Trái phiếu doanh nghiệp nóng, Quốc hội lo

0:00 / 0:00
0:00
Xem xét kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lo ngại về sự tăng trưởng nóng của thị trường trái phiếu.
Toàn cảnh phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 Toàn cảnh phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021

Tăng trưởng rất nóng

Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nội dung định kỳ hàng năm Chính phủ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp tháng 5. Trình bày báo cáo này tại phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc không đề cập gì trái phiếu doanh nghiệp.

Thẩm tra sơ bộ báo cáo của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đánh giá, năm 2021, thông tin thị trường bất động sản chưa đầy đủ, thiếu minh bạch, giá bất động sản tăng bất thường tại một số nơi.

Cơ quan thẩm tra nhấn mạnh, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển mạnh, nhưng có dấu hiệu “nóng”, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, có doanh nghiệp “lách luật” phát hành trái phiếu sai quy định. Tình trạng một số cá nhân, doanh nghiệp thao túng thị trường chứng khoán gây thiệt hại cho nhà đầu tư, thất thoát lãng phí nguồn lực trong nhân dân.

Cho rằng, vấn đề thị trường vốn, thị trường trái phiếu trong báo cáo nói chưa “đến độ”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt vấn đề, như báo chí nêu, năm 2021, huy động trái phiếu doanh nghiệp đến tận hơn 700.000 tỷ đồng, trong đó 44% là liên quan đến lĩnh vực bất động sản, có đúng không?

“Nếu năm 2017, dư nợ của trái phiếu mới có 3,7% GDP, thì bây giờ lên hơn 14,5% GDP. Quan trọng là năm 2021, Chính phủ rà soát lại số đến hạn là 214.000 tỷ đồng. Số đến hạn đấy có trả được không? Trước đây đến hạn, dòng tiền có thì doanh nghiệp lấy ra trả hoặc người ta cũng buộc phải tính toán đi vay để đảo nợ, nhưng bây giờ cả vay để đảo nợ cũng bị siết. Tác động của Covid-19 khó khăn như vậy thì không có dòng tiền để trả, mà không trả được, nguy cơ là vỡ nợ. Đây có phải vấn đề lớn để kiến nghị Chính phủ quan tâm giải quyết không?”, Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề.

Cho biết, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đang rà soát, giám sát việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Đây là vấn đề vĩ mô. Đến hạn không trả được thì có những doanh nghiệp rao bán dự án để trả nợ, nhưng dự án đã đầy đủ cơ sở pháp lý đâu mà bán. Hai nữa là có đầy đủ pháp lý cũng có ai mua không khi đang vướng vào những sai phạm. Không trả được thì có nghĩa là vỡ nợ. Điểm này rất khác so với những năm trước. Năm 2021, tăng trưởng rất nóng về thị trường trái phiếu doanh nghiệp”.

Từ nhấn mạnh này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nêu thành mục riêng trong báo cáo để báo cáo Quốc hội.

Hồi âm lo ngại của Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, hiện đang sửa Nghị định 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu riêng lẻ. Theo Bộ trưởng, Nghị định 153/2020/NĐ-CP khi ra đời rất muốn tiếp cận thông lệ của thế giới, nhưng sau khi ban hành lại thể hiện lỗ hổng, đã có những vi phạm, nên cần phải siết lại.

“Chúng tôi đã nhận ra sự sơ hở này, nên khi tôi về làm Bộ trưởng Bộ Tài chính, tôi yêu cầu cảnh báo trên phương tiện thông tin đại chúng, đã ra 5 thông cáo báo chí và có 4 cuộc trao đổi trên VTV, đồng thời có các diễn đàn báo chí, báo chí đăng tin về những rủi ro đối với phát hành thị trường trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp”, ông Phớc nói.

Ông Phớc cho biết, riêng Bộ Tài chính có 3 văn bản chấn chỉnh và yêu cầu thanh tra. “Vừa rồi, chúng ta có động thái xử lý nghiêm, chúng tôi thấy đây là một vấn đề cần phải xử lý để làm trong sạch thị trường và đi vào nề nếp, nhưng cũng phải sửa các quy định của pháp luật”, ông Phớc nói thêm.

Xử lý 12 dự án yếu kém, dự án treo vô cùng khó khăn

Một vấn đề khiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất sốt ruột là xử lý 12 dự án yếu kém, thua lỗ ngành công thương cũng như các dự án treo đang có mặt ở khắp nơi.

Cập nhật tiến độ, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, công tác chỉ đạo xử lý tồn tại, yếu kém ở các dự án, doanh nghiệp đã được thực hiện thống nhất, đồng bộ, bảo đảm bám sát quan điểm, mục tiêu, nội dung chỉ đạo của Bộ Chính trị và phương án, giải pháp xử lý theo Đề án được phê duyệt.

Đến nay, trong số 7 dự án, doanh nghiệp có tranh chấp hợp đồng EPC, đã hoàn thành xử lý tranh chấp đối với 3 dự án, doanh nghiệp. Đối với 4 dự án chưa hoàn thành, Ban Chỉ đạo yêu cầu các dự án, doanh nghiệp tiếp tục chủ động đàm phán với các nhà thầu để xử lý dứt điểm tranh chấp theo thẩm quyền.

Đề cập vấn đề này, Phó tổng thanh tra Chính phủ, ông Lê Sỹ Bảy nhận định, đây là nội dung rất nóng, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Cho biết, Chính phủ đã và đang thực hiện tháo gỡ khó khăn việc xử lý sau thanh tra đối với 12 dự án yếu kém, ông Bảy thông tin, Thanh tra Chính phủ đã thành lập 4 đoàn đi kiểm tra việc thực hiện xử lý sau thanh tra ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa.

Tuy nhiên, Phó tổng Thanh tra nêu rõ, trong tháo gỡ khó khăn, có những việc rất khó, đặc biệt là liên quan đến cơ chế chính sách. “Khi Thanh tra Chính phủ kết luận, có rất nhiều nội dung theo quy định pháp luật hiện hành thì vi phạm, tuy nhiên để khắc phục, tháo gỡ là vấn đề vô cùng khó khăn, chứ không chỉ ở mức độ khó khăn”, ông Lê Sỹ Bảy nhấn mạnh.

Dẫn chứng Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, ông Bảy cho biết, Thanh tra Chính phủ đã kết luận, theo quy định thì việc trình, phê duyệt vốn đầu tư không đúng, nhưng để thực hiện và xử lý được vi phạm đó “là cả vấn đề”.

Cũng liên quan đến vấn đề được Chủ tịch Quốc hội và một số ý kiến khác đề cập là lãng phí từ các dự án treo và lãng phí trong quản lý đất đai, Phó tổng thanh tra lấy dẫn chứng, việc xử lý sau thanh tra tại Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.HCM) cũng có một số vấn đề hết sức khó khắn, vướng mắc về cơ chế chính sách.

“Thanh tra Chính phủ đã và đang làm việc, lấy ý kiến các bộ, ngành như Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp… để có ý kiến báo cáo Thủ tướng nhằm tháo gỡ khó khăn trong thực hiện kết luận sau thanh tra ở dự án này”, ông Lê Sỹ Bảy thông tin.

Nhận định các dự án treo là điểm nghẽn hiện nay, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ nêu khó khăn liên quan đến hệ thống pháp luật về đất đai khiến cho “hiện nay không ai dám ký phương án giá đất, kể cả có những chỗ có đề nghị kiểm toán có ý kiến, nhưng kiểm toán vào thì cũng không thể đưa ra một ý kiến xác định được giá đất này như thế nào sát với giá thị trường và chuẩn, bởi vì phương pháp xác định giá đất các yếu tố đầu vào đều động”.

Cho rằng, cần sớm sửa đổi Luật Đất đai, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước đề nghị các bộ, ngành cũng phải nghiên cứu vấn đề xác định phương án giao đất, bởi “nếu để một đồng chí chủ tịch hoặc phó chủ tịch tỉnh ký vào thì người ta không dám ký, thậm chí tham mưu người ta cũng không trình cho ký, vì không có gì chuẩn, nếu cách làm vẫn như hiện nay”.

Đã phát hiện dấu hiệu vi phạm trong mua sắm kit, test chống Covid-19

Liên quan đến mua sắm trang thiết bị phòng, chống Covid-19, Phó tổng thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy cho biết, Thủ tướng đã giao Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra việc này.

Thanh tra Chính phủ đã và đang triển khai việc thanh tra tại Bộ Y tế, Hà Nội và TP.HCM, cũng như hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thanh tra theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng. Bước đầu Thanh tra Chính phủ sơ bộ đã phát hiện ra một số dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc mua sắm trang thiết bị kit, test, sinh phẩm phòng, chống Covid-19. Kết quả chính thức sẽ được báo cáo Chính phủ trong tháng 5/2022.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục