Trái phiếu hút hàng do yếu tố mùa vụ

(ĐTCK) Gần đây, thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) nhộn nhịp trở lại, làm dấy lên hy vọng thị trường này trong năm 2016 sẽ “lợi hại như xưa”.
Nhu cầu TPCP tại các ngân hàng thương mại tăng mạnh trong những tháng đầu năm Nhu cầu TPCP tại các ngân hàng thương mại tăng mạnh trong những tháng đầu năm

Có khoảng 24.300 tỷ đồng TPCP và TPCP bảo lãnh được phát hành thành công trong 2 tuần gần đây, khi nhu cầu TPCP tại các ngân hàng thương mại tăng mạnh. Tỷ lệ trúng thầu trái phiếu tăng so với các tháng trước và đạt mức 100% ở cả 3 kỳ hạn là 3 năm, 5 năm và 15 năm, trong đó TPCP kỳ hạn 5 năm có khối lượng trúng thầu cao nhất, đạt 21.000 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 6/1, phiên đấu thầu đầu tiên trong năm 2016, Kho bạc Nhà nước đã huy động thành công gần 2.400 tỷ đồng/7.000 tỷ đồng TPCP, với 3 kỳ hạn gọi thầu là 3, 5 và 15 năm. Trong đó, trái phiếu kỳ hạn 3 năm có 15 thành viên tham gia dự thầu, kết quả huy động được 1.600 tỷ đồng, với lãi suất trúng thầu 5,76%/ năm. Trái phiếu kỳ hạn 5 năm huy động được 490 tỷ đồng, với lãi suất trúng thầu 6,58%/năm. Trái phiếu kỳ hạn 15 năm huy động được 303,4 tỷ đồng, với lãi suất trúng thầu 7,65%/năm.

Cũng trong tuần đầu tiên của năm 2016, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) gọi thầu tổng cộng 5.000 tỷ đồng, với 4 loại kỳ hạn, trong đó tỷ lệ trúng thầu trái phiếu các kỳ hạn ngắn vượt Kho bạc Nhà nước. Cụ thể, VDB huy động thành công 2.000 tỷ đồng trái phiếu 3 năm (trúng thầu 100%) với lượng đặt thầu gấp 2,3 lần, lãi suất 6,25%/năm, cao hơn 0,49%/năm so với kỳ hạn tương đương của KBNN. Ngoài ra, VDB huy động thành công 75% trái phiếu kỳ hạn 5 năm (đạt 1.500 tỷ đồng) và 30% trái phiếu kỳ hạn 15 năm (đạt 150 tỷ đồng), ở mức lãi suất không đổi.

Trao đổi với ĐTCK, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Kinh doanh trái phiếu và ngoại hối HSBC Việt Nam nêu quan điểm, thị trường TPCP diễn biến tích cực trong những tháng đầu năm 2016 do nhu cầu mua của các nhà đầu tư trong nước khá lớn, đặc biệt là các ngân hàng, để bổ sung nguồn TPCP đến hạn trong quý I là khoảng 55.000 tỷ đồng. Sau Tết Nguyên đán, nguồn tiền VND trở về hệ thống giúp thanh khoản và lãi suất các kỳ hạn ngắn giảm mạnh, qua đó hỗ trợ nhu cầu mua TPCP của các ngân hàng. Lợi suất của TPCP thấp hơn 10 - 30 điểm, tùy từng kỳ hạn, so với mức lợi suất cao nhất trong năm 2016.

“Bên cạnh đó, dự thảo sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được đầu tư TPCP (bao gồm cả các khoản ủy thác cho tổ chức khác mua, đầu tư TPCP, nhưng không bao gồm các khoản mua, đầu tư TPCP bằng nguồn vốn ủy thác từ tổ chức khác) theo tỷ lệ tối đa so với nguồn vốn ngắn hạn là 35%, thay vì 15%, sẽ giúp thu hút nhu cầu đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Khoa nói.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, nhu cầu mua TPCP tăng mạnh với tỷ lệ trúng thầu lần đầu tiên đạt mức 100% trong nhiều tháng gần đây là do yếu tố mùa vụ. Các ngân hàng thương mại ưu tiên mua vào TPCP khi nhu cầu tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm chưa cao. Thị trường TPCP nhiều khả năng sẽ “hạ nhiệt” khi tín dụng tăng lên.

Mặc dù có những bước khởi động khá ấn tượng, nhưng theo ông Khoa, thị trường trái phiếu cũng có những khó khăn nhất định trong năm 2016, khi lãi suất TPCP thực tế hiện ở mức khá thấp trong 5 năm qua, trong khi chi phí vốn được dự đoán sẽ cao hơn năm 2015. Ngoài ra, nguồn cung TPCP trên thị trường sơ cấp tương đối lớn, trong khi các nhà đầu tư vẫn chủ yếu là các ngân hàng trong nước. Lạm phát năm 2016 được dự báo ở mức không cao (khoảng 4 - 5%), nhưng so với mức 0,6% của năm 2015, thì mức dự đoán là khá cao.

Bên cạnh đó, giá cả hàng hóa thế giới hiện ở mức thấp nên khó có khả năng giảm nhiều, khi giá cả hàng hóa đảo chiều sẽ tác động mạnh và nhanh đến lạm phát. Tín dụng năm nay được dự báo tăng khoảng 18 - 20% và sẽ là một trong những kênh thu hút vốn cạnh tranh với TPCP. Nhìn chung, lãi suất sẽ khó có khả năng giảm, nhưng cũng khó tăng nhiều vì còn mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp, phát triển kinh tế và hỗ trợ tỷ giá khi các đồng tiền trong khu vực và thế giới có nhiều biến động như thời gian vừa qua.

“Do đó, lãi suất TPCP có thể sẽ không biến động nhiều, tăng giảm trong biên độ hẹp theo từng thời điểm, tùy thuộc vào thanh khoản tiền đồng, chi phí vốn và chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính”, ông Khoa nhấn mạnh.               

Hồng Dung

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục