Trái phiếu của Pháp được xem là rủi ro hơn Tây Ban Nha lần đầu tiên kể từ năm 2007

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lần đầu tiên kể từ năm 2007, trái phiếu của Pháp đang được đánh giá là rủi ro hơn trái phiếu của Tây Ban Nha - một sự đảo ngược mang tính biểu tượng cho thấy mức độ khó khăn của thị trường tài chính Pháp.
Ông Emmanual Macron, Tổng thống Pháp Ông Emmanual Macron, Tổng thống Pháp

Với liên minh thiểu số mới thành lập của Thủ tướng Michel Barnier đang gặp tình thế khó khăn để kiểm soát thâm hụt ngân sách sau cuộc bầu cử, sự thay đổi về vị thế tương đối cho thấy các nhà đầu tư ngày càng dự đoán tình trạng hỗn loạn dai dẳng ở Pháp lên giá trái phiếu nước này.

Chỉ vài ngày sau khi nội các của Thủ tướng Michel Barnier tuyên thệ nhậm chức, phần bù bảo hiểm rủi ro mà các nhà đầu tư yêu cầu đối với trái phiếu của Pháp càng tăng cao hơn ngay cả khi so sánh với Tây Ban Nha với xếp hạng tín nhiệm thấp hơn.

"Là một nhà đầu tư, tôi không chắc điều gì sẽ xảy ra với chính phủ hiện tại hoặc sau đó", Guy Miller, chiến lược gia thị trường chính của Zurich Insurance Co. cho biết.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Pháp kỳ hạn 10 năm giao dịch ở mức 2,98% vào thứ Năm (26/9), cao hơn so với trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Tây Ban Nha. Mức lợi suất này đã cao hơn so với Bồ Đào Nha và là mức gần nhất trong hơn một thập kỷ so với lợi suất trái phiếu có kỳ hạn tương tự của Ý và Hy Lạp.

Chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm giữa Pháp và Tây Ban Nha

Chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm giữa Pháp và Tây Ban Nha

Sự chuyển biến này cho thấy nhu cầu đối với một trong những tài sản an toàn nhất của châu Âu đang suy yếu trong bối cảnh trải qua nhiều tháng bất ổn chính trị, nhấn mạnh mối nguy hiểm rằng Pháp hiện có thể bị các nhà đầu tư phân loại cùng với các quốc gia khác trong khu vực thường gắn liền với tình hình tài chính công mong manh.

Pháp đã ở trong tâm bão kể từ khi Tổng thống Emmanual Macron tìm cách củng cố sự ổn định chính trị bằng cách kêu gọi bầu cử sớm vào tháng 6. Đầu tiên các nhà đầu tư hoảng sợ rằng phe cực hữu có thể nắm quyền, sau đó là khi cuộc bầu cử đưa Quốc hội chia thành ba khối chia rẽ sâu sắc. Tổng thống Macron đã dành cả mùa hè để cân nhắc về việc bổ nhiệm một chính phủ sẽ không bị lật đổ ngay lập tức trong một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Nội các cuối cùng đã được bầu vào ngày 21/9 kết hợp những người theo chủ nghĩa trung dung và bảo thủ từ đảng của Thủ tướng Barnier.

Rủi ro thâm hụt ngân sách

Tình hình tài chính của Pháp đã xấu đi trong những năm gần đây khi nguồn thu thuế không đạt yêu cầu và chi tiêu của chính quyền địa phương tăng cao hơn dự kiến. Chính phủ mới hiện phải chắp vá một ngân sách trong những ngày tới vì họ đang phải chịu thâm hụt trong năm nay, có nguy cơ vượt quá 6% GDP.

Trong bối cảnh đó, lợi suất trái phiếu bổ sung mà các nhà đầu tư yêu cầu để nắm giữ trái phiếu của Pháp thay vì trái phiếu Đức an toàn hơn đã tăng lên khoảng 82 điểm cơ bản từ mức dưới 50 điểm cơ bản vào tháng 6, khi Tổng thống Macron kêu gọi bầu cử.

"Bất kỳ tiêu đề chính trị bất lợi nào trong ngắn hạn của Pháp, ví dụ như xung quanh việc bãi bỏ ngân sách hoặc cải cách lương hưu, đều có thể tạo thêm động lực cho xu hướng này", các chiến lược gia lãi suất của Barclays cho biết.

Pháp đã trượt khỏi các kế hoạch dài hạn nhằm giảm thâm hụt ngân sách sau khi đã tăng lên 5,5% GDP vào năm 2023.

Chính phủ trước đó đã cam kết giảm thâm hụt xuống còn 5,1% trong năm nay và nằm trong giới hạn 3% của Liên minh châu Âu vào năm 2027, nhưng các quan chức bao gồm Thống đốc Ngân hàng trung ương Pháp Francois Villeroy de Galhau đã cảnh báo rằng việc tuân thủ các kế hoạch đó sẽ gây ra quá nhiều thiệt hại về kinh tế.

Chính phủ mới cho biết họ sẽ trình bày kế hoạch ngân sách năm 2025 vào khoảng ngày 9/10, muộn hơn một tuần so với luật pháp của Pháp quy định. Họ cũng đã trì hoãn việc trình bày kế hoạch tài chính dài hạn của mình cho Uỷ ban châu Âu cho đến cuối tháng 10.

Bộ trưởng Tài chính mới, Antoine Armand cho biết rằng, sẽ có các biện pháp cứng rắn trong các dự luật tài khoá sắp tới, chủ yếu tập trung vào việc cắt giảm chi tiêu. Nhưng chính phủ cũng cho biết đang nghiên cứu các khoản thuế có mục tiêu đối với những cá nhân giàu có và các công ty lớn, đánh dấu sự thay đổi so với cách tiếp cận của Tổng thống Macron trong bảy năm qua.

Sự thay đổi trong quan điểm của thị trường trái phiếu của Pháp cũng phản ánh cách các nhà đầu tư đổ xô vào trái phiếu Tây Ban Nha do triển vọng kinh tế cải thiện ở nước này và việc cắt giảm các khoản vay tăng lên trong cuộc khủng hoảng nợ của khu vực trong thập kỷ trước.

Vào đầu năm nay, trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Tây Ban Nha vẫn trả lãi suất cao hơn 40 điểm cơ bản so với các trái phiếu tương đương của Pháp. Các chiến lược gia lãi suất của Barclays cho biết, Tây Ban Nha có khả năng tiếp tục vượt trội hơn Pháp, bất chấp sự chênh lệch lợi suất đang được thu hẹp gần đây.

Số lượng khách du lịch kỷ lục, xuất khẩu mạnh mẽ và dân số tăng nhanh sẽ giúp cho Tây Ban Nha có một trong những tốc độ tăng trưởng cao nhất ở châu Âu mặc dù chính phủ của nước này đang bị chia rẽ.

"Hiện tại, Tây Ban Nha vẫn đang có lợi thế, có khả năng nâng hạng về nợ ở Tây Ban Nha, nhận thức của nhà đầu tư về động lực tăng trưởng, thậm chí là động lực chính trị…Tất cả những điều này kết hợp lại có nghĩa là Tây Ban Nha vẫn đang trên đà phát triển", chiến lược gia Guy Miller cho biết.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục