Nét riêng: Tết Trung thu xứ Huế

(ĐTCK) Đến Huế vào dịp Tết Trung thu, du khách sẽ cảm nhận một trải nghiệm mới lạ, độc đáo, ít nơi nào so bì được.
Nét riêng: Tết Trung thu xứ Huế

Cứ mỗi dịp Tết Trung thu về, từng con đường, góc phố của Cố đô Huế lại trở nên nhộn nhịp, tưng bừng hẳn với những mặt hàng đồ chơi Trung thu. Trên khắp các con phố chính trong TP. Huế đã trưng bày bán các mặt hàng để phục vụ như: mặt nạ, lồng đèn, đầu lân... được làm hoàn toàn bằng thủ công từ những bàn tay người dân xứ Huế. Bên cạnh đó, mặt hàng bánh trung thu cổ truyền sản xuất tại Huế cũng được bán trên khắp đường phố.

Do đó, đến Huế vào dịp Tết Trung thu, du khách chắc hẳn sẽ rất hài lòng khi vẫn có thể đón một cái không khí Tết Trung thu ấm cúng như ở nhà và còn được khám phá được những nét văn hóa Tết Trung thu độc đáo của vùng đất Cố đô. Đó là sự độc đáo của múa lân Huế.

Điệu múa lân Huế khá đặc biệt vì nó xuất phát từ điệu múa lân trong cung thời nhà Nguyễn. Có thể nói, nếu như vùng đồng bằng Bắc Bộ có điệu múa “Tứ linh” (long, lân, quy, phụng), thì Cố đô Huế có điệu múa “Lân mẫu xuất lân nhi” đầy nét độc đáo, chỉ để phục vụ cho các những ngày lễ trọng đại của triều đình như mừng thọ vua, thái hậu và đón tiếp sứ thần.

Nét riêng: Tết Trung thu xứ Huế ảnh 1

Các đội lân múa biểu diễn trên đường phố Huế

Điệu múa này được xây dựng trên cơ sở điệu múa Mã Vũ, Bát Man đi kèm với một số động tác âu yếm, chăm sóc, đùa giởn… của lân bố mẹ khi sinh hạ một lân con, biểu thị cho sự thịnh trị, thái bình của vương triều, sự no ấm của muôn nhà.

Do hình thức múa cho vua xem nên con lân của Huế rất đĩnh đạc, có những bước nhảy thấp và tiết tấu trống lân Huế cũng mang âm sắc cung đình, không nhanh và không mạnh.

Mặt khác, con lân ngày xưa ở Huế thường có hai màu chủ yếu: màu vàng tượng trưng cho vua và màu xanh lá cây tượng trưng cho hoàng tộc. Bên cạnh đó, một điểm nổi bật của múa lân cung đình Huế là múa theo các trường đoạn, nên tính nghệ thuật bao giờ cũng mang nặng ý nghĩa biểu cảm.

Người múa lân muốn thành công phải hiểu các trường đoạn mới nhập vai được. Mà một màn múa lân Huế có tới 7 trường đoạn, đó là “Thần linh xuất động”; “Bát bộ liên hoa”; “Phục lân”; “Lân linh chi”; “Lân tranh châu”; “Lân lý kiều” và “Lân hồi sơn”. Tuỳ theo mỗi trường đoạn, có từ 1 con lân đến 18 con, tạo nên một khung cảnh rất trữ tình.

Đây là điểm khác biệt giữa múa lân Huế với múa lân của những cư dân người Việt gốc Hoa ở TP.HCM thường mang đậm tính biểu diễn võ thuật, để biểu dương sức mạnh và tính mạo hiểm, chứ không theo một điển tích nào cả. Điều này cũng làm cho múa lân Huế khác xa so với lân Nhật Bản thiên về lối thiền cần đến sự hỗ trợ của đàn, sáo.

Nét riêng: Tết Trung thu xứ Huế ảnh 2

Múa lân Huế thụ hưởng được những nét văn hóa đặc sắc của múa lân trong cung cấm. Đầu tiên, múa lân trong dân gian xứ Huế cũng có đẳng cấp. Đẳng cấp này phân biệt dựa trên màu lông lợp trên cặp lông mày của con lân. Thường có 3 đẳng cấp: Râu trắng trên 25 năm, râu đỏ trên 10 năm và râu đen trên 5 năm. Bên cạnh đó, không chỉ là nghệ thuật múa, mà hình ảnh con lân Huế còn có một vẻ đẹp rất nên thơ. Trong logo biểu tượng lân Huế luôn có ánh trăng thu, đây là điều độc đáo mà chỉ riêng Huế có. Và trong múa lân Huế, bao giờ cũng có hai con: con Kỳ và con Lân (tức là lân đực và lân cái), biểu tượng cho sự hòa hợp của âm dương, cái tạo nên vạn vật.

Một điều khá thú vị là đa số người dân Huế quan niệm lân vào nhà là may, là no ấm nên người ta thường mở rộng của để đón lân vào nhà. Trái lại, ngư dân miền biển xứ Huế lại rất sợ lân, vì họ quan niệm con lân thích ăn cá, đón lân vào nhà thì sẽ bị “mất mùa” cá.

Bên cạnh đó, so với các vùng miền khác, tục múa lân tại TP. Huế có quy mô lớn, kéo dài trong suốt 3 ngày (từ 13 đến 15/8 Âm lịch), cách tổ chức và biểu diễn đội múa cũng rất công phu và thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân.

Trong Tết Trung thu ở Huế, các đội lân lớn nhỏ sẽ ồ ạt xuống đường, còn người xem thì thường chọn một đoàn mình ưa thích rồi đi theo đoàn cho đến tận đêm khuya mới về. Bởi thế, có thể nói, Tết Trung thu ở Huế còn nhộn nhịp hơn cả Festival Huế.

Đặc biệt, sau sự thành công và đánh giá cao của người dân cố đô Huế và du khách về Ngày hội lân Huế 2018, năm 2019, Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế tiếp tục tổ chức Ngày hội lân Huế 2019 với sự tham dự của hơn 70 đội lân trong nước và quốc tế như Thái Lan, Malaysia, Singapore. Tổng cả hai đêm 7 - 8/9, Ngày hội lân Huế 2019 đã thu hút khoảng 10.000 khán giả đến xem và cổ vũ cho các đội lân.

Nguyễn Văn Toàn
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục