Bị “bỏ bùa” ở Đà Bắc

(ĐTCK) Nói đến Đà Bắc (Hòa Bình), người ta nghĩ ngay đến những bản Mường yên bình nằm cạnh sông núi đẹp tựa thần tiên, với những con người thật thà, chất phác, món ăn đậm chất đồng rừng khiến lòng lữ khách lâng lâng như vừa uống cạn ly rượu ủ kỹ rồi say mèm.
Bị “bỏ bùa” ở Đà Bắc

Chốn bồng lai tiên cảnh rất gần Hà Nội

Tuy nhiên, cho đến tận bây giờ, vùng đất đầy tiềm năng du lịch cách Hà Nội chỉ 70km này vẫn chưa thực sự được nhiều người chú ý. Có lẽ cũng bởi đường vào Đà Bắc còn gập ghềnh khó đi, dịch vụ ăn uống và lưu trú còn sơ sài nên mới chỉ thu hút được khách ghé chơi trong ngày rồi trở về. Chưa kể trận lũ quét lịch sử tháng 10 năm ngoái biến nơi đây thành rốn lũ Hòa Bình càng khiến đường xá bị phá hoại nghiêm trọng, khó mà khắc phục được trong sớm chiều.

Gần 1 năm đã trôi qua, hôm nay tôi trở lại Đà Bắc cũng trong một chiều mưa phùn gian khổ. Không theo Quốc lộ 6 ngắn gọn bản đồ chỉ dẫn mà chọn qua Ba Vì, chạy theo sông Đà, rẽ phải vào Thanh Sơn để sang thị trấn Đà Bắc.

Nghe dân mạng kháo nhau rằng, đây là một đoạn đường đẹp vì một bên là núi và đồi ngô, bên còn lại là dòng sông Đà hùng vĩ, thơ mộng. Con đường ngoằn ngoèo giữa những cánh đồng vắng vẻ nhưng không mang bóng dáng của sự u tịch mà lãng mạn, lắng đọng.

Được nửa đường, cơn mưa rừng ở đâu rào rào đổ xuống đột ngột làm tôi đứng trân trân chịu mưa trời. Cũng may đã kịp đến gần xã Hiền Lương trước khi trời mưa ngày một to hơn. Con đường từ đây vào Đà Bắc nhỏ nhắn nằm gối đầu vào núi sâu. Thỉnh thoảng, giữa đường lại bừng lên một ánh đèn hư ảo lấp lóa như kim tuyến thêu trên vạt váy đen dài của cô thiếu nữ Mường.

Sáu giờ tối xe tới nơi, Homstay Hữu Thảo đã sẵn sàng đón khách. Căn phòng tôi ở nằm giữa khu vườn ăn trái của gia đình, một mặt nhìn thẳng ra sông Đà, ba mặt xung quanh có nhiều suối chảy róc rách. Quả là một homestay có view triệu đô. Phòng của tôi khá rộng, nội thất trang trí đơn giản nhưng đẹp chẳng kém khách sạn 2-3 sao với hệ thống vệ sinh tự hoại, nhà tắm nước nóng hiện đại, sạch sẽ.

Kể từ 2014 khi hệ thống CBT homestay (Community Based Tourism) do tổ chức AFAP (Úc) tài trợ cho xã Hiền Lương đưa 5 homestays đủ tiêu chuẩn vào khai thác thì bộ mặt du lịch của Đà Bắc dần thay đổi. Sự thay đổi rõ rệt nhất tôi nhận thấy là các homestay có sức chứa 20-30 khách, thậm chí nhiều hơn đều đã chật kín người dù hôm nay không phải cuối tuần, cũng không phải mùa đỉnh điểm du lịch.

