Cơ bản các đại biểu đều thống nhất cần phải phát hành thêm 170 nghìn tỷ đồng để làm vốn mồi cho nền kinh tế. Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng, đây là thời điểm mà Nhà nước phải phát huy vai trò để kích cầu. Nguồn vốn này sẽ tạo ra đột phá trong đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật thông qua việc hoàn thành một số dự án lớn, trọng điểm quốc gia và các dự án dở dang, thiếu vốn đã được phê duyệt; tăng cường khả năng giải ngân nguồn vốn vay ODA và xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, các ý kiến đều tập trung vào việc hậu kiểm đối với việc sử dụng vốn TPCP, đảm bảo nguồn vốn được sử dụng hiệu quả, tránh tình trạng lãng phí như trước đây. Đại biểu Nguyễn Đình Quyền cho biết, trong quá trình giám sát thực hiện vốn TPCP, ông chứng kiến những bệnh viện, trường học sau 5 năm vẫn là xây thô, cỏ mọc um tùm.
Đại biểu này cho rằng, mục đích khi phát hành TPCP là tốt đẹp, khi nguồn lực Chính phủ có hạn thì Chính phủ vay của dân để đầu tư công trình nhằm đem lại phúc lợi xã hội, phát triển kinh tế, nhưng thực tế nặng tính “xin cho” đã dẫn đến tình trạng dàn trải, lãng phí.
“Nhiều địa phương nói với tôi, đó là khoản trời cho, tội gì mà không xin. Khi đi giám sát, tôi thấy, có dự án lập dự toán 300 tỷ đồng nhưng thực hiện thì xin điều chỉnh lên gần 1.000 tỷ đồng, còn thường thì gấp hai”, đại biểu Quyền nói.
Dàn trải và lãng phí là thực trạng sử dụng vốn trái phiếu chính phủ hiện nay
Trước thực trạng đầu tư dàn trải dẫn đến lãng phí, Chính phủ đã thực hiện một số giải pháp. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu vào đầu nhiệm kỳ, Chính phủ không kiên quyết chấn chỉnh tình trạng đầu tư dàn trải, cứ để tình trạng ồ ạt theo phong trào như các năm trước đó, thì có thể đã vỡ nợ. Đến nay, cơ bản là đã khống chế được tình trạng tràn lan trong xây dựng cơ bản của Nhà nước, khống chế được các dự án trong kế hoạch.
Dù vậy, các đại biểu đề nghị Chính phủ rà soát lại các công trình, dự án; xem xét kỹ, nếu có thể thì huy động thêm các nguồn lực khác chứ không dựa hẳn vào ngân sách. Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, cần có lộ trình thực hiện các công trình đó, với nguồn vốn bao nhiêu, trong thời hạn bao lâu thì hoàn thành và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thế nào.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa bày tỏ băn khoăn về phương án sử dụng nguồn vốn TPCP. Theo phương án Bộ Kế hoạch Đầu tư trình, riêng 2 dự án Quốc lộ 1A và Quốc lộ 14 đã chiếm hơn 61.000 tỷ đồng. Ngoài ra còn vốn đối ứng trên 20.000 tỷ đồng. Hiện nay, nợ đọng xây dựng cơ bản là hơn 90.000 tỷ đồng. Nếu chỉ chi cho các khoản này thì đã hết 170 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, chúng ta còn cần tiền cho các dự án dang dở từ 2 năm trước đây.
“Bộ Kế hoạch và Đầu tư nên đưa ra tiêu chí, bộ lọc cụ thể để đưa ra những phương án thực sự cần thiết”, đại biểu Hòa nói.
Cũng có đại biểu lo ngại về việc trả nợ, do lãi suất phải trả là 8 - 9%/năm, nhưng tiêu chí ưu tiên sử dụng lại không gắn với thời gian hoàn thành. Do đó, cần chú ý nuôi dưỡng nguồn thu, có khả năng đóng góp vào GDP để đảm bảo trả nợ.
Với nguồn lực còn ít, các đại biểu đề nghị, ưu tiên cấp vốn cho các công trình sắp đưa vào sử dụng; dứt khoát cắt, dừng các công trình mới hoặc chuyển sang huy động vốn từ các nguồn khác. Quan trọng hơn là phải có địa chỉ chịu trách nhiệm về hiệu quả, tiến độ.
Về các chương trình mục tiêu, đánh giá của các đại biểu cho rằng, có những mặt tích cực, thay đổi bộ mặt nông thôn, chăm sóc sức khỏe và đào tạo nghề, tuy nhiên, hiệu quả xã hội còn hạn chế, cần đánh giá lại. Theo đại biểu Trương Thị Ánh, cần rà soát lại, chương tình nào mang tính tác động lớn, thay đổi chất lượng cuộc sống: giảm nghèo, vệ sinh môi trường, nước sạch… thì tiếp tục đầu tư; còn những chương trình không hiệu quả thì mạnh dạn cắt bỏ.
Đại biểu Quyết Tâm nhận xét: “Chương trình nào cũng có bồi dưỡng, tuyên truyền, cuối năm thì tập trung hội thảo, tập huấn để giải ngân. Tài liệu in ấn số lượng lớn đem bán giấy vụn. Có địa phương được phân bổ vài trăm triệu đồng để ứng phó biến đổi khí hậu, quá ít để làm được gì, nhưng địa phương vẫn phải nghĩ ra việc để giải ngân”.
Nhiều đại biểu đồng tình cắt giảm các chương trình mục tiêu quốc gia. Một số chương trình không cần thiết thì giao trực tiếp cho địa phương hoặc là chuyển vào ngân sách, tránh lãng phí.