Diễn biến phiên đấu thầu trái phiếu Kho bạc Nhà nước chiều thứ Năm (13/6) khiến giới quan sát ngạc nhiên: toàn bộ 4.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm đều không bán được. Các nhà đầu tư dường như không mặn mà với kỳ hạn này, khi mà lãi suất đặt thầu thấp nhất lên tới 7,5%/năm - cao hơn 20 điểm cơ bản so với lãi suất trúng thầu của phiên trước đó - và lượng đặt thầu bằng một nửa lượng chào bán.
Kết quả này trái với dự đoán của giới phân tích, cho rằng, lợi suất trái phiếu 5 năm sẽ tiếp tục giảm trước sức mua mạnh mẽ của nhà đầu tư, sau khi lợi suất kỳ hạn 2 và 3 năm đã giảm rất sâu. Chỉ mới phiên đấu thầu trước, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 5 năm đã giảm tận 48 điểm.
Kho bạc vẫn bán được 1.000 tỷ đồng trái phiếu 2 năm và 1.000 tỷ đồng trái phiếu 3 năm, tuy nhiên, lợi suất của kỳ hạn 3 năm đã tăng trở lại 5 điểm so với phiên đấu thầu trước, lên 6,8%/năm.
Xu hướng đảo chiều cũng diễn ra trên thị trường thứ cấp. Lợi suất trái phiếu các kỳ hạn 1, 2 và 3 năm dường như đã tạo đáy trong các phiên 4 - 6/6 và bật nhẹ trở lại vào cuối tuần qua. Riêng lợi suất kỳ hạn 3 năm đã tăng gần 40 điểm so với lợi suất của phiên 6/6.
Lý giải cho diễn biến này, nguồn tin tại các phòng giao dịch cho biết, chủ yếu là các thông tin tích cực gần đây, như thống kê tăng trưởng tín dụng, thành lập VAMC đang khiến các nhà đầu tư trái phiếu dự đoán lợi suất TPCP sẽ sớm bật tăng lại, đặc biệt là các trái phiếu có kỳ hạn dài. Kỳ vọng này khiến các nhà đầu tư chốt lời một phần danh mục trên thị trường thứ cấp và đặt thầu lãi suất cao hơn trên thị trường sơ cấp.
“Mặc dù không ai dám khẳng định đâu là đáy trong điều kiện thị trường hiện nay, nhưng phần lớn các nhà đầu tư nhận định lợi suất TPCP đang chạm đáy trong ngắn hạn và kỳ vọng lợi suất sẽ sớm bật lại trong thời gian ngắn”, nguồn tin tại phòng nguồn vốn một ngân hàng quốc doanh cho biết.
Thực tế, với lợi suất TPCP giảm rất sâu như hiện nay, các ngân hàng gần như đã lỗ khi huy động vốn hiện tại ở mức 7 - 7,5%/năm trong khi lợi suất trái phiếu các kỳ hạn dưới 3 năm đều thấp hơn mức 6,8%/năm.
“Lợi suất tham chiếu trên thị trường thứ cấp gần như đã đạt đáy vào ngày 4/6 đến 6/6 vừa qua”, ông Trịnh Quang Dũng, chuyên viên phân tích của CTCK Vietcombank cho biết. “Lợi suất trái phiếu không còn nhiều dư địa để tiếp tục giảm nữa”.
CTCK Sài Gòn (SSI), trong bản báo cáo tiêu đề “Liệu diễn biến gần đây của thị trường trái phiếu và ngoại hối có biểu thị cho rủi ro trong ngắn hạn?” gửi tới NĐT sau phiên đấu thầu chiều thứ Năm, viết: “Chúng tôi tin rằng, thị trường trái phiếu đang bước vào xu hướng tăng ngắn hạn. Việc thành lập VAMC và giải ngân cho vay ưu đãi nhà ở xã hội, cộng với việc gia hạn thời gian áp dụng Thông tư 02, sẽ là các yếu tố tích cực cho tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm. Từ tháng 7, khối lượng trái phiếu đáo hạn không cao lắm, do đó cơ hội để lợi suất tăng lên là không thể tránh được”.
Mặc dù vậy, diễn biến đảo chiều trên thị trường trái phiếu vẫn chưa biểu thị cho việc các ngân hàng đã tìm được lối ra cho tín dụng. “Tín dụng không phải là kênh thoát vốn cho các ngân hàng hiện nay”, lãnh đạo phòng nguồn vốn một ngân hàng quốc doanh cho biết.
“Dù số liệu báo cáo cho thấy tín dụng đã có dấu hiệu tăng trưởng, nhưng tốc độ tăng vẫn rất thấp và chưa có dấu hiệu ổn định, một lượng vốn rất lớn vẫn ứ đọng trong hệ thống ngân hàng thay vì lưu thông trong nền kinh tế”, lãnh đạo này nhận xét.
Trong khi đó, ông phân tích thêm, các kênh đầu tư khác như góp vốn cổ phần, kinh doanh ngoại hối, cho vay trên thị trường liên ngân hàng... có độ rủi ro cao hơn trong khi tính thanh khoản thấp hơn và độ sinh lời chưa hẳn đã cao hơn. Trái phiếu chính phủ vẫn có sức hấp dẫn lớn hơn hẳn.
“Chúng ta cần quan sát thêm chỉ số CPI trong tháng 6 cũng như những vận động của nền kinh tế để có một kết luận bền vững hơn”, Trịnh Quang Dũng của CTCK Vietcombank nhận xét.