Nhìn đồng hồ, mới hơn 7 giờ nhưng có vẻ màn đêm đã buông xuống nơi phố xá Đà Bắc yên bình giữa hoang vu. Bữa cơm tối dọn lên toàn những món đậm vị núi rừng: Rau su su luộc chấm mắm, thịt heo bản nướng lá bưởi hoặc xào với lá chanh, tôm sông rang giòn, cá rán vàng…

Bên cạnh có chút rượu ngô, rượu ong rừng và mấy thanh cơm lam. Tôi lúc nào cũng thích nhất món ăn này. Người Mường Hòa Bình đã dùng thứ gạo nếp nương - tinh hoa của đất, giao tình với nước, lửa và ống nứa non xanh tạo nên món “cơm” giản dị, khiên tốn nhưng lắng trong đó cả đất và hồn người Tây Bắc như một nét văn hóa ẩm thực không thể bỏ qua. Ăn miếng cơm rau nhà, gà nhà, cá tôm sông, quả vặt trong vườn vừa ngon, vừa thấy lòng thực sự “yên tâm” hơn cơm ở phố thị.

Sau bữa cơm, tôi không tham gia văn nghệ cùng mọi người mà lui về phòng nghỉ ngơi cho một loạt hoạt động tốn sức của ngày hôm sau. Nhìn ra bên ngoài, cơn mưa chiều làm đám rêu xanh trên những mái ngói trở nên mượt mà, tràn đầy sức sống như cất lên từ vạn cổ. Khung cảnh mộng mị khiến đầu óc nhanh chóng lạc vào cõi hư không.

5 giờ sáng, gió thốc mạnh làm cánh cửa sổ bên sườn bật mở. Các mảnh đồi trồng hoa màu đang được vài người phụ nữ lúi húi thu hoạch đem chợ bán. Bình minh mới khấp khởi hân hoan đang lấp ló đằng xa. Mấy con chim rừng ở đâu kéo đến đậu ngoài bậu cửa hót râm ran khiến tôi có muốn ngủ nữa cũng chẳng được. Thức dậy trong tiếng suối chảy, chim hót, làn gió sớm mai lành lạnh yên bình như thuở hồng hoang. Tôi thật muốn dành cả đời sống bên khung cửa sổ này.

Kết nối con người với tự nhiên

Sau bữa sáng no nê rau rừng tươi xanh là một loạt các hoạt động trải nghiệm thú vị chờ đón. Ngó qua danh sách gợi ý, tôi thấy ai đến đây cũng dễ dàng tìm cho mình một không gian thư giãn phù hợp.

Người thích sự tĩnh lặng, chú trọng sức khỏe có thể tắm lá người Dao cả ngày không chán. Người thích sự yên bình có thể đạp xe địa hình quanh các bản làng nhiều dốc uốn lượn. Người không thích hoạt động đông người mà vẫn muốn tham quan sông hồ thì tắm suối, bơi lội, đi thuyền trên sông thăm bè cá tầm, xem cất vó… Người tràn đầy năng lượng, ưa mạo hiểm khám phá có thể lựa chọn chèo thuyền Kayak vô cùng thú vị.

Bạn tôi nhanh chân thuê được một chiếc thuyền Kayak nhỏ, dài và mảnh mai với sức chứa 1-2 người. Kèm theo đó là các dụng cụ bảo hộ như áo phao, mũ nón… Mới nhìn anh hướng dẫn viên mô tả chi tiết cách chèo thuyền, điều khiển tay lái tôi cứ ngỡ Kayak đơn giản lắm, thế mà khi đưa thuyền xuống nước thì sự lúng túng mới bắt đầu lộ rõ.

Khó nhất là cách điều khiển thuyền đi trên mặt nước theo ý mình vì Kayak khá dài và lòng sông có nhiều khúc ngoặt bất ngờ. Mất tới 30 phút tập tành, chúng tôi mới có thể chầm chậm điều khiển con thuyền khám phá mặt sông.

