Trái phiếu đặc biệt đầu tư cho các công trình đặc biệt

(ĐTCK) Bắt đầu vay nợ trong nước từ năm 2003 để đầu tư cho các công trình giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục thông qua phát hành trái phiếu, loại trái phiếu chính phủ (TPCP) đặc biệt này đã và đang phát huy hiệu quả.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 2006 - 2012, lĩnh vực giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, ký túc xá sinh viên, di dân tái định cư đã bố trí vốn TPCP để đầu tư thực hiện 2.682 dự án với tổng mức đầu tư 409.415,5 tỷ đồng. Tính đến đầu năm 2013, khoảng 2.030 dự án đã được hoàn thành với tổng mức đầu tư được điều chỉnh lên thành 684.794,5 tỷ đồng (không tính số dự án thuộc Chương trình kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên với số vốn đã bố trí là gần 17.057 tỷ đồng).

Các dự án, công trình được đầu tư bằng nguồn vốn TPCP đều là những công trình quan trọng

Theo Báo cáo Giám sát sử dụng nguồn vốn TPCP cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006 - 2012 của Quốc hội, về cơ bản, các dự án, công trình thuộc lĩnh vực giao thông được đầu tư từ nguồn vốn TPCP đều là những dự án quan trọng, cấp bách, góp phần nâng cấp hệ thống quốc lộ, xây dựng mới một số tuyến đường quốc phòng quan trọng và hạ tầng giao thông nông thôn. Những dự án, công trình sử dụng nguồn vốn TPCP đã phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng, an toàn giao thông, thúc đẩy sản xuất phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thông thương giữa các vùng, miền, khai thác, phát huy tiềm năng của các địa phương, tạo thêm việc làm và nâng cao đời sống của nhân dân, nhất là ở các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc và các vùng khó khăn.

“Về cơ bản, các bộ ngành, địa phương đã tuân thủ quy định về quản lý, sử dụng nguồn vốn TPCP. Công tác giải ngân vốn TPCP được tăng cường trong những năm gần đây, nhiều dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, bước đầu phát huy hiệu quả. Tính chung trong cả giai đoạn 2006 - 2012, tỷ lệ giải ngân khá cao. Tình trạng nợ khối lượng xây dựng cơ bản trong thực hiện vốn TPCP bước đầu đã được cải thiện”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ông Phùng Quốc Hiển nói.

Theo ông Hiển, các dự án, công trình được đầu tư bằng nguồn vốn này đều là những công trình quan trọng, góp phần hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kinhtế - xã hội thiết yếu của quốc gia, đặc biệt là những tuyến đường giao thông quan trọng của đất nước, đường tuần tra biên giới, đường ô tô đến trung tâm xã, các công trình thủy lợi quan trọng vùng nông thôn, vùng núi; tăng cường công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân; xóa bỏ trường lớp tạm, xây dựng nhà ở cho giáo viên ở vùng sâu, vùng xa.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, ông Nguyễn Đình Quyền đánh giá, việc phát hành và sử dụng vốn TPCP đã đạt được những mục tiêu lớn đặt ra, góp phần quan trọng vào việc giải quyết những vấn đề bức xúc của đời sống kinh tế - xã hội. “Việc nâng cấp một số bệnh viện cấp tỉnh bằng vốn TPCP góp phần quan trọng vào việc giảm tải cho bệnh viện ở Trung ương. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi bằng nguồn vốn TPCP đã thúc đẩy phát triển kinh tế ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt kinh tế khó khăn. Tôi cho rằng, nếu không có nguồn vốn này, hàng ngàn héc-ta đất vùng hoang mạc ở Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên chỉ có thể cho các hãng phim thuê làm phim trường, chứ không thể trở thành vùng đất chuyên canh nhiều cây ăn quả đặc sản như hiện nay”, ông Quyền nói.

Là người theo dõi quá trình sử dụng nguồn vốn TPCP trong nhiều năm liên tục, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, TS. Nguyễn Văn Tiên phản bác một số ý kiến cho rằng việc sử dụng TPCP lãng phí, dàn trải dẫn đến kém hiệu quả. “Lãnh đạo nhiều địa phương cũng rất bức xúc khi có một số ý kiến cho rằng, nguồn TPCP đầu tư cho y tế, giáo dục, giao thông, thủy lợi dàn trải, lãng phí dẫn đến kém hiệu quả. Nhiều người gặp tôi nói, nếu đại biểu Quốc hội nào bảo đầu tư vốn TPCP kém hiệu quả thì mời về địa phương để họ giải trình”, ông Tiên nói.

Ông Tiên cho biết, bình quân mỗi năm, bệnh viện tuyến huyện của một tỉnh chỉ được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước 15 - 20 tỷ đồng. Với nguồn vốn này thì… muôn năm nữa cũng không thể nâng cấp được hệ thống bệnh viện tuyến huyện để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân.

“Chúng ta mạnh dạn “bung ra’’ 85.564 tỷ đồng để đầu tư cho 856 bệnh viện tuyến huyện, đến nay đã có khoảng 600 dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân địa phương, giảm tải cho bệnh viện tuyến trên thì không thể nói là đầu tư dàn trải, lãng phí”, ông Tiên khẳng định. Ông Tiên cho rằng, xét về khía cạnh kinh tế, việc phát hành và đầu tư TPCP cho các công trình giao thông, y tế, thủy lợi, giáo dục đã góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế.

“Từ năm 2008 trở lại đây, kinh tế thế giới rơi vào suy thoái, kinh tế trong nước cũng bị ảnh hưởng nặng nề do đầu tư toàn xã hội/GDP đạt thấp. Hàng trăm ngàn tỷ đồng vốn TPCP đầu tư cho nền kinh tế đã thu hút một lượng vốn khổng lồ của xã hội đầu tư vào nền kinh tế, qua đó giúp tốc độ tăng trưởng GDP đạt được ở mức khả quan. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu không có nguồn vốn TPCP thì GDP khó có thể đạt mức tăng trưởng như những năm vừa qua”, ông Tiên lý giải.

Mạnh Bôn
Mạnh Bôn

Tin cùng chuyên mục