Trái phiếu chuyển đổi, lối thoát huy động vốn!

(ĐTCK-online) Do có những ưu điểm phù hợp đối với cả công ty phát hành và NĐT trong giai đoạn lãi suất có những biến động, trái phiếu chuyển đổi (TPCĐ) đang trở thành một biện pháp huy động vốn khả thi đối với các DN. Kể từ một số đợt phát hành thành công của các công ty niêm yết lớn từ cuối năm 2009 như HAG, FPT, HPG với lượng vốn thu hút lớn, số lượng đợt phát hành TPCĐ liên tục tăng lên.
Trái phiếu chuyển đổi, lối thoát huy động vốn!

Thống kê trên cho thấy TPCĐ đã trở thành công cụ huy động vốn khá hữu hiệu cho DN trong nước, đặc biệt là khi năm 2009 là thời điểm được NĐT hết sức quan tâm do các yếu tố: (1) Lãi suất tiết kiệm thấp, nên chi phí cơ hội sẽ không cao cho các NĐT tham gia vào những TPCĐ không có hoặc có lãi suất thấp; (2) Kỳ vọng về giá cổ phiếu và cơ hội sở hữu khối lượng cổ phiếu lớn; (3) Rủi ro về giá cổ phiếu được bảo vệ nên đầu tư nhìn tại thời điểm 2009 cũng hợp lý hơn.

Một điểm đáng chú ý là DN phát hành thường muốn thời hạn của TPCĐ dài, nhưng NĐT lại ưa thích thời hạn ngắn. Vì vậy, hầu hết phương án phát hành trong nước gần đây là huy động cho thời hạn ngắn 1 năm, ngoại trừ trường hợp của FPT và Techcombank (phương án phát hành trái phiếu kèm chứng quyền). Thực tế, đối với DN, thời hạn 1 năm chưa đủ để sử dụng vốn có hiệu quả. Song đối với NĐT, kỳ vọng về yếu tố cổ phiếu phụ thuộc nhiều vào triển vọng doanh thu lợi nhuận của DN tại thời điểm chuyển đổi. Với các trường hợp phát hành ngắn hạn, bức tranh doanh thu lợi nhuận của các DN tương đối rõ. Ví dụ như HAG, kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2010 đặt ra rất cao với mức tăng trưởng 54% so với năm 2009, nên có thể bù lại tương đối mức độ pha loãng cổ phiếu khá cao trong năm. Trường hợp của HPG lại khác, năm 2010 kế hoạch lợi nhuận của Công ty đặt ra khá khiêm tốn là tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 5,3% so với tỷ lệ khoảng 60% pha loãng. Tuy nhiên, khả năng vượt kế hoạch của HPG cũng rất cao.

Trong những kỳ hạn chuyển đổi dài hơn, giá chuyển đổi và giá thị trường tại thời điểm chuyển đổi cổ phiếu có thể khác hẳn nhau. Ví dụ cổ điển về trường hợp này là việc Chính phủ Mỹ cứu Chrysler khỏi phá sản vào năm 1980 thông qua khoản cho vay 1,2 tỷ USD, thay vào đó Chrysler bán quyền mua 14,4 triệu cổ phiếu cho Chính phủ Mỹ với mức giá 13 USD/CP. Tại thời điểm bán chứng quyền, giá cổ phiếu của Chrysler chỉ là 5 USD, nhưng đến tháng 9/1983, khi Chrysler mua lại số chứng quyền đó thì giá cổ phiếu Chrysler đã tăng vọt lên gần 30 USD. 

Trong số các trường hợp trên đây, Techcombank có kế hoạch phát hành TPCĐ hoặc trái phiếu kèm chứng quyền với thời hạn khá dài là chuyển đổi sau 5 năm và thời hạn trái phiếu (nếu không chuyển đổi) là 10 - 11 năm. Theo phương án phát hành đã được thông qua ở ĐHCĐ, tỷ lệ % quy đổi được dựa trên giá trị Ngân hàng được xác định tại thời điểm chuyển đổi bởi HĐQT, dự kiến tạm thời là 34.000 tỷ đồng, trong khi theo kế hoạch kinh doanh trên cơ sở nguồn vốn mới, vốn điều lệ của Ngân hàng tăng rất mạnh từ 6.932 tỷ đồng lên 28.774 tỷ đồng sau 5 năm. Người mua sẽ cần cân nhắc kỹ nhiều biến số cho một khoản đầu tư với thời hạn dài như vậy.  

Sang năm 2010, NĐT tổ chức vẫn đang quan tâm đến TPCĐ, nhưng với các điều kiện khắt khe hơn, trái tức cao hơn do lãi suất tăng, số lượng các đợt phát hành cho cổ đông hiện hữu trong năm 2010 cũng tăng lên.

Quan sát các đợt phát hành gần đây, có thể thấy điều kiện của TPCD ngày càng ưu đãi với trái tức được chào ở mức cao hơn, hoặc mức giá chuyển đổi được xác định ở một mức chiết khấu hấp dẫn. Ví dụ trường hợp của REE (lãi suất trái phiếu 8%, giá chuyển đổi đặt ở mức giá trị sổ sách năm 2009 và theo ước tính, có thể thấp hơn khoảng 40% so với giá thị trường của cổ phiếu nếu lấy mức giá 52.000 đồng/CP làm mức giá tham chiếu trước ngày chốt quyền).  Phương án chuyển đổi hấp dẫn dành cho cổ đông hiện hữu khiến cho giá cổ phiếu REE tăng mạnh một vài phiên ngay sau khi có tin. Giá chuyển đổi của hầu hết ngân hàng đã công bố kế hoạch phát hành trong bảng thống kê cũng chỉ ở mức mệnh giá, trong khi trái tức khá cao. 

Đồng thời, năm 2010, có thể thấy sự tham gia tích cực của các ngân hàng trong việc phát hành TPCĐ. Với tình trạng chưa niêm yết và TTCK chưa có triển vọng tăng trưởng tốt trong ngắn hạn, phương án tăng vốn bằng cách phát hành cổ phiếu cho các ngân hàng này là khó. Đồng thời, theo lộ trình đến cuối năm 2010, các NHTM phải đáp ứng được mức vốn điều lệ 3000 tỷ đồng và 5000 tỷ đồng vào cuối năm 2012. Một trong những giải pháp được các ngân hàng quy mô nhỏ tính đến, đó chính là niêm yết cổ phiếu và phát hành TPCĐ để huy động vốn với mức lãi suất thấp hơn phát hành trái phiếu thông thường. Cụ thể, ĐHCĐ Habubank đã thông qua việc niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE và phát hành 1.050 tỷ đồng TPCĐ.

Mặc dù khẩu vị của NĐT ngày càng khắt khe hơn, nhưng với những ưu điểm của TPCĐ, dự kiến số lượng DN lựa chọn phát hành TPCĐ để tăng vốn vẫn sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.         

Hoàng Việt Phương, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu, SSI
Hoàng Việt Phương, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu, SSI

Tin cùng chuyên mục