Dòng sông bây giờ mang một màu xanh đến kỳ lạ, bình lặng như thấm đẫm chất thơ. Thuyền đi chen giữa núi, giữa đồi, giữa những con nước lững lờ trôi. Đâu đó xa xa, một vài chiếc thuyền nhỏ len mình giữa sóng nước, trở thành điểm nhấn giữa màu xanh trời và sông núi hòa làm một. Nó như một nét chấm phá cho bức tranh hoàn mỹ về sự bình yên giữa núi đồi, giữa những bộn bề của cuộc sống hiện đại.

Mỗi khi khua mái chèo trong làn nước mát, thấy lòng mình nhẹ tênh chuyện thế sự, quên hết mệt mỏi ưu phiền. Du khách đến Đà Bắc đúng là không nên bỏ qua một tour chèo thuyền Kayak trên sông nếu muốn biết về vùng đất này một cách đầy đủ nhất.

Một điều nữa khiến chúng tôi ngạc nhiên và thích thú là Đà Bắc còn có cả dịch vụ nướng đồ ăn trên thuyền, vừa ăn vừa thả hồn vào sông nước, cùng nhau nâng chén rượu nồng…

Thật tuyệt biết bao!

Hết tour chèo thuyền Kayak, tôi trở về lấy một chiếc xe đạp tranh thủ vào từng bản làng, từng căn nhà, nói chuyện nhiều hơn với người dân ở đây. Đà Bắc không chỉ có cảnh đẹp mộc mạc, nên thơ mà còn sở hữu nét văn hóa đậm chất người Mường. Các tập tục ngàn năm như cơm đồ, nước vác, nhà gác, lợn thui gần như vẫn còn nguyên vẹn.

Nhà cửa ở đây đa số nhỏ, chen nhau sát ra mặt đường. Nhìn kỹ thì cũng có vài dịch vụ cà phê, gội đầu, tạp hóa, sửa quần áo… Cách đó không xa là vài quán ăn nhỏ, chủ nhà vừa là đầu bếp, vừa là phục vụ, dọn dẹp, khách có gì không hài lòng vẫn luôn ôn hòa, nhã nhặn.

Đạp xe một lúc thì trời nắng to, tôi chọn một quán nước ven đường dừng chân. Bà chủ quán ăn mặc có vẻ sành điệu, hỏi ra mới biết chị có nghề tay trái là MC. Ngày chị leo đồi, hái măng, trưa là bà chủ quán nước, tối lại làm hướng dẫn viên cho bọn trẻ. Tối cuối tuần ở đây sẽ có nhiều chương trình giao lưu lửa trại văn nghệ để khách du lịch hiểu biết thêm về văn hóa dân tộc Mường. Ở vị trí nào chị cũng vô cùng tận tụy, chuyên nghiệp.

Chớp mắt một cái trời đã xế chiều. Gần hai ngày ở nơi vùng cao xinh đẹp này, điều tôi làm nhiều nhất là hít thở bầu không khí tràn đầy sự thanh khiết của núi rừng, của mưa; là ngắm nhìn thật nhiều sắc xanh miên man của lá rừng, của dòng sông Đà bình yên; là lắng tai nghe tiếng mưa tí tách, tiếng gió xào xạc, tiếng chim ríu rít. Chỉ thế mà cả ngày lặp đi lặp lại vẫn thấy thật háo hức không nguôi.

Nhiều vị khách cho biết, họ chắc chắn sẽ quay lại Đà Bắc, không chỉ vì cảnh đẹp, đồ ăn ngon sạch, nhiều hoạt động hòa mình vào thiên nhiên mà còn bởi những con người thật thà, mộc mạc, mến khách, những con người chưa bị du lịch làm thay đổi.

Người Đà Bắc rất khéo léo khi biết kết hợp lợi thế về tự nhiên, văn hóa, con người của mình vào dịch vụ du lịch. Từ đó tạo nên một loại hình nghỉ dưỡng ngày càng hấp dẫn, thu hút được thêm nhiều du khách cả trong và ngoài nước. Đây cũng là mô hình đang góp phần xóa đói giảm nghèo và giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương nơi đây.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Thùy Linh
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục