi suất.

Việc đầu tư vào trái phiếu lãi cao có thể đem lại lợi nhuận ngang bằng với đầu tư cổ phiếu, trong khi ít có sự biến động hơn.

Lãi suất có thể là 6%/năm hay cao gấp đôi

Theo một bài báo tựa đề “An appetite for junk” trên Tạp chí Economist ngày 19/10, giá trung bình của trái phiếu lãi cao (tức lãi suất trái phiếu) trong tháng 5/2013 thế giới là 6%/năm.

Tại châu Á, lãi suất phát hành của trái phiếu có thể lên tới 12%/năm hoặc hơn, phụ thuộc vào các yếu tố: mức độ tín nhiệm của DN phát hành, tình hình môi trường kinh doanh trong nước, điều kiện phát hành trên thị trường quốc tế…

Tuy nhiên, đôi khi lãi suất phát hành trái phiếu lãi cao có thể xuống thấp bất ngờ. Điển hình là hồi tháng 1 năm nay, Tập đoàn đa ngành JGSH Philippines Ltd. đã phát hành trái phiếu với lãi suất thấp chưa từng có đối với 1 DN Philippines, chỉ 4,375%/năm, kỳ hạn 10 năm.

Giữa năm nay, Tập đoàn kinh doanh tài nguyên Vedanta của Ấn Độ đã phát hành 1,2 tỷ USD trái phiếu với lãi suất 6%/năm, đáo hạn vào tháng 1/2019. Trái phiếu này được Moody’s xếp hạng Ba3, Fitch và S&P’s xếp hạng BB.

Hai tháng gần đây, trái phiếu của một số công ty bất động sản trong khu vực gồm Lippo Karawachi của Indonesia, Agile của Trung Quốc và Kaisa Group của Trung Quốc có lãi suất trong khoảng 7 - 8%/năm, theo số liệu của Asiamoney.

Ngược lại, những công ty uy tín thấp có thể phải chịu mức lãi “cắt cổ”. Một công ty bất động sản cỡ nhỏ của Trung Quốc vào đầu năm nay đã phát hành 275 triệu USD trái phiếu với lãi suất lên đến 12,25%/năm.

Theo tờ WSJ, công ty này trước đó có kể hoạch phát hành 300 triệu USD trái phiếu kỳ hạn 5 năm, với mức lãi suất kỳ vọng 11 - 11,5%/năm.

Nguyên nhân khiến công ty đó phải chịu lãi suất cao là thị trường bất động sản Trung Quốc tăng “nóng” khiến cơ quan quản lý phải đưa ra các biện pháp kìm giá; doanh số của công ty ổn định nhưng biên lợi nhuận thấp, tỷ lệ đòn bẩy cao; đây là thương vụ phát hành trái phiếu đầu tiên của công ty…

Tại Việt Nam, lãi suất khoảng 9,5 - 11,5%/năm

Các NĐT trái phiếu lãi cao khá xa lạ với thị trường Việt Nam. Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường bất động sản nói riêng vẫn đang khó khăn, cộng với “vụ việc” Vinashin, nên mức lãi suất sẽ bị tính rất cao.

Giám đốc bộ phận thu nhập cố định của một công ty chứng khoán ước tính, chứng chỉ tiền gửi (CDs) của Việt Nam có lãi suất 2,5%, rủi ro tỷ giá 1 - 2%, chi phí cho vay USD trong nước là 5 - 7%/năm, ba yếu tố này cộng lại khiến giá phát hành trái phiếu USD của DN Việt Nam vào khoảng 9,5 - 11,5%/năm đối với những DN phát hành không có tài sản đảm bảo.

“Việc phải trả lãi suất trên 11%/năm tiền USD cộng với rủi ro tỷ giá là rất khó khăn. Mức lãi suất này cao hơn mức lạm phát 4 - 6%”, giám đốc phụ trách mảng thu nhập cố định của một quỹ nước ngoài nói.

Mặc dù vậy, trong khi các nhà quản lý đang nỗ lực giảm nợ xấu, NĐT không muốn dồn tiền vào thị trường bất động sản, khiến các DN ngành này không có đủ tài sản đảm bảo để đáp ứng điều kiện cho vay khắt khe của ngân hàng trong nước, thì trái phiếu lãi cao có thể trở thành một cửa huy động vốn từ các nền tài chính phát triển.   

>> Trái phiếu doanh nghiệp “nổi sóng”

>> “Nóng” kế hoạch phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Hải Linh
Hải Linh

Tin cùng chuyên mục