Nếu như năm 1994, Nhà máy Xi măng Anh Sơn phát hành 7,7 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đã trở thành đơn vị đi tiên phong trong việc thực hiện Nghị định 120/1994/NĐ-CP (về việc phát hành trái phiếu, cổ phiếu của doanh nghiệp nhà nước) và tháng 6/2006, Công ty Tài chính Dầu khí (PVFC) phát hành 700 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đã trở thành đơn vị “khoá sổ” Nghị định 120 với tổng số tiền mà các doanh nghiệp huy động được trong vòng 11 năm trước thời điểm Nghị định 52 có hiệu lực vào khoảng 1.772 tỷ đồng, thì chỉ trong vòng 1 năm sau khi Nghị định 52 có hiệu lực, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành đã đạt con số 15.000 tỷ đồng (tính đến tháng 8/2007 là 16.000 tỷ đồng).
Tuy nhiên, đánh giá một cách cụ thể thì Nghị định 52 vẫn chưa thực sự nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp, mặc dù theo Nghị định này, mọi loại hình doanh nghiệp nếu có nhu cầu vốn để thực hiện các dự án đầu tư, cơ cấu lại các khoản vay trung - dài hạn, tăng quy mô vốn hoạt động và đáp ứng một số điều kiện (có thời gian hoạt động tối thiểu 1 năm, có báo cáo tài chính năm liền kề trước năm phát hành được kiểm toán và kết quả sản xuất - kinh doanh năm liền kề trước năm phát hành có lãi) đều được phép phát hành trái phiếu để huy động vốn.
Mặc dù không thể phủ nhận sự tham gia tích cực của doanh nghiệp vào thị trường trái phiếu, nhưng kể từ năm 1994 đến nay chỉ có vẻn vẹn 12 doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Sau 1 năm thực hiện Nghị định 52, trên thị trường trái phiếu quanh đi quẩn lại cũng chỉ có vài gương mặt cũ tham gia, như: Vinashin, Tổng công ty Thép Việt Nam, Tổng công ty Sông Đà, Tập đoàn Điện lực (ngoài Vinaconex huy động 1.000 tỷ đồng, Vilemim huy động 5 tỷ đồng...). Nhiều khả năng từ nay đến cuối năm sẽ không có sự đột biến trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Một quan chức Bộ Tài chính cho biết, những doanh nghiệp có nhu cầu huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã gửi hồ sơ lên Bộ đều đã được chấp thuận hết. Đến thời điểm này, Bộ Tài chính chưa nhận thêm hồ sơ đề nghị phát hành trái phiếu doanh nghiệp nào. “Việc phát hành trái phiếu để huy động vốn là quyền của doanh nghiệp, Bộ Tài chính chỉ tạo điều kiện chứ không ép buộc doanh nghiệp phải phát hành hay không cho phép phát hành nếu doanh nghiệp đủ điều kiện”, ông này khẳng định.
Hiện tại, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp/tổng khối lượng trái phiếu đã phát hành của Việt Nam mới đạt 11%, thấp khá xa so với Thái Lan (33%), Trung Quốc (35%), Hàn Quốc (51%), Malaysia (50%)… Trong khi đó, ở những quốc gia kể trên, theo ông Trương Hùng Long, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính - Ngân hàng (Bộ Tài chính) thì chỉ sau khi xảy ra khủng hoảng tài chính tiền tệ ở châu Á (1997 - 1998), Chính phủ các nước này mới nhận thấy cần phải thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển để giảm áp lực cho các ngân hàng thương mại.
Vì sao doanh nghiệp chưa thực sự mặn mà với kênh cung cấp vốn này? Theo phân tích của ông Long, một phần là do thị trường thứ cấp chưa phát triển do nhà đầu tư sau khi mua được trái phiếu doanh nghiệp thì giữ luôn cho đến lúc đáo hạn; cơ sở hạ tầng và các dịch vụ liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp như dịch vụ định mức tín nhiệm, dịch vụ định giá (lãi suất) trái phiếu, dịch vụ lưu ký… chưa phát triển; một số chuẩn mực kế toán quốc tế quan trọng cho hoạt động này chưa được ban hành. Đặc biệt, với những dự án đầu tư có mức độ rủi ro cao, thông thường doanh nghiệp phải có tổ chức đứng ra làm bảo lãnh thanh toán, nhưng đến thời điểm này, thông tư hướng dẫn hoạt động của tổ chức bảo lãnh và đại lý phát hành trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn đang ở dạng… dự thảo.
Một nguyên nhân khác dẫn đến sự thiếu vắng các gương mặt mới trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp có lẽ là do tâm lý trông chờ vào nguồn vốn Nhà nước thông qua kênh phát hành trái phiếu chính phủ. Bởi theo ông Phạm Đức Hồng, Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) thì trong điều kiện thị trường vốn đang phát triển như hiện nay, ngân sách nhà nước hoàn toàn chủ động trong việc cung cấp vốn cho các dự án thông qua việc phát hành trái phiếu chính phủ. Thậm chí, dự án nào có thể hoàn thành trước thời hạn 2 - 3 năm, ngân sách hoàn toàn bảo đảm khả năng cung cấp đủ vốn.